TIÊM CHỦNG VẮC XIN COVID-19 VÌ SỨC KHỎE CỦA BẠN VÀ NHỮNG NGƯỜI THÂN YÊU. HÃY CHUNG TAY BẢO VỆ MÌNH VÀ CỘNG ĐỒNG TRƯỚC ĐẠI DỊCH COVID-19!
Tin trong ngành 21:32 19/07/2023 (116)

Điểm báo ngày 18/7/2023

soyte.hatinh.gov.vn: Cảnh giác với chủng vi rút nguy hiểm của bệnh tay chân miệng; Quảng Bình: Một người tử vong do bệnh dại; Số ca mắc sốt xuất huyết tại Hà Nội tăng nhanh, có 27 ổ dịch; Bộ Y tế: Không để gián đoạn công tác cấp cứu, điều trị cho người dân; Ghép thận tự thân cứu sống bệnh nhi 12 tháng tuổi.

Cảnh giác với chủng vi rút nguy hiểm của bệnh tay chân miệng

Số ca mắc tay chân miệng đang gia tăng. Điều đáng nói, 40% mẫu xét nghiệm ca bệnh dương tính với chủng vi rút nguy hiểm Entero virus 71 (EV71) thường khiến bệnh trở nặng, gây ra các biến chứng và có thể tử vong.Chính đặc điểm này khiến cho các ca mắc tay chân miệng diễn biến nặng nhiều hơn so với các năm trước đây. Do đó, việc phát hiện sớm bệnh và nhận biết những dấu hiệu cần nhập viện là rất quan trọng.

Theo báo cáo của Bộ Y tế, từ đầu năm 2023 đến nay, cả nước ghi nhận khoảng gần 15 nghìn trường hợp mắc tay chân miệng tại 63 tỉnh, thành phố, trong đó đã có ít nhất 7 trường hợp tử vong. Riêng tại Hà Nội, từ đầu năm 2023 đến ngày 14-7 có 961 ca tay chân miệng nhưng chưa ghi nhận ca tử vong.

Còn tại thành phố Hồ Chí Minh, số ca mắc tay chân miệng đang gia tăng mạnh. Trong tuần từ ngày 3-7 đến 9-7, toàn thành phố ghi nhận 1.614 ca, tăng gần 2,5 lần so với trung bình 4 tuần trước đó. Trong 7 trường hợp tử vong nêu trên đã có 5 ca tử vong được xác định do chủng EV71.

Tại Bệnh viện Nhi trung ương, từ đầu năm 2023 đến nay, tiếp nhận hơn 1.200 trẻ mắc tay chân miệng đến khám, trong đó có gần 500 trẻ phải nhập viện điều trị. Trong số các ca bệnh phải nhập viện có 20-30% nhiễm chủng vi rút EV71.

Giám đốc Trung tâm Bệnh nhiệt đới (Bệnh viện Nhi trung ương) Tiến sĩ, bác sĩ Nguyễn Văn Lâm cho biết, hai nhóm tác nhân gây bệnh tay chân miệng thường gặp là Coxsackie virus A16 (CA16) và Entero virus 71 (EV71). Trong khi các trường hợp nhiễm CA16 thường biểu hiện bệnh nhẹ, có thể chăm sóc và điều trị tại nhà thì EV71 lại gây bệnh nặng hơn với nhiều biến chứng nguy hiểm như viêm não, viêm màng não, viêm cơ tim, viêm phổi, phù phổi, suy hô hấp, suy tuần hoàn và có thể gây tử vong nếu không được điều trị kịp thời.

Trưởng khoa Bệnh nhiệt đới (Bệnh viện Đa khoa Hà Đông) bác sĩ Trần Thị Kim Anh cho biết, bệnh tay chân miệng do vi rút EV71 gây nên, dễ lây và hay gặp ở trẻ dưới 5 tuổi, nhất là trẻ mầm non, mẫu giáo. Trẻ mắc bệnh tay chân miệng thường có biểu hiện sốt, nôn, biếng ăn. Ngoài ra, sau khi sốt, các nốt còn mọc ở niêm mạc miệng, lòng bàn tay, lòng bàn chân, bắp chân… Thời gian ủ bệnh tay chân miệng trong khoảng 3-7 ngày, không triệu chứng (Hà Nội mới, trang 5).

