Ông Trịnh Văn Hùng, chuyên viên chính, Cục KHCN&ĐT, Bộ Y tế làm trưởng đoàn. Tiếp và làm việc với đoàn có Bác sĩ Nguyễn Tuấn, Phó Giám đốc Sở Y tế; đại diện Phòng Tổ chức cán bộ, Phòng Nghiệp vụ y, Sở Y tế và các đơn vị có liên quan.
Hà Tĩnh hiện có 05 bệnh viện tuyến tỉnh và 12 bệnh viện tuyến huyện có tiếp nhận học sinh, sinh viên, học viên của các cơ sở giáo dục đến thực hành trong tổ chức đào tạo các ngành thuộc khối ngành sức khỏe. Đặc biệt, có 02 bệnh viện tuyến tỉnh(BVĐK tỉnh, bệnh viện Y học cổ truyền) và 04 bệnh viện tuyến huyện(BVĐK Thành phố, Lộc Hà, Cẩm Xuyên, Hương Khê) đã thực hiện thủ tục tự công bố cơ sở KCB đáp ứng yêu cầu là cơ sở thực hành trong đào tạo khối ngành sức khỏe.
Tại buổi làm việc, Cục KHCN&ĐT, Bộ Y tế kiểm tra hồ sơ của các bệnh viện đã thực hiện thủ tục tự công bố cơ sở KCB đáp ứng yêu cầu là cơ sở thực hành trong đào tạo khối ngành sức khỏe và các hướng dẫn của Sở Y tế để xem xét, đánh giá lại, hướng dẫn, bổ sung những nội dung còn thiếu của các đơn vị y tế trong việc thực hiện Nghị định 111 và công tác đào tạo liên tục của cán bộ y tế.
Cũng tại buổi làm việc đại diện các bệnh viện thảo luận đưa ra một số kết quả đã đạt được. Đặc biệt, nêu ra một số khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện như: Nghị định 111 quy định cán bộ giảng dạy phải có văn bằng, trình độ, kinh nghiệm chuyên môn tối thiểu 12 tháng liên tục đến thời điểm giảng dạy thực hành phù hợp với trình độ, ngành/chuyên ngành giảng dạy thực hành; trình độ của người giảng dạy thực hành không được thấp hơn trình độ đang được đào tạo của người học thực hành; có chứng chỉ hành nghề và phạm vi chuyên môn hành nghề phù hợp với chương trình, đối tượng đào tạo thực hành trong trường hợp pháp luật quy định phải có chứng chỉ hành nghề; có đủ thời gian hành nghề KCB sau khi có chứng chỉ hành nghề liên tục ở ngành/chuyên ngành giảng dạy thực hành đến thời điểm giảng dạy thực hành ít nhất là 36 tháng đối với đào tạo trình độ sau đại học, 24 tháng đối với đào tạo trình độ đại học và 12 tháng đối với trình độ cao đẳng và trung cấp. Ngoài các quy định trên, theo Thông tư 08/2017/TT-BLĐTBXH cũng quy định nhiều tiêu chuẩn dẫn đến rất ít cán bộ giảng dạy đủ tiêu chuẩn để giảng dậy dẫn đến nhiều cơ sở số lượng cán bộ nhiều nhưng thiếu cán bộ giảng dạy. Ngoài ra, cơ sở đào tạo muốn gửi học sinh, sinh viên thực hành, thì cơ sở thực hành phải công bố cơ sở KCB đáp ứng yêu cầu là cơ sở thực hành đào tạo khối ngành sức khỏe.
Tuy nhiên, trong thời gian qua, một số cơ sở thực hành chưa chủ động hoàn thiện Hồ sơ công bố nên cơ sở đào tạo phải làm thay. Việc này dẫn tới cơ sở thực hành có thể đáp ứng đào tạo nhiều ngành nghề nhưng mới chỉ công bố đảm bảo yêu cầu đào tạo những ngành mà cơ sở đào tạo cần. Theo Nghị quyết số 57/2017/HĐND ngày 15/7/2017 của Hội đồng nhân dân tỉnh Hà Tĩnh quy định mức thu học phí cho các cơ sở đào tạo công lập thì mức học phí được thu bằng khoảng 80% so với mức trần của Nghị định số 86/2015/NĐ-CP của Chính phủ.
Tại buổi làm việc các đại biểu cũng đề xuất các giải pháp để thực hiện tốt hơn trong thời gian tới: Bộ Y tế và Bộ Lao động – Thương binh – Xã hội cần thống nhất quy đổi chứng chỉ hành nghề với chứng chỉ kỹ năng nghề và không yêu cầu chứng chỉ sư phạm(có thể thay thế bằng chứng chỉ phương pháp giảng dạy y – dược) để các cán bộ giảng dạy đủ tiêu chuẩn theo quy định của Bộ Lao động – Thương binh – Xã hội.
Phát biểu tại buổi làm việc Ông Trịnh Văn Hùng đề nghị Sở Y tế Hà Tĩnh đôn đốc, kiểm tra, hỗ trợ các đơn vị chưa công bố; hướng dẫn các đơn vị làm thủ tục công bố cơ sở đủ điều kiện đáp ứng yêu cầu là cơ sở thực hành trong đào tạo khối ngành sức khỏe. Đồng thời, tiếp thu các ý kiến của các đơn vị và tổng hợp lại trình Bộ Y tế, gửi phản hồi cho các đơn vị trong thời gian sớm nhất.
Thay mặt lãnh đạo Sở Y tế, Bác sĩ Nguyễn Tuấn cảm ơn sự quan tâm, giúp đỡ của Cục KHCN&ĐT, Bộ Y tế, đồng thời mong muốn Cục KHCN&ĐT, Bộ Y tế tiếp tục giúp đỡ ngành Y tế Hà Tĩnh, nhất là giải quyết những bất cập, khó khăn của các đơn vị đã nêu.
Than Loan