CHUYÊN NGHIỆP - TRÁCH NHIỆM - NĂNG ĐỘNG - MINH BẠCH - HIỆU QUẢ !
Y tế dự phòng 11:03 19/11/2024 (1301)

Cảnh báo những nguy hiểm khi giun ký sinh trong cơ thể

Ngành y tế Hà Tĩnh khuyến cáo, phụ huynh cần cho trẻ tẩy giun định kỳ để tránh những tác hại đến sức khỏe khi bị giun ký sinh trong cơ thể.

Ở Việt Nam nói chung, Hà Tĩnh nói riêng do nằm trong vùng khí hậu nhiệt đới nên rất thuận lợi cho các loại ký sinh trùng phát triển, đặc biệt là bệnh giun sán. Khi giun ký sinh trong người gây nhiều tác hại nghiêm trọng, ảnh hưởng không nhỏ tới sức khỏe, tuổi thọ và sự phát triển thể chất, tinh thần của con người, nhất là với trẻ em.

y-te-3251a.jpg

Các bác sỹ Bệnh viện Nhi đồng 2 phẫu thuật lấy ra hơn 100 con giun đũa cho bệnh nhân nhi

Ngày 2/11/2024, Bệnh viện Nhi đồng 2 (TP Hồ Chí Minh) tiếp nhận nhận một bệnh nhân 2,5 tuổi trong tình trạng sốc nặng, suy hô hấp tuần hoàn, phải đặt nội khí quản. Sau thăm khám, bệnh nhi được phẫu thuật khẩn cấp với chẩn đoán tắc ruột, sốc nhiễm trùng do giun đũa “làm tổ” ở ruột non. Trong quá trình phẫu thuật, bác sỹ phát hiện toàn bộ chiều dài ruột non chứa giun đũa lớn, nhỏ với hơn 100 con. Ngoài ra, một đoạn ruột non khoảng 70cm bị xoắn hoại tử. Ê-kip mổ phải xẻ ruột non nhiều nơi mới có thể lấy hết giun đũa ra ngoài, cắt bỏ, khâu nối đoạn ruột hoại tử. Ca phẫu thuật kéo dài hơn 2 giờ. Bốn ngày sau phẫu thuật, bệnh nhi hồi phục tốt, ăn uống lại hoàn toàn.

Theo Tổ chức Y tế thế giới, hằng năm, trên toàn cầu có 1,8 tỷ người nhiễm giun đũa, trong đó có trên 60.000 người tử vong; 1,4 tỷ người nhiễm giun tóc, trong đó 10.000 người tử vong; 1,5 tỷ người nhiễm giun móc, trong đó 65.000 người tử vong. Tại Việt Nam, tỷ lệ nhiễm các loại giun tập trung nhiều ở miền Bắc, trong đó, giun đũa 80 - 95%, giun tóc 58 - 89%, giun móc 30 - 80%.

Còn ở Hà Tĩnh, qua nắm bắt từ các cơ sở y tế, thời gian qua, có khá nhiều trẻ em đến thăm khám, điều trị do bị nhiễm giun với tình trạng đau bụng âm ỉ quanh rốn, đau khi đói ở cả vùng thượng vị và bụng dưới kèm theo các biểu hiện như: đầy bụng khó tiêu, buồn nôn, chán ăn, táo bón, tiêu chảy, đi ngoài ra máu. Nhiều trẻ bị giun ký sinh lâu nên khiến bụng to, đầu to, ngứa hậu môn. Các trường hợp bị nhiễm giun đều được bác sỹ hướng dẫn các biện pháp tẩy giun kịp thời.

Theo báo cáo của Khoa Ký sinh trùng - Côn trùng (Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Tĩnh), trong 10 tháng đầu năm 2024, đơn vị đã phát hiện 1.022 trẻ dưới 15 tuổi nhiễm giun đũa chó mèo (tăng 473 trẻ so với cùng kỳ năm 2023), ngoài ra còn có 20 trẻ nhiễm giun kim, giun lươn, sán lá gan lớn.

bqbht_br_z6008811547995-104c17736b02ff02537322deb1b89140a.jpg

Trước khi cho học sinh uống thuốc tẩy giun, nhân viên y tế tiến hành khám sàng lọc kỹ lưỡng.

