CHUYÊN NGHIỆP - TRÁCH NHIỆM - NĂNG ĐỘNG - MINH BẠCH - HIỆU QUẢ !
Sức khỏe người cao tuổi 22:27 13/02/2019 (1611)

Đề phòng các bệnh người cao tuổi dễ mắc lúc giao mùa

Người cao tuổi thường bị suy giảm chức năng hoạt động do hệ miễn dịch kém đi theo tuổi tác. Đây là nguyên nhân khiến người già dễ bị mắc bệnh khi trời lạnh.

Người già sức đề kháng thấp nên hầu hết đều mắc nhiều bệnh cùng lúc, nguy cơ xảy ra biến chứng cũng cao hơn người trẻ. Dưới đây là 4 bệnh người cao tuổi dễ mắc. 

Các bệnh về hô hấp

Đường hô hấp rất nhạy cảm với thời tiết của mùa lạnh, dễ bị các bệnh như viêm mũi họng, viêm khí quản, phế quản, hen, viêm phổi... Người hút thuốc lá, thuốc lào, uống rượu, bia nhiều nguy cơ mắc bệnh hơn. Người cao tuổi mắc bệnh mạn tính dễ tái phát hơn nhiều khi gặp thời tiết thuận lợi. Nếu không điều trị kịp thời, các bệnh về đường hô hấp dễ gây ra những biến chứng khó lường.

Rất nhiều người cao tuổi khi mắc các bệnh nhiễm khuẩn hô hấp không có biểu hiện trên lâm sàng điển hình, chẳng hạn như không sốt hoặc sốt không cao; ho ít, đôi khi chỉ ho húng hắng là dễ bỏ sót; người bệnh lại ít có khả năng khạc đờm. Một số người bệnh thậm chí chỉ có biểu hiện rối loạn ý thức, chậm chạp, lú lẫn... Tuy nhiên, một số bệnh nhân có các biểu hiện như: chảy mũi, ho, đờm, sốt, đau ngực, lạnh run... Nếu các viêm nhiễm ở đường hô hấp dưới thường có các triệu chứng như: thở dốc, khó thở, lạnh run, sốt liên tục; thở nhanh và đau ngực; ho nhiều kèm theo đờm có thể lẫn máu; đau ngực; ra nhiều mồ hôi vào ban đêm và sụt cân.

Do tuổi cao, khi sốt, nhiệt độ sẽ không tăng cao như ở người trẻ nên dễ bị nhầm bệnh nhẹ nhưng khi có viêm phổi thì tình trạng tổn thương phổi, suy hô hấp sẽ diễn tiến nhanh hơn và nặng nề hơn, triệu chứng lâm sàng sẽ đi trước các biến đổi tổn thương trên Xquang. Mặt khác, bệnh gặp ở người cao tuổi thường lại nặng hơn ở người trẻ rất nhiều, nhất là đối với trường hợp không có triệu chứng lâm sàng điển hình, do đó, người cao tuổi lại thường đi khám bệnh muộn - khi bệnh đã nặng.

Đối với người cao tuổi mắc bệnh mạn tính hoặc bị tai biến mạch não, người nhà thường xuyên trợ giúp vỗ lưng tránh ứ đọng dịch tiết hô hấp gia tăng nguy cơ nhiễm khuẩn.

Kiểm tra huyết áp cho người cao tuổi. Ảnh: TM

Các bệnh về tim mạch, huyết áp

Theo thống kê, có khoảng hơn 50% những cơn đau tim ở người già xảy ra vào mùa đông và tỷ lệ tử vong ở người mắc bệnh tim mạch cũng gia tăng nhanh, nhất là ở tháng 12 và tháng 1 - những tháng lạnh nhất trong năm.

Khi nhiệt độ ngoài trời hạ thấp, nếu cơ thể người mắc bệnh tim mạch không giữ đủ độ ấm sẽ rất dễ bị hạ thân nhiệt đột ngột khiến bệnh tình tiến triển nặng hơn, thậm chí là nguy hiểm đến tính mạng. Trong mùa lạnh, nhu cầu cung cấp oxy của tim tăng lên do phải tăng cường hoạt động để duy trì thân nhiệt. Nếu tim không đáp ứng đủ nhu cầu này sẽ dẫn đến mất cân bằng cung - cầu khiến tình trạng suy tim tăng lên, gây đau thắt ngực ở người bị bệnh mạch vành và tăng nguy cơ nhồi máu cơ tim. Đau tim thường gặp ở người ngoài 50 tuổi. Các dấu hiệu phổ biến nhất là đau ngực, thở dốc và đau ở lưng, vai, hoặc cổ. Nguy cơ có thể thấp hơn nếu bạn có cân nặng vừa phải, không hút thuốc và tập thể dục thường xuyên.

