CHUYÊN NGHIỆP - TRÁCH NHIỆM - NĂNG ĐỘNG - MINH BẠCH - HIỆU QUẢ !
Tin trong ngành 16:10 01/06/2020 (439)

Hưởng ứng ngày vi chất dinh dưỡng 01-02/6: Cần tăng cường vi chất dinh dưỡng cho trẻ

Vi chất dinh dưỡng là những chất mà cơ thể chỉ cần một lượng rất nhỏ nhưng có vai trò rất quan trọng cho sự tăng trưởng, phát triển trí tuệ, nâng cao sức khỏe và sức đề kháng cho trẻ, góp phần phòng, chống dịch bệnh, phát triển kinh tế xã hội. Nếu thiếu vi chất dinh dưỡng sẽ dẫn đến những ảnh hưởng nghiêm trọng cho cơ thể, đặc biệt là trẻ nhỏ.Tuy nhiên, hiện nay một số bà mẹ chưa chú trọng đến điều này.
Chị Nguyễn Thanh H. xóm 7, thị trấn Lộc Hà, huyện Lộc Hà có con 5 tuổi nhưng cân nặng của bé chỉ được 12 kg và chiều cao chỉ được 75cm. Chị H. cho biết: “Con tôi khi sinh ra đủ tháng, 3kg, giai đoạn tôi đang ở nhà chăm con nên nó bụ bẫm lắm. Nhưng sau khi sinh 2 tháng tôi đi làm từ đó sữa cũng mất dần, cũng vì bận rộn nên tôi thường mua cháo cho cháu ăn.Thế nên cháu thường đau ốm và sức khỏe yếu như thế này”. Tình trạng của con chị H cũng là thực trạng chung của nhiều trẻ ở vùng nông thôn, miền núi, vùng khó khăn trên địa bàn tỉnh ta.
Cho trẻ uống Vitamin A và uống thuốc tẩy giun tại các trường học trên địa bàn

Theo báo cáo của Viện Dinh dưỡng Quốc gia,có hơn 50% trẻ em Việt Nam từ 6 tháng đến 12 tuổi thiếu vi chất nghiêm trọng như: vitamin A, B1, C, D và sắt. Còn tại Hà Tĩnh mặc dù chưa có số liệu thống kê đầy đủ về điều này, nhưng tỷ lệ suy dinh dưỡng trẻ em dưới 5 tuổi vẫn còn cao. Theo báo cáo của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Hà Tĩnh, năm 2019 tỷ lệ suy dinh dưỡng trẻ em dưới 5 tuổi ở thể nhẹ cân là 8,9%; thể thấp còi 14,3%.
Ths. Hoàng Văn Sơn, Phó Giám đốc CDC Hà Tĩnh cho biết: “Vi chất dinh dưỡng gồm nhóm vitamin (A, B, C, D, E...) và nhóm các nguyên tố khoáng (canxi, photpho, sắt, kẽm, iod, selen, đồng...). Những chất này có nhiều trong các thức ăn nguồn gốc động vật, thực vật rất phong phú và đa dạng của Việt Nam. Tuy nhiên, rất nhiều bà mẹ do chưa hiểu biết đúng về vai trò cũng như là nhu cầu của vi chất dinh dưỡng nên chưa chú trọng đến bữa ăn của trẻ”.

Cho trẻ uống vitamin A làm tăng sức đề kháng của cơ thể chống lại các bệnh nhiễm khuẩn

