Lãnh đạo Sở Y tế chỉ đạo triển khai khắc phục hậu quả sau lũ tại TYT xã Hương Đô huyện Hương Khê
Nhiều ngày qua, ngôi nhà của anh Lê Minh Hồng, ở xóm 9, xã Hương Thủy huyện Hương Khê bị ngập sâu trong nước lũ, khiến sinh hoạt gia đình bị đảo lộn hoàn toàn. Điều bà anh Hồng lo lắng hơn cả là nguồn nước sạch sử dụng sinh hoạt, cả giếng khơi và giếng đóng đều bị nước lũ tràn vào. Vì thế, dù lũ đã có rút, nhưng nước sinh hoạt của gia đình anh vẫn đục ngầu.
Không riêng gia đình anh Lê Minh Hồng, nguồn nước sử dụng sinh hoạt là nỗi lo chung của hàng ngàn hộ dân có giếng nước bị ngập ở các xã Hương Đô, Lộc Yên, Hương Giang, Phương Mỹ, Phương Điền, Hòa Hải.. Nhiều gia đình phải đi xa mới xin được nước uống từ những hộ ở nơi cao ráo, không bị ngập nước.
Bà Nguyễn Thị Lành, ở xóm 2, xã Hương Giang cho hay: Mấy ngày qua nước ngập quá sâu, gia đình tôi phải di chuyển ra nhà họ hàng để ở nhờ. Hy vọng ngày mai nước rút thêm, chúng tôi có thể về được nhà. Hiện chúng tôi lo ngại nhất là vệ sinh môi trường, nước bẩn, dịch bệnh.
Động viên cán bộ viên chức Trung tâm YTDP huyện và các trạm y tế thực hiện tốt công tác vệ sinh môi trường, xử lý nước sinh hoạt cho nhân dân.
Theo Tiến sỹ Đường Công Lự, Phó Giám Sở Y tế Hà Tĩnh cho biết: Mặc dù nước trong vùng ngập lụt đã rút nhưng các điều kiện về ăn ở, giữ vệ sinh môi trường sống, môi trường sinh hoạt của người dân vẫn cần phải được quan tâm. Thực tế cho thấy, sau mưa lũ, úng ngập, môi trường sống thường bị ô nhiễm nghiêm trọng bởi xác động, thực vật thối rữa, phân hủy. Đặc biệt nước từ các hố ga, nhà vệ sinh, khu vực chứa nước thải sinh hoạt, khu chăn nuôi gia súc gia cầm… mang nhiều mầm bệnh, tạo điều kiện cho vi khuẩn, virus phát triển mạnh.
“Sau lũ các ổ dịch bệnh truyền nhiễm rất dễ xảy ra như tiêu chảy, đau mắt đỏ, viêm đường hô hấp, nấm kẽ chân, cúm, sốt xuất huyết, đau mắt đỏ, đặc biệt cần đề phòng các bệnh lây truyền qua đường tiêu hóa như tiêu chảy, tả, lỵ, thương hàn…, Tiến sỹ Đường Công Lự khuyến cáo thêm.
Hướng dẫn người dân khử khuẩn nước sinh bằng CloraminB
Xác định nguy cơ xảy ra dịch bệnh sau lũ nên ngay khi trời ngừng mưa, nước lũ bắt đầu rút, Sở Y tế Hà Tĩnh đã chỉ đạo các đơn vị chuyên môn và ngành tế huyện Hương Khê nhanh chóng vào cuộc để xử lý môi trường, phòng chống các dịch bệnh phát sinh sau lũ.
Theo đó, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Tĩnh đã tổ chức cấp 11 cơ số thuốc hóa chất, 70 áo phao, 847 lít hóa chất diệt côn trùng cho 13 Trung tâm YT/YTDP huyện, thị, thành phố. Cử 2 đội cơ động phòng chống dịch bệnh và thiên tai lũ lụt về hỗ trợ các địa phương bị ngập nặng để xử lý, hướng dẫn người dân vệ sinh môi trường; tăng cường tổ chức các hoạt động giám sát và phòng chống dịch bệnh, nhất là các dịch bệnh thường xảy ra sau khi nước rút.
Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Tĩnh cấp hóa chất khử khuẩn CloraminB cho TTYTDP Hương Khê
Trao đổi với bác sỹ Nguyễn Quốc Tuệ, Phó Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng huyện Hương Khê cho biết: Hiện tại trung tâm đã cấp đủ hóa chất Cloramin B và phèn chua khử khuẩn nguồn nước sinh hoạt, vệ sinh môi trường, áo phao cứu sinh cho cán bộ trạm y tế xã (ưu tiên những địa phương bị ngập nặng), trước mắt phục vụ đủ cho việc triển khai và khắc phục hậu quả do mưa, lũ gây ra. Ngoài ra, đang tăng cường cán bộ về trung tâm y tế dự phòng huyện và đội đặc nhiệm cơ động phòng chống dịch của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Tĩnh xuống tận cơ sở các vùng bị ngập giúp cán bộ y tế xã và nhân dân làm công tác vệ sinh môi trường, khử khuẩn nguồn nước sinh hoạt.
Cũng theo bác sỹ Tuệ, trong thời gian tới, trung tâm y tế dự phòng huyện tiếp tục thực hiện tốt công tác phối hợp với trạm y tế các xã bị ngập làm tốt công tác tuyên truyền phòng chống dịch bệnh cho người dân sau mưa lũ, giám sát tình hình dịch bệnh, hướng dẫn và xử lý nguồn nước sinh hoạt. Đồng thời duy trì công tác thường trực cấp cứu, khám chữa bệnh tại đơn vị và tiếp tục cung ứng thuốc, hóa chất bảo đảm kịp thời cho nhân dân trên địa bàn.
Theo khuyến cáo của Bộ Y tế, sau ngập lụt, các ổ dịch bệnh truyền nhiễm rất dễ xảy ra như tiêu chảy, đau mắt đỏ, viêm đường hô hấp, nấm kẽ chân, cúm, sốt xuất huyết, đau mắt đỏ, đặc biệt cần đề phòng các bệnh lây truyền qua đường tiêu hóa như tiêu chảy, tả, lỵ, thương hàn,... Do đó, người dân cần đảm bảo vệ sinh cá nhân, vệ sinh môi trường, an toàn thực phẩm, xử lý xác súc vật chết và các biện pháp vệ sinh khác. Cần triển khai các hoạt động vệ sinh môi trường sau bão lụt, đảm bảo nước rút đến đâu làm vệ sinh môi trường đến đó, tổ chức thu gom và sử dụng vôi bột hoặc các hóa chất để xử lý khi chôn xác động vật tránh phát sinh các dịch, bệnh truyền nhiễm, phun hóa chất diệt côn trùng truyền bệnh tại các vùng có nguy cơ. |
Nhật Thắng