CHUYÊN NGHIỆP - TRÁCH NHIỆM - NĂNG ĐỘNG - MINH BẠCH - HIỆU QUẢ !
Dinh dưỡng 17:39 10/05/2019 (1295)

Loãng xương - Cần phòng ngừa ngay từ khi còn trẻ

Loãng xương là một bệnh lý âm thầm, bệnh nhân thường không có triệu chứng gì cho đến khi xuất hiện gãy xương làm ảnh hưởng lớn tới chất lượng cuộc sống của số đông người có tuổi, đặc biệt là phụ nữ.

Loãng xương là một rối loạn của hệ xương do mật độ khoáng xương thấp, giảm chức năng vi cấu trúc xương, giảm sức mạnh xương từ đó làm tăng nguy cơ bị gãy xương.

Hàng năm ước tính trên thế giới có 200 triệu người mắc bệnh loãng xương. Ở Mỹ, có đến 1.3 triệu trường hợp gãy xương do loãng xương mỗi năm, cứ 3 phụ nữ lớn hơn 65 tuổi thì có 1 phụ nữ bị loãng xương ảnh hưởng tới cột sống. Ở Pháp có đến 55.000 ca gãy cổ xương đùi trên 1 triệu phụ nữ bị loãng xương.

Tại Việt Nam, theo số liệu khảo sát bước đầu của Viện Dinh Dưỡng, bệnh loãng xương ảnh hưởng tới 1/3 phụ nữ và 1/8 đàn ông trên 50 tuổi. Số lượng người mắc bệnh loãng xương ở Việt Nam đã lên tới 3 triệu người và 170 ngàn người trong số đó bị gãy xương do loãng xương.

Nguy cơ dẫn đến loãng xương

Loãng xương thường xảy ra ở tuổi trung niên, phụ nữ ở giai đoạn tiền mãn kinh và mãn kinh. Tuy nhiên, loãng xương có thể xảy ra ở bất kỳ lứa tuổi nào nếu có các yếu tố nguy cơ sau: Dùng nhiều rượu bia, thuốc lá, cà phê dẫn đến giảm hấp thu canxi; ít hoạt động thể lực, ít hoạt động ngoài trời; lạm dụng các loại thuốc như corticoid; stress…

Loãng xương tiên phát hay loãng xương ở người già, phụ nữ tiền mãn kinh, mãn kinh là do sự mất cân bằng giữa hormone sinh dục và hormone vỏ thượng thận, làm giảm hấp thụ canxi và tăng hoạt động của tế bào hủy xương nên gây ra tình trạng giảm mật độ xương dẫn đến loãng xương.


Quá trình loãng xương diễn ra từ từ nên không gây triệu chứng gì, chỉ tới khi loãng xương nặng, xương bị gãy hoặc bị xẹp mới có biểu hiện bệnh

Loãng xương thứ phát thường thấy ở mọi lứa tuổi và do nhiều nguyên nhân khác nhau: Bất động quá lâu do bệnh, do nghề nghiệp; mắc các bệnh nội tiết (cường vỏ thượng thận, suy tuyến sinh dục, cường giáp…); bệnh thận (suy thận mạn thải nhiều canxi, chạy thận nhân tạo chu kỳ…); có khi do dùng corticoid kéo dài. Khi có một trong các yếu tố nguy cơ trên, nên đi khám kiểm tra xương để phát hiện sớm và điều trị kịp thời loãng xương.

Nhìn chung, số lượng phụ nữ mắc loãng xương ở Việt Nam cao hơn rất nhiều so với nam giới. Một phần là do sức khỏe và điều kiện sống vẫn chưa được quan tâm đầy đủ. Chế độ dinh dưỡng, khẩu phẩn ăn của người Việt hiện nay chưa đáp ứng được nhu cầu hạn chế loãng xương. Lượng canxi đưa vào cơ thể trung bình là 524 mg một ngày, thấp hơn nhiều so với nhu cầu trung bình 800-1.000 mg mỗi người lớn một ngày.

Hiện nay chi phí điều trị loãng xương lớn nhất là chi phí dành cho việc chữa trị gãy xương và xẹp lún đốt sống. Chi phí này được xếp tương đương với chi phí chữa bệnh nhồi máu cơ tim và đột quỵ, ngày càng có xu hướng gia tăng và trở thành gánh nặng cho y tế cộng đồng.

Diễn biến âm thầm

Quá trình loãng xương diễn ra từ từ nên không gây triệu chứng gì, chỉ tới khi loãng xương nặng, xương bị gãy hoặc bị xẹp mới có biểu hiện bệnh. Sau đây là một số biểu hiện chính của bệnh:

- Đau nhức các đầu xương: Đau nhức, mỏi dọc các xương dài; đau nhức như châm chích toàn thân; đau tăng về đêm, nghỉ ngơi không hết.

- Đau cột sống: Đau quanh cột sống hoặc lan sang một hoặc hai bên mạn sườn do kích thích các rễ thần kinh liên sườn. Đau cột sống thường kèm theo co cứng các cơ dọc cột sống gây đau, giật cơ khi thay đổi tư thế. Lúc nằm yên, người bệnh thường thấy dễ chịu hơn.

- Gù vẹo cột sống: Giảm chiều cao so với lúc trẻ (do các đốt sống bị lún, xẹp hoặc bị gãy lún).

- Các triệu chứng toàn thân: Thường gặp là luôn có cảm giác lạnh hoặc ớn lạnh, hay bị chuột rút, ra mồ hôi.

