TIÊM CHỦNG VẮC XIN COVID-19 VÌ SỨC KHỎE CỦA BẠN VÀ NHỮNG NGƯỜI THÂN YÊU. HÃY CHUNG TAY BẢO VỆ MÌNH VÀ CỘNG ĐỒNG TRƯỚC ĐẠI DỊCH COVID-19!
Khám chữa bệnh 01:30 22/03/2019 (2360)

Lao kháng thuốc và những nỗi lo

Theo thống kê của Bệnh viện Phổi Hà Tĩnh, hiện số người mắc bệnh lao trên toàn tỉnh đang giảm hàng năm khoảng 5-6%, số tử vong do lao cũng giảm nhanh hơn, số ca mắc lao được chữa khỏi với tỷ lệ 91,3%, tỷ lệ lao kháng thuốc được chữa khỏi hơn 80%. Qua đó cho thấy công tác phòng, chống lao trên toàn tỉnh ngày càng nâng cao chất lượng. Tuy nhiên, số bệnh nhân lao kháng thuốc lại đang ngày càng gia tăng và là mối đe dọa lớn đối với công tác phòng, chống bệnh tật, chăm sóc sức khỏe cộng đồng.
Nhiều bệnh nhân mắc lao kháng thuốc

Năm 2018, trên toàn tỉnh tổng số bệnh nhân lao các thể được phát hiện 829, trong đó có tới hơn 80% là lao phổi. Bệnh viện đã thực hiện xét nghiệm Gen - Xpert cho 764 bệnh nhân lao, phát hiện 18 bệnh nhân lao kháng thuốc. Tăng tổng số bệnh nhân lao kháng thuốc đang được quản lý điều trị 31 bệnh nhân. Nguyên nhân khiến bệnh nhân mắc lao kháng thuốc ngày càng gia tăng là do bệnh nhân lao mặc cảm, dấu bệnh, không đến các cơ sở y tế có chuyên khoa lao mà tự mua thuốc ngoài điều trị. Bên cạnh đó có một số bệnh nhân lao không dùng thuốc đủ liều lượng hàng ngày hoặc điều trị không đủ thời gian...

Cán bộ y tế chăm sóc bệnh nhân Lao kháng thuốc tại Bệnh viện Phổi tỉnh

Bệnh nhân Phan Thị Cẩm T, 21 tuổi, Kỳ Phong, Kỳ Anh là một trong những bệnh nhân đang ở độ tuổi lao động. Tuy nhiên, T. đã mắc phải loại vi khuẩn kháng thuốc tiên phát, đang điều thị tháng thứ 6 tại Bệnh viện Phổi. Theo lời kể của T. “Ban đầu thấy ho, sốt về chiều cứ tưởng bị cảm nên T. ra hiệu thuốc tây mua mấy liều về uống, nhưng mấy ngày sau thấy ho càng nhiều, người mệt mỏi, vã mồ hôi, không có tý sức nào nữa, T. đã đến Trạm Y tế và được giới thiệu đến Bệnh viện, đến đây được bác sĩ khám kiểm tra mới biết là mình bị mắc lao. Mấy ngày sau khi điều trị bệnh vẫn không đỡ, nên được giới thiệu về Bệnh viện Phổi tỉnh. Sau khi được kiểm tra mới biết là mình đã mắc phải lao kháng thuốc. Hiện nay T. đã điều trị đến tháng thứ 6, các triệu chứng ho đã giảm nhiều, nhưng người vẫn còn mệt”.

Soi đờm tìm ký sinh trùng Lao tại Bệnh viện đa khoa huyện Can Lộc

Còn bệnh nhân Phạm Bình M. 58 tuổi, Thạch Mỹ, Lộc Hà, bị lao kháng thuốc do không tuân thủ nguyên tắc điều trị. Ông M. chia sẽ: “Khi thấy ho, khạc có đờm kéo dài ông đã đến Bệnh viện khám thì phát hiện bị lao, sau quá trình điều trị ông thấy đỡ hơn nhiều, nhưng khi về nhà ông không uống thuốc đều đặn theo chỉ dẫn của bác sĩ, do đó bệnh lại nặng hơn, đến bệnh viện khám lại thì bị lao kháng thuốc”.

