CHUYÊN NGHIỆP - TRÁCH NHIỆM - NĂNG ĐỘNG - MINH BẠCH - HIỆU QUẢ !
Y tế dự phòng 16:15 31/10/2022 (1343)

Tại sao Việt Nam chưa thể tuyên bố hết dịch Covid?

Bộ Y tế cho rằng tình hình Covid-19 chưa ổn định và khó dự đoán, nếu tuyên bố hết đại dịch Việt Nam sẽ gặp thách thức lớn như bị động khi xuất hiện biến chủng nguy hiểm, tâm lý chủ quan.

Ngày 25/10, trả lời VnExpress, GS.TS Phan Trọng Lân, Cục trưởng Y tế Dự phòng, cho biết như trên, sau khi đại biểu Quốc hội Nguyễn Lân Hiếu đề nghị Việt Nam cần tuyên bố kết thúc đại dịch Covid-19. Ông Lân cho rằng có hai thách thức Việt Nam sẽ gặp nếu công bố hết dịch. Thứ nhất, trường hợp xảy ra tình huống xuất hiện biến chủng nCoV mới nguy hiểm hơn có khả năng làm giảm hiệu quả vaccine hoặc giảm miễn dịch, khiến ca nặng hoặc tử vong tăng lên. Khi ấy dịch có nguy cơ bùng phát mạnh, trên diện rộng, vượt quá năng lực của hệ thống y tế.

"Khi công bố hết dịch, các cơ chế, chính sách đặc thù trong phòng chống dịch sẽ không được áp dụng như nghiên cứu, sản xuất hoặc mua, tiếp nhận, cấp phép, sử dụng vaccine, trang thiết bị y tế, thuốc và sinh phẩm y tế, phương tiện phòng hộ cá nhân... trong tình trạng khẩn cấp, ảnh hưởng đến triển khai các biện pháp phòng chống", ông Lân nói.

Thứ hai, việc huy động chính quyền các cấp, tổ chức, đoàn thể, doanh nghiệp, người dân tham gia phòng chống dịch sẽ không còn được quan tâm đúng mức. Như vậy, người dân có thể có tâm lý chủ quan, lơ là. Việc kích hoạt áp dụng trở lại các biện pháp hành chính, xã hội khi cần sẽ bị động.

Trong khi đó, tình hình dịch Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp trên thế giới, chưa ổn định và khó dự đoán. Miễn dịch đáp ứng do mắc phải hoặc tiêm chủng giảm dần theo thời gian. Đồng thời, nCoV liên tục có sự biến đổi với các biến chủng mới, biến chủng phụ của virus tiềm ẩn khả năng lây lan nhanh, tránh được miễn dịch, giảm hiệu quả điều trị, không loại trừ khả năng làm tăng nặng, tử vong.

Vì những diễn biến khó lường này, Ủy ban Khẩn cấp của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) tổ chức họp định kỳ 3 tháng một lần để đánh giá tình hình dịch trên toàn cầu và có những khuyến cáo đối với các quốc gia thành viên. Cuộc họp gần nhất (lần thứ 13 vào ngày 13/10), Ủy ban Khẩn cấp WHO đánh giá "thế giới vẫn trong tình trạng đại dịch Covid-19". Các nước được khuyến cáo tiếp tục tăng cường hệ thống giám sát và mở rộng năng lực điều trị, vaccine cho nhóm nguy cơ cao; đồng thời tiếp tục cập nhật kế hoạch chuẩn bị và ứng phó.

Ông Lân cho biết Việt Nam là nước thành viên có trách nhiệm của WHO. Do đó các hoạt động phòng chống dịch hiệu quả của nước ta góp phần vào nỗ lực chung của cộng đồng quốc tế trong việc ứng phó và ngăn chặn đại dịch.

Đến nay, Bộ Y tế đã chủ động điều chỉnh theo hướng giảm dần các biện pháp phòng chống dịch Covid-19 phù hợp với tình hình dịch, tạo điều kiện phát triển kinh tế - xã hội. Cụ thể, dừng khai báo y tếdừng cách ly đối với người nhập cảnh, người tiếp xúc; mở rộng điều trị tại nhà; khoanh vùng ổ dịch ở phạm vi hẹp nhất có thể; cập nhật các hướng dẫn về tiêm vaccine cho trẻ em... Bộ Y tế cũng đã điều chỉnh hướng dẫn phòng chống dịch đối với người dân từ 5K (khẩu trang, khử khuẩn, khoảng cách, không tụ tập, khai báo y tế) sang 2K (khẩu trang, khử khuẩn).

