Giá các dịch vụ kỹ thuật y tế sẽ tăng 1,1%
Theo đó, mức điều chỉnh giá khám bệnh, ngày giường tăng bình quân 4,4%, giá các dịch vụ kỹ thuật y tế tăng 1,1%. Việc điều chỉnh giá dịch vụ y tế lần này, đối tượng bị ảnh hưởng nhiều nhất là người không có thẻ BHYT. Còn đối với người nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số, trẻ dưới 6 tuổi, người dân sinh sống tại huyện đảo, xã đảo… không bị ảnh hưởng vì đây là những đối tượng thuộc diện được hỗ trợ mua thẻ BHYT và khi đi khám chữa bệnh sẽ được BHYT thanh toán 100%. Đối với người cận nghèo, có tỷ lệ đồng chi trả là 5%. So với tỷ lệ điều chỉnh giá tăng bình quân 4,4% đối với ngày giường, 1,1% đối với các dịch vụ khác thì mức độ tác động không đáng kể (tăng thêm 5% của 4,4% đối với ngày giường là 0,22%, tăng thêm 5% của 1,1% đối với các dịch vụ khác là 0,05%). Các đối tượng có thẻ BHYT phải đồng chi trả 20% chi phí khám chữa bệnh BHYT có bị ảnh hưởng, nhưng mức độ ảnh hưởng không nhiều (tăng thêm 20% của 4,4% đối với ngày giường là 0,88%, tăng thêm 5% của 1,1% đối với các dịch vụ khác là 0,2%). Mặt khác, với người tham gia BHYT từ 5 năm liên tục trở lên khi đi khám chữa bệnh đúng tuyến, số tiền đồng chi trả trong năm lớn hơn 6 tháng lương cơ sở thì chỉ phải thanh toán tối đa 6 tháng lương cơ sở, và việc điều chỉnh giá dịch vụ y tế theo mức lương 1.490.000 đồng tạo điều kiện cho các trường hợp này được thanh toán chi phí khám chữa bệnh BHYT hơn khi thực hiện mức giá theo quy định cũ (từ 8.340.000 đồng lên 8.940.000 đồng).
Về mức giá cụ thể khi thực hiện 2 thông tư mới này, đối với các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh trực thuộc Bộ Y tế và các bệnh viện hạng đặc biệt, bệnh viện hạng I thuộc các Bộ, cơ quan Trung ương. Bộ Y tế sẽ quyết định mức giá để các đơn vị thực hiện. Đối với các cơ sở thuộc địa phương quản lý thì sở Y tế, sở Tài chính báo cáo UBND cấp tỉnh để trình HĐND cấp tỉnh quyết định mức giá và thời điểm thực hiện.
Phan Viên