TIÊM CHỦNG VẮC XIN COVID-19 VÌ SỨC KHỎE CỦA BẠN VÀ NHỮNG NGƯỜI THÂN YÊU. HÃY CHUNG TAY BẢO VỆ MÌNH VÀ CỘNG ĐỒNG TRƯỚC ĐẠI DỊCH COVID-19!
Tin trong ngành 21:30 27/07/2023 (133)

Điểm báo ngày 27/7/2023

soyte.hatinh.gov.vn: Bệnh viêm não ở trẻ em gia tăng trong mùa Hè; Quảng Nam: Lại thêm 2 vụ ngộ độc do ăn cá ủ chua; Số ca mắc tay chân miệng tăng nhanh tại TP.HCM, có cách nào phòng bệnh chuyển nặng? Hải Phòng thực hiện thành công ca ghép thận thứ 2 từ bố cho con; Cứu sống bệnh nhân sốc nhiễm khuẩn nặng bằng kỹ thuật lọc máu với màng lọc

Bệnh viêm não ở trẻ em gia tăng trong mùa Hè

Theo Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương, từ đầu tháng 4 trở lại đây, số bệnh nhi nhập viện vì viêm não tăng đột biến;

Trong mùa Hè, ngoài sự lây lan của các dịch bệnh nguy hiểm như tay chân miệng, sốt xuất huyết… thì viêm não, viêm màng não cũng là căn bệnh có nguy cơ bùng phát mạnh, đặc biệt nguy hiểm là viêm não Nhật Bản. Theo Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương, từ đầu tháng 4 trở lại đây, số bệnh nhi nhập viện vì viêm não tăng đột biến.

Tại Khoa Nhi của bệnh viện có nhiều trẻ bị viêm màng não, viêm não. Trong đó, có 2 trẻ từ Yên Bái chuyển xuống trong tình trạng nguy kịch. Còn lại, các trẻ khác đều vào viện với triệu chứng sốt cao, đau đầu.

Một trường hợp cụ thể, bé G.A.T. (4 tuổi, trú tại huyện Nghĩa Lộ, Yên Bái) bị sốt, đau đầu bên trái. Mẹ bệnh nhi không biết đã cho con uống thuốc gì. Đến tối, trẻ co giật và ngất lịm. Người nhà không đưa bé đi cấp cứu ngay mà ở nhà lay gọi trẻ. Sáng hôm sau, trẻ mới được đưa lên Bệnh viện Đa khoa Nghĩa Lộ nhưng không cải thiện. Sau đó, trẻ được chuyển tới Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương.

Trường hợp thứ 2 là bé L.G.A. (9 tuổi, Mù Căng Chải, Yên Bái) vào viện cấp cứu trong tình trạng co giật. Sau khi ăn sáng, trẻ còn đi chơi bình thường nhưng đột nhiên ngã. Trẻ được đưa vào viện gần nhà cấp cứu. Tuy nhiên, bác sĩ không xác định được bệnh gì. Trẻ tiếp tục được chuyển tới Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương. Khai thác tiền sử cho thấy, từ khi sinh ra, trẻ chưa được tiêm bất cứ loại vaccine nào. Tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương, các bác sĩ chẩn đoán xác định trẻ mắc viêm não.

TS. BS Đặng Thị Thúy, Trưởng Khoa Nhi, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cho biết, viêm não là tình trạng viêm của nhu mô não, biểu hiện bằng sự rối loạn chức năng thần kinh - tâm thần khu trú hoặc lan tỏa.

Nguyên nhân thường gặp do virus như herpes, arbovirus lây truyền do muỗi, bét hoặc các côn trùng khác; bệnh dại gây nên do vết cắn của một số động vật nhiễm bệnh như chó, mèo. Trong một số trường hợp hiếm gặp, viêm não thứ phát có thể xuất hiện sau khi trẻ mắc một số bệnh nhiễm trùng thường gặp như sởi, rubella, thủy đậu (rất hiếm)... Đáng lo ngại hơn khi viêm não virus tiến triển từ giai đoạn khởi phát đến toàn phát.

Tuy nhiên, các dấu hiệu ở giai đoạn khởi phát lại rất mơ hồ nên người bệnh thường dễ bỏ qua. Đến giai đoạn toàn phát với các triệu chứng rõ rệt, bệnh đã ở mức độ nặng.

