CHUYÊN NGHIỆP - TRÁCH NHIỆM - NĂNG ĐỘNG - MINH BẠCH - HIỆU QUẢ !
Tin trong tỉnh 00:02 23/10/2019 (378)

Đại biểu Quốc hội Hà Tĩnh đồng ý phương án nâng khung thỏa thuận giờ làm thêm tối đa lên 400 giờ/năm

Sáng 23/10, tiếp tục chương trình kỳ họp thứ 8, Quốc hội thảo luận tại hội trường về dự án Bộ Luật Lao động (sửa đổi). Phó trưởng đoàn phụ trách Đoàn ĐBQH Hà Tĩnh Nguyễn Văn Sơn tham gia thảo luận một số vấn đề liên quan đến thời gian làm việc, tuổi nghỉ hưu và tổ chức của người lao động.


Phó trưởng đoàn phụ trách Đoàn ĐBQH Hà Tĩnh Nguyễn Văn Sơn thảo luận tại kỳ họp

Trước hết, đại biểu thể hiện sự đồng tình cao với việc mở rộng phạm vi điều chỉnh với nhóm đối tượng không có quan hệ lao động nhằm bảo đảm tốt hơn quyền lợi của người lao động. Từ đó thúc đẩy việc chuyển dịch lao động từ khu vực không có quan hệ lao động sang khu vực có quan hệ lao động, từ khu vực phi chính thức sang khu vực chính thức. Đồng thời, để người lao động không có quan hệ lao động được áp dụng về một số tiêu chuẩn, điều kiện lao động, tiền lương, an toàn vệ sinh lao động, bảo hiểm xã hội, bảo vệ một số đối tượng lao động đặc thù.

Đại biểu Nguyễn Văn Sơn đề nghị giảm thời giờ làm việc bình thường từ 48 giờ xuống 44 giờ trong một tuần. Theo số liệu khảo sát của Tổ chức Lao động Quốc tế ILO đối với 154 nước và vùng lãnh thổ, Việt Nam nằm trong 40 nước có thời giờ làm việc bình thường theo tuần cao của thế giới.

Bên cạnh đó, giảm giờ làm là xu hướng tiến bộ trên cơ sở phát triển lực lượng sản xuất, thúc đẩy tăng năng suất lao động, duy trì được sức khỏe, tái tạo sức lao động, có thời gian để chăm sóc bản thân, gia đình và tham gia các hoạt động xã hội, đảm bảo hài hoà lợi ích, phù hợp với điều kiện của xã hội mà doanh nghiệp cần quan tâm, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật cũng như tăng năng suất lao động. Do đó, đề nghị cơ quan soạn thảo có đánh giá tác động cụ thể và rõ nét hơn về vấn đề này.

Về quy định làm thêm giờ (Điều 107, dự thảo luật), đại biểu thống nhất với phương án 2 như Chính phủ trình, nâng khung thỏa thuận giờ làm thêm tối đa lên 400 giờ trên một năm trong một số ngành nghề. Quy định này vừa đáp ứng nhu cầu thực tiễn khách quan, phù hợp với luật pháp Việt Nam, vừa tạo điều kiện cho người lao động tự nguyện, có sức khỏe, phát huy năng lực và tăng thêm thu nhập cũng như đáp ứng nhu cầu thực sự từ phía doanh nghiệp.

Đồng thời, đại biểu Nguyễn Văn Sơn đề nghị Chính phủ tham mưu cho Quốc hội xem xét, ban hành danh mục cụ thể các ngành nghề được mở rộng khung giờ làm thêm từ trên 300 giờ đến 400 giờ, chẳng hạn như các ngành nghề: Dày da, thủy sản, lắp ráp linh kiện điện tử... Thực tế hiện nay, một số nước tiên tiến vẫn có quy định giờ làm thêm tối đa tương đương mức này như: Nhật Bản là 300- 360 giờ/năm; Hàn Quốc tối đa là 620 giờ/năm.

Đại biểu cũng đề nghị Quốc hội quan tâm quy định chế độ chi trả tiền lương cho người lao động theo hình thức lũy tiến, quy định về đăng ký, quản lý, theo dõi giờ làm thêm.

Về tuổi nghỉ hưu, đại biểu nhất trí với phương án 1 Chính phủ trình, tuổi nghỉ hưu của người lao động trong điều kiện bình thường được điều chỉnh theo lộ trình cho đến khi đủ 62 tuổi đối với nam vào năm 2028 và đủ 60 tuổi đối với nữ vào năm 2035. Tuy nhiên, cần quy định người lao động trong một số ngành nghề có thể nghỉ trước tuổi hoặc sau tuổi quy định 10 tuổi để phù hợp với đặc thù từng nghề, nhằm phát huy trình độ chuyên môn kỹ thuật cao, hoặc điều kiện lao động đặc thù; độc hại cần nghỉ hưu sớm. Và nhóm ngành nghề này cần giao Chính phủ xây dựng danh mục chi tiết trình Quốc hội xem xét quyết định.

Cuối cùng, về vấn đề thành lập, gia nhập tổ chức của người lao động tại doanh nghiệp, đại biểu cho rằng đây vừa là yêu cầu của thị trường lao động quốc tế, vừa là thách thức, cũng là cơ hội để tổ chức công đoàn phát huy vai trò đại diện hợp pháp của người lao động.

Vì vậy, đại biểu đề nghị cần quy định chặt chẽ việc cấp phép hoạt động (thẩm quyền, trình tự, thủ tục, cơ quan thực hiện,…), quyền liên kết giữa các tổ chức, quy định trong mỗi doanh nghiệp chỉ có tối đa 02 - 03 tổ chức của người lao động, cơ quan cấp phép có quy định cụ thể, rõ ràng, bảo đảm không tạo ra sự cạnh tranh thiếu lành mạnh, làm phức tạp tình hình quan hệ lao động, gây mất ổn định tại doanh nghiệp, ảnh hưởng đến quyền lợi hợp pháp của người lao động.


Phạm Nghĩa – Thúy An

Cùng chuyên mục

Bình Luận Mới

 Bình luận của bạn đã được gửi thành công. Cảm ơn bạn!   Làm mới
Lỗi: Vui lòng thử lại