CHUYÊN NGHIỆP - TRÁCH NHIỆM - NĂNG ĐỘNG - MINH BẠCH - HIỆU QUẢ !
Y tế dự phòng 15:21 08/07/2025 (4)

Ngành y tế khuyến cáo tăng cường công tác phòng, chống bệnh dại trên người

Theo Báo cáo từ hệ thống giám sát bệnh truyền nhiễm Bộ Y tế, trong 6 tháng đầu năm 2025, tính đến ngày 05/6/2025 cả nước đã ghi nhận 42 trường hợp nghi dại và tử vong do bệnh Dại tại 19 tỉnh, thành phố, giảm 05 trường hợp so với cùng kì năm 2024 (47 trường hợp). Những tỉnh ghi nhận trường hợp tử vong đều là tỉnh có bệnh Dại lưu hành nhiều năm, tỉnh Gia Lai là tỉnh có số ca tử vong cao nhất khu vực Tây Nguyên liên tiếp qua các năm. Tỉnh Bình Thuận (nay là tỉnh Lâm Đồng) là điểm nóng về bệnh Dại mới nổi trong năm 2024 đến tháng 05/2025 đã ghi nhận 05 trường hợp tử vong do bệnh Dại. Riêng tại Hà Tĩnh, từ đầu năm 2025 đến nay ghi nhận 01 ca tử vong do bệnh dại. Nguyên nhân chủ yếu là những người bị động vật nghi dại (chó, mèo....) cắn nhưng chủ quan không đi tiêm phòng hoặc tiêm phòng không đầy đủ vắc xin phòng dại dẫn đến tử vong.
Trước tình hình trên, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật đề nghị các Trung tâm Y tế trong tỉnh nghiêm túc thực hiện các nội dung sau:
Tham mưu xây dựng kế hoạch và các văn bản chỉ đạo của Sở Y tế về việc triển khai các biện pháp phòng chống bệnh dại trên địa bàn. Thực hiện nghiêm túc theo Quyết định số 1622/QĐ-BYT ngày 08/5/2014 của Bộ Y tế về “Hướng dẫn giám sát, phòng chống bệnh dại trên người”.

Chỉ đạo Trạm Y tế các xã, phường thực hiện các biện pháp quyết liệt phòng, chống bệnh Dại ở người; tăng cường giám sát phơi nhiễm với bệnh Dại tại cộng đồng; tuyên truyền vận động người dân đảm bảo 100% đi tiêm phòng sau khi bị phơi nhiễm. Phối hợp với cơ quan thú y triển khai công tác tiêm phòng dại cho đàn chó; tập trung thực hiện các biện pháp chuyên môn; chuẩn bị đầy đủ vắc xin, dụng cụ thú y, vật tư hóa chất phục vụ cho công tác phòng chống bệnh dại; tăng cường cán bộ phụ trách các địa bàn thực hiện việc theo dõi giám sát dịch bệnh.
Trường hợp người nghi bị bệnh dại không thực hiện các biện pháp tiêm phòng. Trung tâm y tế phối hợp với chính quyền địa phương thuyết phục, vận động để thực hiện các biện pháp phòng Dại. Tuyệt đối không để có người bị tử vong do bệnh Dại trên địa bàn quản lý.
Tuyên truyền, hướng dẫn người dân nâng cao ý thức phòng chống bệnh dại, đặc biệt là người khi bị chó, mèo cắn, cào hoặc đã chăm sóc chó, mèo nghi nhiễm bệnh dại phải xử lý ngay vết thương bằng nước xà phòng và đến ngay các cơ sở tiêm chủng dịch vụ đủ điều kiện để được khám, tư vấn và thực hiện tiêm phòng vắc xin đầy đủ. Đẩy mạnh công tác truyền thông phòng, chống bệnh Dại theo hướng dẫn trong Chương trình quốc gia phòng, chống bệnh Dại, giai đoạn 2022-2030 ban hành kèm theo Quyết định số 2151/QĐ-TTg ngày 21/12/2021 của Thủ tướng Chính phủ.
Bệnh dại chưa có thuốc điều trị đặc hiệu, tuy nhiên hoàn toàn có thể phòng tránh được. Để phòng ngừa bệnh dại cho bản thân và cộng đồng, người dân cần chủ động thực hiện các khuyến cáo như sau:
Tốt nhất là tiêm vắc xin phòng dại cho tất cả chó, mèo; người dân nuôi chó, mèo cần tiêm vắc xin phòng dại đầy đủ và tiêm nhắc lại theo khuyến cáo của ngành thú y. Không đùa nghịch, chọc phá chó mèo; tránh tiếp xúc với chó, mèo có biểu hiện bất thường, nhất là với trẻ em. Khi bị chó, mèo cắn: Vệ sinh và khử trùng vết thương: rửa vết thương ngay lập tức bằng xà phòng dưới vòi nước chảy trong 15 phút. Nếu không có xà phòng, rửa vết thương bằng nước; sau đó sát trùng vết thương bằng cồn 70% hoặc thuốc sát khuẩn. Không băng kín vết thương và hạn chế làm dập vết thương. Tiêm vắc xin phòng bệnh dại và/hoặc huyết thanh kháng dại ngay sau khi bị chó hoặc mèo cắn. Để vắc xin phòng bệnh dại có hiệu quả cần tiêm vắc xin đầy đủ trong thời gian ủ bệnh, trước khi các triệu chứng bệnh dại xuất hiện theo hướng dẫn của cán bộ y tế. Tuyệt đối không tự điều trị hoặc nhờ thầy lang chữa trị. Hạn chế tối đa việc buôn bán, giết mổ chó, mèo để giảm nguy cơ, rủi ro tiếp xúc trực tiếp với vi rút dại từ chó, mèo. Trường hợp có nguy cơ mắc bệnh dại, cần đến ngay cơ sở y tế gần nhất để khám, tư vấn và xử lý kịp thời.
Thu Hòa

Cùng chuyên mục

Bình Luận Mới

 Bình luận của bạn đã được gửi thành công. Cảm ơn bạn!   Làm mới
Lỗi: Vui lòng thử lại