Các biện pháp phòng chống dịch đã bảo đảm sự linh hoạt theo diễn biến dịch, theo Cục trưởng Y tế Dự phòng. Tức là, dịch bùng phát trở lại ở địa phương nào đó thì các biện pháp ứng phó nghiêm ngặt sẽ được nhanh chóng áp dụng trở lại, kể cả biện pháp 5K.

Trên thực tế, dịch đang được kiểm soát, các biện pháp phòng chống cơ bản đã trở về trạng thái bình thường mới, tạo thuận lợi cho người dân trong hoạt động đi lại, lao động, sản xuất, kinh doanh. Hiện trung bình mỗi ngày Việt Nam ghi nhận hơn 500 ca mới, giảm so với tuần trước đó. Số bệnh nhân nặng là 70, không có ca nào chạy ECMO.

                                                                   GS.TS Phan Trọng Lân khi trả lời phỏng vấn 

Đồng quan điểm với GS Lân, ông Trần Đắc Phu, Cố vấn Trung tâm đáp ứng khẩn cấp Sự kiện Y tế công cộng Việt Nam, cũng cho rằng Việt Nam đang thực hiện đáp ứng an toàn, nguy cơ đến đâu đáp ứng đến đó. Vì vậy, nhiệm vụ là cần đánh giá đúng nguy cơ bởi "nếu không đúng thì không kiểm soát được dịch, mà thái quá thì dẫn tới cấm đoán, đầu tư không hợp lý, đầu tư quá mức... ảnh hưởng tới làm ăn kinh tế, an sinh xã hội".

"Nếu nới lỏng đồng bộ thì cũng phải dự phòng đồng bộ, là chuyển từ cấm đoán sang quản lý rủi ro, bởi ngay cả sốt xuất huyết không dự phòng thì tỷ lệ tử vong cũng tăng cao", ông Phu nói và thêm rằng "vì vậy, quan điểm chống dịch hiện nay là nới lỏng nhưng không buông lỏng". Đồng thời, phải luôn cảnh giác, không vì chống một dịch mà quên phòng chống dịch bệnh khác.

PGS Nguyễn Lân Hiếu, Giám đốc Bệnh viện Đại học Y Hà Nội, đề xuất công bố hết dịch tại thảo luận tổ ở Quốc hội, sáng 22/10. Ông đề nghị Chính phủ tuyên bố chuyển sang giai đoạn chống dịch mới với quy định cụ thể, thay thế các chỉ thị, hướng dẫn trước đây. Việc này nhằm hạn chế tốn kém nguồn lực mà vẫn đảm bảo sẵn sàng nếu Covid-19 bùng phát hoặc dịch bệnh khác xuất hiện.

Giám đốc Bệnh viện Đại học Y cho rằng khi chuyển sang giai đoạn chống dịch mới, bệnh nhân Covid-19 sẽ được khám, chữa bệnh theo bảo hiểm y tế như bệnh lý thông thường. Các bệnh viện sẽ chủ động thanh toán, không dùng tiền ngân sách như hiện nay. Để chống dịch, nhiều tỉnh đã chi khoản tiền lớn mua thuốc, trang thiết bị, vật tư dự phòng. Tuy nhiên, thuốc, vật tư tiêu hao này đều có hạn sử dụng, cần chuyển nguồn sử dụng, điều trị bệnh lý khác trước khi hết hạn.

Các chuyên gia phản bác ý kiến ông Hiếu về việc tuyên bố hết dịch, song đồng tình về vấn đề trang thiết bị đầu tư mua sắm thời gian qua phục vụ công tác chống dịch, song không dùng thì phải luân chuyển cho các hoạt động khác. "Không phải thiết bị mua cho Covid chỉ để phục vụ Covid, quần áo bảo hộ khẩu trang, máy móc cần mang ra dùng, không thì hết hạn", ông Phu nói.


 Nguồn: vnexpress.net



Cùng chuyên mục

Bình Luận Mới

 Bình luận của bạn đã được gửi thành công. Cảm ơn bạn!   Làm mới
Lỗi: Vui lòng thử lại