Bác sỹ Nguyễn Hữu Thanh - Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Tĩnh cho biết: “Giun sống trong ruột người, hàng ngày đẻ trứng (từ 20 - 25 vạn trứng/con/ngày) nên phân người chứa rất nhiều trứng giun khi ra môi trường qua nhiều thời kỳ phát triển và gây nhiễm cho người khác. Giun đũa, giun tóc chủ yếu lây nhiễm qua đường miệng, khi chúng ta ăn phải thức ăn có lẫn đất, bụi, rau sống, hoa quả chưa rửa sạch hoặc do tay bẩn có chứa trứng giun. Khi vào đường tiêu hoá, qua nhiều giai đoạn, trứng giun phát triển thành giun và đẻ trứng. Giun móc chủ yếu lây nhiễm qua da do trứng giun khi ra ngoài đất nở thành ấu trùng, ấu trùng này chui qua da khi đi chân đất, tay nghịch đất hoặc ngồi lê trên đất. Có khi ấu trùng giun cũng theo đường tiêu hoá qua rau sống hoặc tay bẩn qua miệng vào cơ thể”.

Để hạn chế bệnh giun sán ở trẻ em, thời gian qua, ngành y tế đã phối hợp với ngành giáo dục tổ chức hướng dẫn cho các em học sinh mầm non và tiểu học trên toàn tỉnh uống thuốc tẩy giun vào tháng 6 và tháng 11 hàng năm.

Từ đầu năm 2024 đến nay, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh đã triển khai 2 đợt uống thuốc tẩy giun cho trẻ theo đúng kế hoạch đề ra, đạt kết quả tốt, đảm bảo an toàn trước, trong và sau khi uống.

bqbht_br_z6008802742785-bf9d2ad066d5b1324c1bcf70281d8c86a.jpg

Từ đầu năm đến nay, đã có gần 136.000 học sinh tiểu học và hơn 90.000 học sinh mầm non trên toàn tỉnh được uống thuốc tẩy giun.

Trước đó, để chiến dịch triển khai thành công, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh đã tổ chức tập huấn về công tác phòng, chống suy dinh dưỡng trẻ em, uống thuốc tẩy giun cho cán bộ chuyên trách của các trung tâm y tế huyện, thị xã, thành phố. Nhờ thực hiện tốt công tác rà soát, lập danh sách và chuẩn bị đầy đủ các điều kiện cần thiết nên việc triển khai uống thuốc tẩy giun cho trẻ hiệu quả, an toàn. Trong cả 2 đợt, toàn tỉnh đã có gần 136.000 học sinh tiểu học và hơn 90.000 học sinh mầm non trên toàn tỉnh được uống thuốc tẩy giun.

Trẻ em có đặc điểm hiếu động, thích khám phá mọi thứ xung quanh mình, chơi đùa, đi chân đất, bò lê trên sàn nhà, lại hay mút tay, nhặt thức ăn rơi vãi dưới đất... Tất cả những điều này đã tạo cơ hội vô cùng thuận lợi cho giun ký sinh trên cơ thể. Để phòng bệnh giun sán ở trẻ và các biến chứng liên quan, phụ huynh cần tẩy giun định kỳ cho trẻ. Đây là việc làm hết sức cần thiết để bảo vệ sức khỏe cho trẻ. Thuốc có tác dụng tẩy sạch hoặc làm giảm đáng kể số lượng giun ra khỏi ruột. Tẩy giun định kỳ chỉ nên bắt đầu thực hiện khi trẻ được 2 tuổi trở lên. Đồng thời, gia đình và nhà trường nên hướng dẫn trẻ rửa tay bằng xà phòng trước khi ăn và sau khi chơi, đặc biệt khi tiếp xúc với đất. Các thực phẩm cho trẻ ăn phải được nấu chín kỹ, uống nước sạch và hạn chế các nguồn thức ăn có nguy cơ nhiễm ký sinh trùng. Bác sỹ Nguyễn Hữu Thanh - Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Tĩnh

Thanh Loan

Cùng chuyên mục

Bình Luận Mới

 Bình luận của bạn đã được gửi thành công. Cảm ơn bạn!   Làm mới
Lỗi: Vui lòng thử lại