“Di chứng của viêm não rất nặng nề với những tổn thương trầm trọng, ảnh hưởng đến tâm thần và vận động, để lại nhiều di chứng cho trẻ. Do vậy, khi trẻ có các biểu hiện như sốt cao, buồn nôn, nôn, đau đầu... cần đưa trẻ đến ngay các cơ sở y tế để thăm khám và điều trị kịp thời, tránh các biến chứng nặng hơn”, TS. BS Đặng Thị Thúy nhấn mạnh. (Theo Giáo dục và Thời đại)

Quảng Nam: Lại thêm 2 vụ ngộ độc do ăn cá ủ chua

Ngày 26/7, TS Mai Văn Mười - Giám đốc Sở Y tế tỉnh Quảng Nam cho biết, Trung tâm Y tế (TTYT) huyện Phước Sơn đã có báo cáo ban đầu về về 2 vụ ngộ độc thực phẩm liên quan đến cá ủ chua tại xã Phước Chánh.

Vụ ngộ độc thứ nhất xảy ra tại thôn 2 (xã Phước Chánh, huyện Phước Sơn). Theo đó, vào ngày 21/7, anh Hồ Văn Nguyên (36 tuổi, trú thôn 2) ăn cơm trưa cùng với vợ là chị Hồ Thị Hia (24 tuổi) và hai người bạn tại phòng trọ của mình ở quận Sơn Trà (TP Đà Nẵng). Món ăn gồm cá ủ chua, cơm, cá nục tươi chiên, canh rau nấu với cá nục. Theo anh Nguyên, cá do anh tự đánh bắt tại suối và mang về Đà Nẵng làm cá ủ chua.

Sau khi dùng bữa trưa, đến 19h cùng ngày, chị Hia bắt đầu nôn, khó thở… và được đưa đến TTYT quận Sơn Trà. Đến ngày 24/7 sau khi bệnh không thuyên giảm và có tiến triển nặng hơn, bệnh nhân bị khó thở... nên được chuyển đến Bệnh viện đa khoa Đà Nẵng để tiếp tục điều trị.

Một người khác cũng bị ngộ độc là anh Hồ Văn Đèo. Sau khi ăn cơm cùng vợ chồng anh Nguyên ở Đà Nẵng, ngày 22/7, anh Đèo có biểu hiện buồn nôn, người mệt, đau đầu, đau họng, choáng, không ăn uống được. Sau đó, anh được bạn chở từ Đà Nẵng về TTYT huyện Phước Sơn điều trị. Tại đây anh được chẩn đoán ngộ độc thực phẩm. Đến ngày 24/7, bệnh nhân mệt, ăn uống kém, nhìn mờ, bụng trướng, được chuyển đến Bệnh viện đa khoa khu vực miền núi phía Bắc Quảng Nam điều trị.

Vụ ngộ độc thứ 2, vào ngày 23/7, tại khu vực xã Phước Chánh, nhóm 7 người ăn trưa với cá các loại muối ủ chua, cơm. Đến 20h cùng ngày, em Hồ Văn Q. có triệu chứng đau đầu, buồn nôn, chóng, người mệt mỏi. Đến ngày 24/7, em Q. không ăn uống được, nên được người nhà đưa vào khoa Cấp cứu TTYT huyện Phước Sơn và được chẩn đoán ngộ độc thực phẩm. Em Q. có biểu hiện người mệt, buồn nôn, choáng, mắt nhìn mờ nên được chuyển đến Bệnh viện đa khoa khu vực miền núi phía Bắc Quảng Nam trong đêm 24/7 để tiếp tục theo dõi, điều trị... (Theo Đại đoàn kết)

Số ca mắc tay chân miệng tăng nhanh tại TP.HCM, có cách nào phòng bệnh chuyển nặng?

Theo bác sĩ Trương Hữu Khanh, cần phát hiện sớm, theo dõi sát và hạn chế cho trẻ mắc tay chân miệng vận động quá mức. Tuy nhiên, biến chứng của bệnh tay chân miệng còn phụ thuộc vào cơ địa của trẻ và động lực của virus gây bệnh.
Chiều 25/7, thông tin từ Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật TP.HCM cho hay, tính từ ngày 17/7 đến ngày 23/7/2023, số ca mắc bệnh tay chân miệng tiếp tục tăng nhanh tại TP. Hồ Chí Minh. Theo đó, có 2.356 ca bệnh được ghi nhận, tăng gấp 1,6 lần so với trung bình 4 tuần trước là 1.455 ca.

