CHUYÊN NGHIỆP - TRÁCH NHIỆM - NĂNG ĐỘNG - MINH BẠCH - HIỆU QUẢ !
Y tế dự phòng 13:58 02/04/2025 (14)

Sở Y tế chỉ đạo tăng cường công tác phân luồng, thu dung, điều trị và kiểm soát lây nhiễm sởi trong cơ sở khám bệnh, chữa bệnh

Sở Y tế Hà Tĩnh vừa có công văn hỏa tốc gửi các bệnh viện, trung tâm y tế có giường bệnh trong tỉnh về việc tăng cường công tác phân luồng, thu dung, điều trị và kiểm soát lây nhiễm sởi trong cơ sở khám bệnh, chữa bệnh.

Theo đó, Sở Y tế yêu cầu các đơn vị triển khai thực hiện nghiêm một số nội dung sau:

Xây dựng, rà soát, cập nhật Kế hoạch phòng, chống bệnh sởi tại đơn vị; trong đó chuẩn bị sẵn sàng các phương án thu dung, cấp cứu, cách ly, điều trị trong tình huống gia tăng các trường hợp nghi mắc sởi, người bệnh sởi đến khám bệnh, nhập viện và trường hợp gia tăng các ca bệnh nặng, nguy kịch.

Lãnh đạo CDC Hà Tĩnh giám sát, kiểm tra sức khỏe bệnh nhân mắc sởi tại Bệnh viện Đa khoa TX Kỳ Anh 

Tăng cường truyền thông phòng, chống bệnh sởi trong các cơ sở khám, chữa bệnh: Thực hiện các biện pháp truyền thông đa dạng (như qua loa phát thanh, poster, tờ rơi, website, fanpage, hướng dẫn trực tiếp…) để người bệnh, người nhà người bệnh, nhân viên y tế, người dân hiểu rõ về bệnh sởi và các biện pháp phòng, chống bệnh sởi, hiệu quả của tiêm vắc xin phòng bệnh sởi. Tổ chức hướng dẫn, khuyến cáo người nhà người bệnh, người nghi mắc sởi, người bệnh sởi áp dụng các biện pháp giảm lây lan bệnh như: đeo khẩu trang; che mũi, miệng khi ho hoặc hắt hơi; ra tay thường xuyên vi xà phòng hoặc dung dịch sát khuẩn tay nhanh; giữ vệ sinh cá nhân, vệ sinh môi trường; đảm bảo chế độ dinh dưỡng hợp lý để tăng cường đề kháng…

Tổ chức phân luồng sàng lọc, thu dung, cách ly, điều trị: Tổ chức phân luồng và bố trí khu khám riêng trong khoa Khám bệnh cho người nghi mắc sởi và người bệnh sởi. Thực hiện phân cấp chuyên môn trong khám, chữa bệnh sởi theo đúng Hướng dẫn chẩn đoán và điều trị bệnh sởi được ban hành tại Quyết định số 1019/QĐ-BYT ngày 26/3/2025 của Bộ trưởng Bộ Y tế. Bố trí khu vực thu dung điều trị bệnh sởi cách ly tại khoa Truyền nhiễm, khoa Nhi hoặc các khu vực cách ly của các khoa lâm sàng. Đối với các ca bệnh sởi nặng cần phải điều trị hồi sức tích cực, bệnh viện bố trí khu vực điều trị tại khoa/đơn vị Hồi sức tích cực, hoặc đơn vị/giường Hồi sức tích cực trong khoa Truyền nhiễm… và phải bảo đảm việc cách ly, kiểm soát nhiễm khuẩn để phòng lây nhiễm chéo. Tổ chức hội chẩn khoa, liên khoa, bệnh viện theo quy định hoặc đề nghị hỗ trợ chuyên môn của các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh khác khi có yêu cầu. Bổ sung nhân lực phù hợp và theo đúng quy định hiện hành để đáp ứng công tác điều trị, giảm tải cho nhân viên y tế, tránh lây nhiễm chéo. Hạn chế số lượng người thăm bệnh trong cơ sở khám bệnh, chữa bệnh để phòng lây nhiễm trong cơ sở khám bệnh, chữa bệnh và cộng đồng. Tăng cường kiểm tra, giám sát việc tuân thủ của nhân viên y tế, người bệnh, người nhà người bệnh về thực hiện các quy định về phòng và kiểm soát lây nhiễm trong cơ sở khám bệnh, chữa bệnh.

Sở Y tế cũng yêu cầu các đơn vị chuẩn bị thuốc, vật tư, thiết bị y tế để thực hiện công tác khám, chữa bệnh sởi, kiểm soát nhiễm khuẩn theo Hướng dẫn chẩn đoán, điều trị bệnh sởi đã được ban hành tại Quyết định số 1019/QĐ-BYT ngày 26/3/2025 của Bộ trưởng Bộ Y tế và các hướng dẫn liên quan. Đào tạo, tập huấn cập nhật kiến thức về chẩn đoán, điều trị bệnh sởi ban hành kèm theo Quyết định số 1019/QĐ-BYT ngày 26/3/2025 của Bộ Y tế. Chuẩn bị sẵn sàng kế hoạch ứng phó theo diễn biến tình hình bệnh sởi, phối hợp chặt chẽ giữa công tác khám, chữa bệnh và công tác phòng bệnh. Thực hiện nghiêm báo cáo bệnh truyền nhiễm theo quy định tại Thông tư số 54/2015/TT-BYT ngày 28/12/2015 của Bộ trưởng Bộ Y tế hướng dẫn chế độ thông tin báo cáo và khai báo bệnh, dịch bệnh truyền nhiễm.

Thu Hòa

Cùng chuyên mục

Bình Luận Mới

 Bình luận của bạn đã được gửi thành công. Cảm ơn bạn!   Làm mới
Lỗi: Vui lòng thử lại