 

Quảng Bình: Một người tử vong do bệnh dại

Theo CDC Quảng Bình ngày 16/7, cho biết, bệnh nhân tử vong do bệnh dại là Ng.Th.H (SN 1974, ở phường Đồng Sơn - TP. Đồng Hới). Trước đó, vào ngày 3/3/2023, bệnh nhân bị chó của nhà hàng xóm cắn, vết thương ở ngón trỏ bàn tay phải, nông, chảy lượng máu không nhiều. Sau khi bị chó cắn, bệnh nhân chỉ xử lý vết thương bằng cách rửa nước mà không tiêm vắc xin phòng dại.

Sau 2 ngày cắn bệnh nhân, con chó đã chết. Hơn 4 tháng sau, đến ngày 11/7/2023, bệnh nhân cảm thấy mệt mỏi, có dấu hiệu của bệnh dại và được gia đình đưa đến Bệnh viện Hữu nghị Việt Nam-Cuba Đồng Hới để điều trị, và được chẩn đoán ban đầu nghi dại.

Đến 14 giờ ngày 13/7, bệnh nhân chuyển biến rất nặng, gia đình đưa ra Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương, nhưng sau đó bệnh nhân đã tử vong (Tiền phong, trang 15).

 

Số ca mắc sốt xuất huyết tại Hà Nội tăng nhanh, có 27 ổ dịch

Theo Trung tâm Y tế Dự phòng Hà Nội, trong tuần qua (từ ngày 7/7 đến 14/7), thành phố ghi nhận 291 ca mắc sốt xuất huyết mới tại 29 quận, huyện, thị xã, không có ca tử vong. Tuần qua cũng ghi nhận 22 ổ dịch sốt xuất huyết tại 10 quận, huyện, trong đó đứng đầu là Hoàng Mai với 8 ổ dịch, tiếp đến là Nam Từ Liêm (3), Bắc Từ Liêm (3), Đan Phượng (2); còn lại Thanh Trì, Cầu Giấy, Hai Bà Trưng, Thanh Xuân, Hà Đông, Hoài Đức mỗi địa phương có 1 ổ dịch.

Cộng dồn từ đầu năm 2023 đến nay, Hà Nội đã có tổng số 1.114 trường hợp mắc sốt xuất huyết, không có ca tử vong (số mắc tăng 3,5 lần so với cùng kỳ năm 2022). Bệnh nhân phân bố tại 30/30 quận, huyện, thị xã; 285/579 xã, phường, thị trấn.

Cũng từ đầu năm đến nay, thành phố Hà Nội đã ghi nhận 72 ổ dịch sốt xuất huyết. Hiện cả thành phố còn 27 ổ dịch, trong đó một số ổ dịch ghi nhận nhiều bệnh nhân như: Xã Phùng Xá - huyện Thạch Thất (160); thôn Nguyên Hanh - xã Văn Tự - huyện Thường Tín (24); xã Hữu Bằng - huyện Thạch Thất (29); phường Chương Dương - quận Hoàn Kiếm (11); thôn Xuân La - xã Phượng Dực - huyện Phú Xuyên (9). Theo nhận định của Trung tâm Y tế Dự phòng Hà Nội, số ca mắc sốt xuất huyết tiếp tục có xu hướng tăng trong thời gian tới (Theo Vietnamplus).

 

Bộ Y tế: Không để gián đoạn công tác cấp cứu, điều trị cho người dân

Bộ Y tế yêu cầu các đơn vị tổ chức trực chuyên môn, trực cấp cứu 24/24, sẵn sàng thu dung cấp cứu cho nạn nhân do mưa, bão gây ra; không để gián đoạn công tác cấp cứu, điều trị cho người dân.

Để kịp thời đảm bảo công tác y tế trong bão số 1, ngày 17/7, Bộ Y tế có Công điện về việc triển khai công tác y tế ứng phó với bão số 1, năm 2023, gửi Sở Y tế các tỉnh, thành phố từ Quảng Ninh đến Nghệ An; các đơn vị trực thuộc Bộ Y tế khu vực Bắc Bộ và Trung Bộ.