Tất cả các quận huyện đều ghi nhận số ca mắc tay chân miệng trong tuần 29 tăng so với trung bình 4 tuần trước. Các quận huyện có số ca mắc trên 100.000 dân cao bao gồm quận Bình Tân, huyện Bình Chánh và quận Tân Phú.

Trước tình hình gia tăng bệnh tay chân miệng trên địa bàn, bác sĩ Trương Hữu Khanh - Phó Chủ tịch Liên chi hội truyền nhiễm TP.HCM cho hay, thông thường khi bị bệnh tay chân miệng thì tỷ lệ nặng chiếm khoảng dưới 10%. Tuy nhiên, nếu số trẻ cùng một đợt bị nhiều quá thì chắc chắn số lượng biến chứng sẽ nhiều. Số biến chứng nhiều thì chắc chắn sẽ phải đến bệnh viện nhiều, lúc đó số nhân viên y tế sẽ không đủ để đáp ứng để điều trị. Do vậy cần phải làm sao để hạn chế thấp nhất số lượng trẻ bị nặng.

Theo bác sĩ Trương Hữu Khanh, cần phát hiện sớm, theo dõi sát và hạn chế cho trẻ mắc tay chân miệng vận động quá mức. Tuy nhiên, biến chứng của bệnh tay chân miệng còn phụ thuộc vào cơ địa của trẻ và động lực của virus gây bệnh.

Bác sĩ Khanh cũng thông tin thêm, đối với bệnh tay chân miệng khi chuyển nặng đứa trẻ có thể vẫn tỉnh táo, nhưng ngay sau đó sẽ chuyển nặng rất nhanh.

"Do đó, cái quan trọng không phải là giảm biến chứng mà quan trọng là phát hiện thật sớm biến chứng ngay khi biết trẻ mắc tay chân miệng. Không có cách nào để phòng biến chứng tay chân miệng chuyển nặng chỉ có cách là theo dõi sát để phát hiện biến chứng, hạn chế vận động nếu nghi ngờ có thể có biến chứng", bác sĩ Trương Hữu Khanh cho hay.

Bệnh tay chân miệng đang diễn biến phức tạp và "nóng", vì thế bác sĩ Khanh có những lưu ý dưới đây cho cha mẹ:

-Theo dõi trẻ có dấu hiệu bất thường như quấy, bỏ bú, kém ăn, giật mình... nên đưa trẻ đến gặp bác sĩ

-Do bệnh chưa có vaccine phòng ngừa nên tự phòng ngừa bằng cách tăng cường đề kháng, hệ miễn dịch, điều này rất quan trọng. Muốn tăng đề kháng yếu tố cơ bản là ăn uống và vận động. Ăn đa dạng, đúng, đủ các chất con cần, cho con chơi thể thao, chạy nhảy...

-Thường xuyên rửa tay và hướng dẫn trẻ rửa tay đúng cách, ăn sạch, uống sạch

-Bệnh lây qua nước bọt nên nếu có bé bị tay chân miệng cần cho bé nghỉ và thông báo với nhà trường để tránh lây lan. Rửa sạch những vật dụng bé hay cầm, ngậm như đồ chơi, tay nắm cửa, sàn nhà... bằng xà phòng. Phòng lúc nào cũng hơn chữa. (Sức khoẻ & Đời sống, trang 8).

 

Hải Phòng thực hiện thành công ca ghép thận thứ 2 từ bố cho con

Khi hay tin BV Việt Tiệp, Hải Phòng đã triển khai ghép thận và ca ghép đầu tiên thành công nên gia đình ông Bản đã họp bàn, thống nhất để bố hiến 1 quả thận, ghép cho con trai.

Vào sáng nay (25/7), tại Khoa Gây mê hồi sức BV Hữu nghị Việt Tiệp, Hải Phòng, kip mổ của bệnh viện đã triển khai ca ghép thận thứ hai. Đáng chú ý, người hiến thận là bố của bệnh nhân. Cả hai đều sinh sống tại huyện Thái Thụy, tỉnh Thái Bình.

Theo thông tin từ phía bệnh viện Việt Tiệp cho biết: Người hiến tạng là ông Nguyễn Văn Bản, SN 1972 ở xã Mỹ Lộc, huyện Thái Thuỵ, tỉnh Thái Bình. Ông Bản sinh được 1 trai, 1 gái và không may người con trai tên Nguyễn Duy Nhất, SN 1996 bị suy thận.

