Thiếu máu thiếu sắt ở trẻ em sẽ ảnh hưởng đến quá trình phát triển thể chất và tinh thần của trẻ sau này, đặc biệt có thể gây ra các rối loạn về tâm thần và vận động. Do vậy, việc phát hiện và điều trị kịp thời có ý nghĩa rất quan trọng đối với sự phát triển của trẻ.
Các biểu hiện thiếu sắt ở trẻ em
Trẻ sơ sinh sau khi sinh có thể bị vàng da nếu trẻ bị thiếu máu tan huyết. Trong nhiều trường hợp, thiếu chất sắt không có triệu chứng cho đến khi xuất hiện rõ thiếu máu do thiếu sắt. Biểu hiện, trẻ thiếu máu thiếu sắt thường xanh xao (rõ nhất ở lòng bàn tay bàn chân, vành tai, niêm mạc họng, kết mạc mắt nhợt nhạt). Trẻ thường chậm chạp, mệt mỏi, kém tập trung, hay buồn ngủ, ít đùa nghịch. Nếu thiếu máu nặng có thể biểu hiện hoa mắt chóng mặt, khó thở khi gắng sức (chạy nhảy, vận động mạnh), sút cân, rối loạn tiêu hóa, lách to nhẹ... Trẻ dễ mắc các bệnh nhiễm trùng, chậm lười vận động. Trẻ em học đường kém tập trung, giảm trí nhớ, hay cáu gắt… Các trường hợp thiếu máu do thiếu sắt trầm trọng có thể dẫn đến các triệu chứng: sưng bàn tay và bàn chân, tăng nhịp tim, khó thở. Thiếu sắt ở trẻ cũng có thể gây ra một dạng rối loạn hành vi được gọi là “hội chứng pica”, trong đó một đứa trẻ ăn những thứ kỳ quái như các chất bụi bẩn, đất sét, sơn… ảnh hưởng đến sức khỏe bao gồm cả suy giảm thể chất và nhận thức, cũng như tăng nguy cơ nhiễm trùng, ngộ độc chì và các biến chứng nặng khác.
Chế độ ăn uống cân bằng là nguồn cung cấp chất sắt cho trẻ.
Yếu tố nào dẫn đến trẻ bị thiếu sắt?
Trẻ sơ sinh được sinh ra thường có đủ nguồn dự trữ sắt mà có thể kéo dài đến 6 tháng. Trẻ sơ sinh sinh non hoặc có cân nặng khi sinh thấp hơn quy định có thể đã cạn kiệt nguồn dự trữ sắt chỉ và có thể kéo dài trong vài tháng, khiến chúng dễ bị thiếu chất sắt hơn so với trẻ sinh đủ tháng.
Chất sắt trong cơ thể chúng ta, cũng như hầu hết các chất dinh dưỡng và vitamin, được hấp thụ qua thực phẩm chúng ta ăn. Trung bình, chỉ khoảng 1mg sắt được hấp thụ vào cơ thể cho mỗi 10-20mg sắt được tiêu thụ qua ăn uống. Thiếu sắt ở trẻ em có thể bắt nguồn từ một chế độ ăn uống không cân bằng với thiếu lượng sắt được tiêu thụ. Sữa bò có ít chất sắt và cũng có thể gây cản trở khả năng tự nhiên của đứa bé để hấp thụ sắt từ các nguồn thực phẩm khác. Sữa bò cũng có thể gây kích ứng ở dạ dày của con bạn. Do đó, bạn nên hạn chế cho trẻ uống sữa bò trong năm đầu tiên và cho bú mẹ tự nhiên là lựa chọn tối ưu nhất.
Khi con bạn lớn lên, trẻ trong giai đoạn lớn nhanh, dậy thì, chúng sẽ cần nhiều sắt hơn trong chế độ ăn uống để phù hợp cho sự tăng trưởng tự nhiên và sản xuất hồng cầu. Nếu lượng sắt tăng không tương thích trong thời kỳ tăng trưởng, con của bạn có thể bị thiếu sắt. Một trong những nguyên nhân hay gặp là trẻ bị rối loạn tiêu hóa kéo dài, thiểu toan dạ dày hoặc có dị dạng ở dạ dày ruột, loét dạ dày - tá tràng, polyp ruột, chảy máu cam, hành kinh… dẫn đến thiếu máu, thiếu sắt.
Điều trị và phòng ngừa thiếu sắt ở trẻ em
Cho trẻ bú sữa mẹ hoặc sử dụng công thức bổ sung sắt: Chất sắt tốt nhất và dễ hấp thu nhất cho trẻ dưới 1 tuổi là sữa mẹ. Đó là lý do tại sao bạn nên cho con bú ít nhất một năm. Vì một lý do nào đó, trẻ không được bú sữa mẹ, bạn hãy lựa chọn công thức bổ sung sắt theo tư vấn của bác sĩ.
Cung cấp chế độ ăn uống cân bằng: Khi con của bạn có thể tiêu thụ thực phẩm rắn, hãy lựa chọn thực phẩm giàu chất sắt, chẳng hạn như ngũ cốc dành cho em bé. Khi chúng lớn lên, các nguồn cung cấp chất sắt tốt bao gồm rau xanh đậm, cá, thịt gà, thịt đỏ và đậu. Trong độ tuổi từ 1-5 tuổi, lượng sữa bò tiêu thụ nên hạn chế tối đa chỉ dùng 700ml mỗi ngày.
Tăng cường sử dụng vitamin C: Như đã đề cập, vitamin C giúp hấp thụ sắt tốt hơn. Vitamin C có thể tìm thấy trong thực phẩm như cam, cà chua, dưa, dâu tây, bông cải xanh, khoai tây và kiwi.
Dùng chất bổ sung sắt: Thiếu sắt ở trẻ em thường được điều trị bằng chất bổ sung sắt. Nếu con của bạn có nguy cơ bị thiếu máu do thiếu sắt, chẳng hạn như sinh non, thì nên thực hiện bổ sung chất sắt chủ động. Nhu cầu sắt hàng ngày của trẻ được khuyến cáo như sau: Trẻ 7-12 tháng cần 11mg sắt/ngày; 1-3 năm cần 7mg sắt/ngày; 4-8 năm cần 10mg sắt/ngày; 9-13 năm cần 8mg sắt/ngày; 14-18 năm (con gái) cần 15mg sắt/ngày và 14-18 năm (con trai) cần 11mg sắt/ngày.
Trong hầu hết các trường hợp, thiếu sắt ở trẻ em có thể được điều trị bằng lượng chất sắt bổ sung hàng ngày. Bạn cũng có thể thay đổi chế độ ăn uống cho trẻ và cung cấp multivitamin có chứa sắt. Thường sẽ mất đến 6 tháng để đưa lượng sắt trong cơ thể trở về bình thường. Điều bạn cần lưu ý là: Các chất bổ sung cần được thực hiện khi bụng đói để hấp thụ chất sắt hiệu quả cao hơn; Tránh dùng sắt đi kèm chất lỏng như sữa, vì điều này sẽ làm giảm khả năng hấp thu sắt của cơ thể; Tăng cường các thực phẩm giàu vitamin C như cam, có thể giúp hấp thu sắt.
Nếu việc điều trị không hiệu quả, có thể được xác định bởi các triệu chứng ở trẻ không thuyên giảm hoặc qua kết quả xét nghiệm, trẻ có thể cần được truyền máu.
(Nguồn: suckhoedoisong.vn)