Thiếu vi chất dinh dưỡng dẫn đến một số bệnh như: suy dinh dưỡng, thấp còi; thiếu máu dinh dưỡng;bướu cổ và các bệnh về mắt… Khi bị thiếu máu, trẻ thường có biểu hiện da xanh, niêm mạc môi, lưỡi, mắt nhợt nhạt. Trẻ kém hoạt bát, học kém, thiếu tập trung hay buồn ngủ. Khi bị thiếu máu nặng, trẻ hay bị viêm nhiễm đường hô hấp và các bệnh nhiễm khuẩn. Khi thiếu vitamin D sẽ làm giảm hấp thu canxi ở ruột dẫn đến trẻ còi xương, chậm biết ngồi, biết đi, biến dạng xương (chân vòng kiềng, chữ bát). Trẻ bị thiếu iốt chậm phát triển trí tuệ, chậm lớn, nói ngọng, nghễnh ngãng, học kém. Thiếu kẽm làm trẻ chậm lớn, biếng ăn, giảm sức đề kháng hay mắc bệnh nhiễm khuẩn, suy dinh dưỡng và chậm phát triển chiều cao. Thiếu vitamin A trẻ chậm lớn, còi cọc, hay bị mắc các bệnh nhiễm khuẩn như tiêu chảy, viêm đường hô hấp, thiếu nặng sẽ bị khô loét giác mạc, dẫn đến mù lòa.
Bởi vậy, để trẻ phát triển khỏe mạnh, theo Ths. Hoàng Văn Sơn: cha mẹ cần có biện pháp phòng ngừa và cải thiện sớm tình trạng thiếu vi chất dinh dưỡng cho trẻ bằng cách quan tâm đến trẻ qua các bữa ăn hằng ngày. Trong các bữa ăn cần bổ sung sắt như thịt bò, lòng đỏ trứng gà, tim, gan, bầu dục, cá, đậu, đỗ, rau lá xanh, mộc nhĩ, nấm hương. Các thực phẩm chứa nhiều canxi như tôm, tép, cua, cá, sữa, phomai, rau dền, rau mồng tơi. Vitamin D có nhiều trong dầu gan cá, cá biển, trứng gà... Các thực phẩm có nhiều iốt là các loại cá biển, rong biển, rau cải xoong, tảo... Thực phẩm có nhiều kẽm gồm: lòng đỏ trứng gà, so, trai, hến, lươn, ốc, củ cải... Các thực phẩm có nhiều vitamin A như: thịt, gan, trứng gà, sữa, lươn, gấc, cà rốt, bí đỏ…Khuyến khích các bà mẹ cho con bú ngay sau sinh để trẻ bú được sữa non vì trong sữa non, hàm lượng vitamin A cao, giúp trẻ khỏe, tăng sức đề kháng và chống được bệnh. Trẻ nhỏ cần được bú mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầuvà tiếp tục cho trẻ bú mẹ đến 24 tháng tuổi hoặc lâu hơn, vì sữa mẹ là nguồn thực phẩm tự nhiên có đủ vi chất dinh dưỡng, đáp ứng được nhu cầu của trẻ.Trẻ trong độ tuổi uống vitamin A cần cho uống liều cao 2 lần/năm, bà mẹ sau sinh trong vòng một tháng uống một liều vitamin A. Trẻ từ 24 - 60 tháng tuổi uống thuốc tẩy giun 2 lần/năm. Thực hiện vệ sinh ăn uống, vệ sinh cá nhân, vệ sinh môi trường để phòng chống nhiễm giun. Phụ nữ tuổi sinh đẻ, phụ nữ mang thai nên uống viên sắt/axit folic hoặc viên đa vi chất theo hướng dẫn của các bác sỹ chuyên khoa.

Để phòng, chống thiếu vi chất dinh dưỡng, hàng nămNgành Y tế Hà Tĩnh đã thực hiện một số Chương trình như: Chương trình Phòng chống thiếu vitamin A, bằng các hoạt động bổ sung vitamin A cho trẻ từ 6 - 60 tháng tuổi, 1 năm 2 lần; cho bà mẹ sau sinh uống vitamin A liều cao; bổ sung vitamin A cho những trẻ bị suy dinh dưỡng nặng, những trẻ bị tiêu chảy kéo dài, viêm đường hô hấp dai dẳng. Chương trình phòng chống bệnh giun sán, bằng các hoạt động cho trẻ từ 24 đến 60 tháng tuổi uống thuốc tẩy giun định kỳ, 2 đợt/năm. Chương trình Phòng chống rối loạn do thiếu iốt bằng khuyến khích mọi gia đình sử dụng muối iốt và sản phẩm iốt (nước mắm, bột nêm) trong chế biến thức ăn. Chương trình Phòng chống thiếu máu dinh dưỡng bằng cách hướng dẫn phụ nữ có thai uống viên sắt - acid folic trong suốt thai kỳ. Hướng dẫn thực hành dinh dưỡng cho bà mẹ có thai, cho con bú, có con dưới 5 tuổi.
Thanh Loan - Nguyễn Duy




Cùng chuyên mục

Bình Luận Mới

 Bình luận của bạn đã được gửi thành công. Cảm ơn bạn!   Làm mới
Lỗi: Vui lòng thử lại