Cách đây 3 tháng, Nguyễn Duy Nhất phát hiện bị thận mạn giai đoạn cuối và bước vào chu kỳ lọc máu 3 lần/ tuần bằng catheter tại BV Thái Bình.

Khi hay tin BV Việt Tiệp đã triển khai ghép thận và ca ghép đầu tiên thành công nên gia đình ông Bản đã họp bàn, thống nhất sẽ ghép thận cho con.

Qua tư vấn và tìm hiểu về điều kiện ghép thận, ông Bản quyết định tặng con 1 quả thận của mình. Ông Bản cùng con đăng ký với BV Việt Tiệp xin được tầm soát để ghép thận.

Qua tầm soát, kiểm tra chuyên môn theo quy trình cho thấy, bệnh nhân Nguyễn Văn Bản (người hiến) có tiền sử khỏe mạnh, nhóm máu O, Rh(+), HLA phù hợp với người nhận 4/6 chỉ số, mức lọc cầu thận đạt, các chỉ số xét nghiệm và chẩn đoán hình ảnh bình thường, phù hợp để cho thận. Theo đó, bệnh nhân Bản được hội chẩn duyệt mổ tại bệnh viện Hữu nghị Việt Tiệp và Trung tâm ghép tạng bệnh viện Hữu nghị Việt Đức, thống nhất lấy thận phải.

Về phía người nhận thận Nguyễn Duy Nhất (con trai của người hiến), qua kiểm tra, tầm soát, phía bệnh viện đánh giá nhóm máu O, Rh(+), HLA của bệnh nhân Nhất phù hợp người hiến 4/6, tiền mẫn cảm âm tính, đọ chéo âm tính, các chỉ số xét nghiệm và chẩn đoán hình ảnh, khám gây mê đủ tiêu chuẩn nhận thận. Đến 8 giờ ngày 25/7/2023, tại phòng mổ của bệnh viện, bệnh nhân Nguyễn Văn Bản đã được kip mổ triển khai gây mê, lấy thận phải để chuyển, ghép cho con trai Nguyễn Duy Nhất.

Chia sẻ về cảm xúc chuẩn bị bước vào ca ghép thận, bệnh nhân Nguyễn Duy Nhất xúc động bày tỏ: "Tôi hồi hộp suốt từ sáng sớm đến giờ và luôn nghĩ đến tình yêu, sự hi sinh của bố dành cho mình".

Giám đốc BV Việt Tiệp, Đỗ Văn Thắng cho biết: Ca ghép thận thứ 2 diễn ra gần 5 tiếng và diễn ra tốt đẹp, thuận lợi. Hiện, cả 2 bệnh nhân đều đã tỉnh và đang được tiếp tục theo dõi sau mổ".

Để thực hiện việc đăng ký ghép thận, người cho thận phải có đầy đủ các giấy tờ như: Căn cước công dân, sổ hộ khẩu, giấy xác nhận dân sự, giấy khai sinh, giấy xác nhận tình trạng hôn nhân, đơn tình nguyện hiến thận, phiếu tư vấn đăng ký hiến tạng, phiếu tư vấn trước khi phẫu thuật lấy tạng. (Sức khoẻ & Đời sống, trang 8).  

Cứu sống bệnh nhân sốc nhiễm khuẩn nặng bằng kỹ thuật lọc máu với màng lọc

Các bác sĩ Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bắc Giang vừa cứu sống thành công người phụ nữ bị sốc nhiễm khuẩn nặng, viêm phổi, viêmquanh thận trái, sỏi thận 2 bên bằng phương pháp lọc máu hấp phụ với màng lọc đặc biệt.

Thông tin từ Bệnh viện đa khoa tỉnh Bắc Giang cho biết, các y bác sĩ vừa tiếp nhận trường hợp người phụ nữ tên B.T.H (47 tuổi, địa chỉ tại Nghĩa Hưng, Lạng Giang) trong tình trạng sốt, lúc nóng, lúc rét, kèm tức ngực, khó thở, mệt mỏi nhiều. Qua khai thác tiền sử được biết, cách đây 10 năm, chị H. đã từng bị sỏi thận 2 bên và điều trị tán sỏi. Hai ngày trước khi nhập viện cấp cứu, bệnh nhân có biểu hiện đau thắt lưng hai bên.