Công điện của Bộ Y tế yêu cầu để chủ động ứng phó với diễn biến của bão và mưa lũ, Bộ Y tế (Ban chỉ huy Phòng, Chống Thiên tai và Tìm kiếm Cứu nạn) yêu cầu Sở Y tế các tỉnh, thành phố từ Quảng Ninh đến Nghệ An, các đơn vị trực thuộc Bộ khu vực Bắc Bộ và Trung Bộ thực hiện nghiêm túc chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Công điện số 646/CĐ-TTg ngày 16/7/2023 và các văn bản liên quan về việc chủ động ứng phó với diễn biến của bão và mưa lũ; theo dõi chặt chẽ diễn biến của bão trên các phương tiện thông tin để có phương án chuẩn bị phòng, chống.

Các đơn vị tổ chức trực chuyên môn, trực cấp cứu 24/24, sẵn sàng thu dung cấp cứu cho nạn nhân do mưa, bão gây ra; không để gián đoạn công tác cấp cứu, điều trị cho người dân. Các tỉnh ven biển, khu vực miền núi đề phòng nguy cơ úng lụt, sạt lở đất do mưa bão gây ra; rà soát kế hoạch phòng, chống lụt bão, các phương án bảo vệ các cơ sở y tế tại các vùng có nguy cơ bị ảnh hưởng do mưa bão, sẵn sàng sơ tán cơ sở y tế ở những vùng thấp, trũng có nguy cơ bị ngập úng, sạt lở đất.

Ngành y tế các địa phương trên chỉ đạo các cơ sở y tế thuộc quyền quản lý chuẩn bị lực lượng, phương tiện cơ động sẵn sàng ứng cứu cho tuyến dưới khi có yêu cầu; đảm bảo cung ứng đủ thuốc chữa bệnh thiết yếu cho nhân dân, kịp thời bổ sung lượng thuốc, hóa chất, vật tư dự trữ phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn..(Theo Thông tấn xã Việt Nam)

 

Ghép thận tự thân cứu sống bệnh nhi 12 tháng tuổi

Vừa qua, các bác sĩ Bệnh viện Nhi T.Ư (Hà Nội) đã thực hiện thành công ca ghép thận tự thân cho bệnh nhi M.K (12 tháng tuổi, ở Nghệ An) bị cao huyết áp, suy tim do hẹp động mạch thận phải.

TS-BS Nguyễn Thu Hương, Trưởng khoa Thận và lọc máu, Bệnh viện Nhi T.Ư, cho biết thận cần được cung cấp đủ máu để đảm bảo chức năng lọc bỏ các chất thải, chất lỏng dư thừa và điều hòa huyết áp. Khi các động mạch thận bị hẹp sẽ dẫn đến tình trạng thiếu hụt lượng máu giàu ô xy tới thận. Lưu lượng máu tới thận giảm làm tăng huyết áp trên toàn bộ cơ thể và gây tổn thương nhu mô thận. Với bệnh nhi (BN) M.K, nếu không được điều trị kịp thời, thận phải có nguy cơ hỏng hoàn toàn.

Sau hội chẩn, các bác sĩ quyết định ghép thận tự thân để bảo tồn thận phải cho BN. Ca phẫu thuật kéo dài 180 phút. "Các bác sĩ đã ghép thận của trẻ vào một vị trí hố chậu phải để có thể cấp máu đủ cho thận phải do động mạch chủ bị hẹp chỗ xuất phát của động mạch thận phải. Khó nhất ở cuộc phẫu thuật này là phải tạo hình làm rộng động mạch thận do đã hẹp hoàn toàn (đường kính động mạch thận phải khoảng 1,5 mm)", TS-BS Nguyễn Lý Thịnh Trường, Giám đốc Trung tâm tim mạch, Bệnh viện Nhi T.Ư, cho biết.

Ca ghép thận tự thân đã được thực hiện thành công, thận ghép sau khi nối mạch máu đã tạo hình được cấp máu đủ. BN M.K là trường hợp ghép thận tự thân thứ hai được thực hiện thành công tại Bệnh viện Nhi T.Ư. Ca ghép thận tự thân đầu tiên được thực hiện năm 2012 (Theo Báo Thanh niên).


Cùng chuyên mục

Bình Luận Mới

 Bình luận của bạn đã được gửi thành công. Cảm ơn bạn!   Làm mới
Lỗi: Vui lòng thử lại