Biến chứng nặng nề

Khi bị bệnh loãng xương không điều trị hoặc điều trị không đúng phác đồ, hậu quả xấu nhất là rạn xương, nứt vỡ hoặc gãy xương, ngoài ra còn có thể cong xương, cong vẹo cột sống, cong ống chân, chiều cao giảm dần... Hiện tượng gãy, lún cột sống, gãy cổ xương đùi, xương cẳng chân, xương cẳng tay rất có thể xảy ra khi có một tác động mạnh (ngã, gập chân, trượt chân...).

Trong cơ thể, loại xương nào thường chịu tác động nhiều nhất, chịu lực nhiều nhất, khi loãng xương, rất dễ bị tổn hại hơn cả (cột sống, xương đùi, cẳng chân, cánh tay, cẳng tay). Vì vậy, gãy cổ xương đùi, gãy cổ tay, gãy khớp háng thường chiếm tỉ lệ cao nhất trong bệnh lý loãng xương ở người cao tuổi.

Chữa trị thế nào?

Bệnh loãng xương có thể được cải thiện nhờ một chế độ ăn uống sinh hoạt và dùng thuốc hợp lý như:

Duy trì một chế độ sinh hoạt hợp lý, bao gồm lao động, tập luyện-vận động, nghỉ ngơi… phù hợp với từng lứa tuổi. Việc vận động đều đặn ngoài trời sẽ giúp cho hệ xương khớp được chắc khỏe, hệ cơ bắp dẻo dai, tinh thần sảng khoái và minh mẫn. Riêng ở người cao tuổi, cần đề phòng té ngã trong sinh hoạt, tập luyện, tránh quá sức và cũng tránh thụ động, ngồi một chỗ.

Về dùng thuốc, thuốc giảm đau chỉ dùng khi cần thiết, tùy mức độ có thể dùng các thuốc giảm đau đơn thuần như paracetamol hay dùng calcitonine xịt mũi hoặc tiêm bắp cho các trường hợp đau nặng sau gãy xương (thuốc này vừa có tác dụng ức chế hoạt động của các tế bào hủy xương vừa có tác dụng giảm đau do loãng xương). Tránh lạm dụng các thuốc kháng viêm giảm đau, đặc biệt nhóm thuốc kháng viêm chứa corticosteroides, sẽ làm cho tình trạng loãng xương nặng thêm và khó kiểm soát.

Chế độ ăn giàu canxi sẽ giúp phòng bệnh loãng xương.

Bệnh nhân cần được sử dụng thuốc để ức chế hoạt động của các tế bào hủy xương và kích thích hoạt động của các tế bào sinh xương theo chỉ định và theo dõi của thầy thuốc. Hiện nay, đã có nhiều loại thuốc điều trị loãng xương thông qua việc ức chế hoạt động của tế bào hủy xương, hiệu quả, an toàn và dễ sử dụng. Tuy nhiên để có kết quả, việc điều trị loãng xương cần toàn diện, liên tục và lâu dài. Kết quả điều trị thường được đánh giá sau 2 năm, chi phí cho điều trị thường khá cao so với mức sống hiện nay của đa số người dân lao động.

Chính vì vậy việc phòng ngừa bệnh có ý nghĩa rất lớn, cả về mặt hiệu quả và kinh tế.

Cần phòng chống loãng xương từ rất sớm

Nguy cơ loãng xương không chừa một ai nhất là phái nữ từ lứa tuổi tiền mãn kinh đến già vì vấn đề hấp thu và chuyển hoá canxi có liên quan đến một hormon buồng trứng là oestrogen. Ở tuổi mãn kinh và hết kinh hormon này giảm đi, do đó ảnh hưởng đến quá trình tạo xương. Việc tích lũy canxi tối đa để tạo ra khối xương vững chắc cần đạt được ở tuổi thanh niên. Do đó ngay từ nhỏ, từ lúc thanh, thiếu niên luôn cần một chế độ ăn đủ dinh dưỡng và canxi. Một chế độ ăn không cân đối và thiếu canxi cũng là một nguyên nhân dẫn đến bệnh loãng xương. Vitamin D tham gia điều hòa tương quan hợp lý giữa canxi và photpho trong máu.

Vì vậy, một chế độ ăn cân đối, hợp lý, giàu canxi sẽ giúp phòng bệnh loãng xương và làm hạn chế tiến triển của bệnh này. Nhu cầu canxi của cơ thể khác nhau theo lứa tuổi: Trẻ em dưới 15 tuổi cần 600- 700mg canxi/ngày. Người trên 15 tuổi và người lớn cần 1000mg canxi/ngày. Người già cần nhiều canxi hơn vì khả năng hấp thu canxi của họ thấp hơn. Với người trên 50 tuổi cần 1200mg canxi/ngày.

Canxi có nhiều ở trong một số thực phẩm sau: Sữa và các chế phẩm của sữa (bơ, phomat) là thức ăn thuận tiện, giàu canxi và canxi ở dạng dễ hấp thu. Ngoài ra, các thực phẩm giàu canxi còn có tôm, cua, cá. Tốt nhất là cá, tôm, cua kho nhừ ăn cả xương, đây là nguồn canxi hữu cơ tốt nhất, giúp cơ thể hấp thu và sử dụng được.

(Nguồn: suckhoedoisong.vn)

Cùng chuyên mục