Đột quỵ cũng là căn bệnh phổ biến ở người cao tuổi. Dấu hiệu của đột quỵ là bị choáng đột ngột hoặc tê trên mặt, cánh tay và chân. Bạn sẽ gặp khó khăn trong việc nói chuyện. Trường hợp nặng, người bệnh quỵ ngã đột ngột, bất tỉnh. Tránh nguy cơ đột quỵ bằng cách giữ huyết áp ổn định, lối sống khoa học, tập thể dục và không hút thuốc lá.

Để bảo vệ tim mạch trong mùa lạnh, người bệnh cần phải điều chỉnh một số thói quen sinh hoạt để phù hợp với tình trạng sức khỏe.

Khi thời tiết chuyển lạnh, bệnh nhân cần phải mặc ấm, nhất là giữ ấm đầu, cổ, bàn chân, hạn chế ra ngoài khi thời tiết quá lạnh, không nên thức dậy quá sớm, không nên ra ngoài tập thể dục vào lúc sớm, thay vào đó, có thể tập thể dục nhẹ nhàng trong nhà.

Nhiễm trùng

Người cao tuổi sức đề kháng kém và hệ miễn dịch thấp hơn nên dễ mắc các bệnh nhiễm trùng, nhất là khi mùa đông lạnh. Theo thống kê, hiện nay, nhiễm trùng vẫn là bệnh có tỷ lệ mắc đứng đầu trong mô hình bệnh ở nước ta mặc dù các bệnh không lây nhiễm (tim mạch, tiểu đường, rối loạn chuyển hóa, ung thư...) đang tăng lên nhanh chóng.

Hội chứng nhiễm trùng rất đa dạng, có thể xuất hiện ở tất cả cơ quan như nhiễm trùng đường hô hấp (viêm họng, viêm xoang, viêm phế quản, phổi, lao phổi...), nhiễm trùng đường tiêu hóa (viêm miệng, thực quản, dạ dày, viêm gan, tụy, ruột thừa, tiêu chảy, rối loạn tiêu hóa, giun sán...), nhiễm trùng đường tiết niệu (viêm bàng quang, viêm thận, bể thận), nhiễm trùng sinh dục (lậu, giang mai...), nhiễm trùng khoang kín, thần kinh, cơ xương khớp.

Để phòng bệnh nhiễm trùng nói chung, cần rửa tay sau khi đi vệ sinh và trước khi ăn, làm giảm nguy cơ gây nhiễm trùng. Đồng thời, người dân cần thực hiện ăn chín uống sôi, đảm bảo chế biến thực phẩm luôn an toàn vệ sinh, ăn uống đa dạng, luyện tập thể thao để tăng cường hệ miễn dịch và quan hệ tình dục an toàn, hạn chế tiếp xúc với người đang bị bệnh truyền nhiễm, không vào viện nếu thấy không cần thiết.

Các bệnh về cơ, xương, khớp

Theo thống kê, có đến hơn 90% người cao tuổi Việt Nam bị mắc các bệnh liên quan đến khớp (viêm khớp gối) gây đau nhức, vận động đi lại khó khăn. Nguyên nhân thường thấy của sự lão hóa cơ thể về già, sự suy giảm chức năng, các cơ khớp trở nên kém linh hoạt hơn. Cùng với đó, các tế bào xương khớp bị thoái hóa, dây chằng bị đóng vôi, ít đàn hồi nên dễ bị tổn thương. Loãng xương cũng là một trong những nguyên nhân chính gây ra chứng đau nhức các khớp xương ở người cao tuổi.

Khi bị mắc bệnh, người bệnh thường có cảm giác tay chân mỏi mệt, phù nề, đau âm ỉ trong một thời gian dài. Biểu hiện rõ rệt nhất trong những vận động lên xuống bậc cầu thang, gập hay duỗi tay chân.

Ngoài ra, người già dễ bị cứng khớp, khó cử động khớp cổ tay, bàn tay, cổ chân. Để giảm đau, cần xoa bóp nhẹ nhàng và thường xuyên vận động.

(Nguồn: suckhoedoisong.vn)

Cùng chuyên mục