Ngay khi tiếp nhận tại khoa Cấp cứu, người bệnh được thở oxy, truyền dịch, vận mạch, dùng kháng sinh và làm các cận lâm sàng cần thiết rồi chuyển vào khoa Hồi sức tích cực – Chống độc.

Tại khoa Hồi sức tích cực – Chống độc, nhận thấy người bệnh biểu hiện diễn biến nặng dần lên: suy hô hấp, tụt huyết áp, khí máu toan chuyển hóa, lactat máu tăng,…; các bác sĩ đã nhanh chóng cấp cứu bằng nhiều phương pháp chuyên sâu: đặt ống nội khí quản, thở máy, duy trì thuốc vận mạch liều cao nhằm đảm bảo an toàn tính mạng cho người bệnh. 

Sau khi xét nghiệm và chụp chiếu cho thấy, người bệnh có tình trạng sốc nhiễm khuẩn, phim chụp cắt lớp vi tính có tổn thương đông đặc lan tỏa 2 phổi, hình ảnh sỏi niệu quản trái gây ứ nước thận trái kèm viêm tấy quanh thận trái; xét nghiệm phản ứng viêm tăng, chỉ số ure/creatinin trong máu cao. Qua các biện pháp thăm dò, người bệnh được xác định là một trường hợp nặng với chẩn đoán: sốc nhiễm khuẩn, viêm phổi, viêm quanh thận trái, sỏi thận 2 bên.

Ngay lập tức, các bác sĩ đã tiến hành hội chẩn và thống nhất đưa ra phương án điều trị: Sử dụng kỹ thuật lọc máu hấp phụ bằng màng lọc Resin (HA 330) kết hợp quả lọc M100 mục đích hấp phụ cytokine và nội độc tố với hiệu quả cao nhất, kết hợp các phương pháp điều trị hồi sức tích cực hiện đại khác.

Sau 2 ngày điều trị hồi sức tích cực, bệnh nhân đã được cai thở máy, tỉnh hơn, khỏe dần, đỡ khó thở, mạch, huyết áp ổn định dần, giảm liều thuốc vận mạch, hết tình trạng toan chuyển hóa và các chức năng thận trở về bình thường. Sau 4 ngày, sức khỏe người bệnh đã cải thiện rất nhiều, bệnh nhân tỉnh táo hơn, dừng thở máy, rút ống nội khí quản. Hiện tại, người bệnh đã ổn định và dự kiến sẽ ra viện trong thời gian tới.

Theo BS.CKII Nguyễn Thị Hiếu, khoa Hồi sức tích cực – Chống độc cho biết: "Bệnh nhân B.T.H là một trong những trường hợp sốc nhiễm khuẩn trong thời gian qua khoa Hồi sức tích cực – Chống độc đã tiếp nhận và điều trị thành công. Bằng kinh nghiệm từ nhiều năm điều trị những người bệnh rất nặng và nguy kịch, các bác sĩ đã quyết định sử dụng kĩ thuật đặc biệt điều trị tích cực, đó là phương pháp lọc máu hấp phụ với màng lọc đặc biệt."

BS Hiếu cũng chia sẻ thêm: "Bệnh lý sốc nhiễm khuẩn có sự giải phóng ồ ạt của các yếu tố viêm gây nên một tình trạng toan chuyển rất nặng, nguy hiểm đến tính mạng. Nếu không phát hiện sớm và xử trí kịp thời có thể tử vong, tỷ lệ tử vong có thể lên đến 60 - 70%. Lọc máu hấp phụ là một trong những biện pháp hiệu quả để hạn chế sự giải phóng ồ ạt của các yếu tố viêm, điều chỉnh tình trạng sốc kèm theo và giúp cải thiện tiên lượng người bệnh."

Kỹ thuật lọc máu hấp phụ với màng lọc đặc biệt trong sốc nhiễm khuẩn đang được ứng dụng tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bắc Giang từ đầu năm 2023, đã cứu sống và đem lại hy vọng cho nhiều người bệnh mắc các bệnh lý nặng, nguy kịch. (Theo báo Sức khỏe và đời sống)

Thu Hòa (Tổng hợp)

Cùng chuyên mục

Bình Luận Mới

 Bình luận của bạn đã được gửi thành công. Cảm ơn bạn!   Làm mới
Lỗi: Vui lòng thử lại