Cần tuân thủ nguyên tắc điều trị để phòng tránh lao kháng thuốc

Theo bác sĩ Nguyễn Đức Quảng, Phó Giám đốc Bệnh viện Phổi Hà Tĩnh: Lao không phải là bệnh nan i vì nếu phát hiện sớm và điều trị theo đúng phác đồ thì sẽ khỏi hoàn toàn, vì thế khi thấy một trong các dấu hiệu sau: ho liên tục trong vòng 1 tháng, khạc ra đờm, ho ra máu, đau nhói ở ngực khi hít vào, thở ra; sốt cao kéo dài từ ngày này sang ngày khác, đặc biệt thường sốt cao về chiều muộn; đổ mồ hôi nhiều về đêm, đột nhiên giảm cân đột ngột, mệt mỏi thường xuyên, thì nên đưa bệnh nhân đến ngay các cơ sở y tế có chuyên khoa lao để được khám và điều trị kịp thời.

Cán bộ y tế xã và thôn (huyện Ky Anh) xuống nhà bệnh nhân lao đang điều trị ngoại trú để tư vấn hướng dẫn bệnh nhân uống thuốc đầy đủ, đúng giờ

Để phòng tránh bệnh lao, mỗi người cần giữ gìn vệ sinh chỗ ở, nơi làm việc khô ráo sạch sẽ, thoáng mát; tiêm phòng vắc xin phòng lây nhiễm lao cho trẻ; thường xuyên đeo khẩu trang khi ra ngoài đường, đặc biệt khi vào bệnh viện; che miệng với khăn giấy mỗi khi ho, hắt hơi, cười… sau đó bỏ khăn giấy vào thùng rác; không khạc nhổ bừa bãi ra đường hoặc những nơi công cộng; không nên hút thuốc lá, thuốc lào.
Bác sĩ Quảng nhấn mạnh: chúng tôi gặp các trường hợp lao kháng thuốc vào điều tri ở đây là do bệnh nhân điều trị bằng thuốc không đúng quy định; không dùng đủ liều lượng hàng ngày, điều trị không đủ thời gian... Vì thế, để không phải mắc lao kháng thuốc thì những bệnh nhân đang điều trị bệnh lao tại bệnh viện, hoặc xong giai đoạn điều trị tấn công tại bệnh viện, khi về cộng đồng điều trị ngoại trú cần tuân thủ uống thuốc đều đặn theo lời khuyên của bác sĩ; không uống các loại thuốc nam, thuốc bắc thay thế; trong quá trình điều trị, bệnh nhân nên cách ly với người nhà và người xung quanh, để tránh lây lan ra cộng đồng. Đặc biệt, bệnh lao kháng thuốc nếu không tuân thủ điều trị, bệnh có thể lây truyền vi khuẩn lao kháng thuốc cho những người xung quanh và sẽ nguy hiểm đến tính mạng.


“Đã đến lúc cùng hành động để chấm dứt bệnh lao”là chủ đề của ngày Thế giới phòng, chống lao năm nay, nhằm kêu gọi các cấp chính quyền, cộng đồng bị ảnh hưởng, các tổ chức xã hội dân sự, các nhà cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe, các đối tác trong nước và quốc tế cùng hành động theo biểu ngữ “Tìm kiếm, điều trị cho tất cả bệnh nhân lao” để không ai bị bỏ lại phía sau. Việt Nam hiện vẫn nằm trong 30 nước có gánh nặng bệnh lao cao nhất thế giới, đứng thứ 16 về số người mắc lao cao và đứng thứ 15 gánh nặng lao kháng đa thuốc. Trong đó, 64% bệnh nhân lao thường và 98% bệnh nhân lao kháng thuốc phải chịu gánh nặng chi phí thảm họa, tức là phải tiêu tốn trên 20% thu nhập của cả hộ gia đình trong một năm do mắc lao. 70% người mắc lao ở trong độ tuổi lao động. Vì vậy, lao thực sự là một vấn đề ảnh hưởng đến kinh tế từng gia đình nói riêng và đất nước nói chung. Đầu tư cho chấm dứt bệnh lao là đầu tư cho phát triển bền vững.

Thanh Loan

Cùng chuyên mục

Bình Luận Mới

 Bình luận của bạn đã được gửi thành công. Cảm ơn bạn!   Làm mới
Lỗi: Vui lòng thử lại