CHUYÊN NGHIỆP - TRÁCH NHIỆM - NĂNG ĐỘNG - MINH BẠCH - HIỆU QUẢ !
Khám chữa bệnh 17:49 20/02/2023 (433)

Ngành Y tế Hà Tĩnh nỗ lực vượt khó sau đại dịch Covid-19

Năm 2022 khép lại với những thuận lợi đan xen nhiều khó khăn của ngành Y tế về vật tư, hóa chất sinh phẩm, thuốc men bị thiếu hụt, số lượng bệnh nhân đến thăm khám và điều trị ngày càng gia tăng… song trong bối cảnh đó “các chiến sĩ áo trắng” cùng nhau đoàn kết, nỗ lực vượt khó, linh hoạt ứng phó hiệu quả để vừa phòng chống các loại dịch bệnh, vừa tiếp nhận, thăm khám và điều trị kịp thời, chu đáo cho người bệnh, hoàn thành tốt sứ mệnh bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân.

Sau khi dịch COVID-19 cơ bản được kiểm soát, kinh tế xã hội Hà Tĩnh bước vào trạng thái phục hồi và phát triển. Tuy nhiên, xác định dịch bệnh còn những nguy cơ tiềm ẩn nên ngành y tế đã tập trung cao cho công tác phòng chống với các giải pháp căn cơ, bền vững. Năm 2022, toàn tỉnh đã có 97,7% người trên 18 tuổi tiêm đủ mũi 4; 79,89% người từ 12 đến dưới 18 tuổi tiêm đủ mũi 3; 74,2% trẻ em từ 5 đến dưới 12 tuổi tiêm đủ mũi 2 vắc-xin phòng COVID-19. Năm 2022, dịch sốt xuất huyết xảy ra sớm hơn so với những năm gần đây. Từ đầu năm 2022 đến nay, toàn tỉnh ghi nhận 23 ổ dịch tại 7 huyện, thị xã với 991 ca mắc tại 7/13 huyện, thị xã. Các loại dịch bệnh khác cơ bản được kiểm soát, không để ổ dịch lớn xẩy ra.

                                          Lực lượng y tế dự phòng phối hợp khống chế thành công 23 ổ dịch Sốt xuất huyết trên địa bàn

Thạc sỹ Nguyễn Chí Thanh, Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Tĩnh cho biết: Xác định được những nguy cơ dịch sốt xuất huyết diễn biến khó lường nên ngay từ đầu năm 2022, đơn vị đã chủ động triển khai các biện pháp phòng chống dịch bệnh đến các địa phương. Đặc biệt, khi xuất hiện ca bệnh và ổ dịch đã khẩn trương chỉ đạo hệ thống y tế cơ sở, huy động sự vào cuộc của toàn dân để khoanh vùng, dập dịch tức thời nên các ổ dịch không lan rộng và không có trường hợp tử vong.

Đối với công tác khám và điều trị là một thách thức lớn đối với ngành Y tế. Sau đại dịch COVID-19, cùng với cả nước, năm 2022, ngành Y tế Hà Tĩnh phải đối mặt với tình trạng vật tư, sinh phẩm, thuốc men bị thiếu hụt, trong khi số lượng bệnh nhân đến thăm khám và điều trị gia tăng 30% so với năm trước. Trong bối cảnh bệnh nhân đông, các cơ sở khám chữa bệnh đã triển khai sắp xếp, cải tiến quy trình khám chữa bệnh; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong tiếp nhận, chẩn đoán, điều trị, hạn chế thời gian chờ đợi cho người bệnh. 

              Năm 2022, dịch bệnh COVID-19 được kiểm soát nên số bệnh nhân đến thăm khám ở các cơ sở y tế tăng khoảng 30%

Ông Lê Viết Thanh, 65 tuổi, ở thôn Trung Tâm, xã Ngọc Sơn, huyện Thạch Hà, đang điều trị tại khoa Nội, Bệnh viên Đa khoa Thành phố Hà Tĩnh chia sẻ: “Trong quá trình khám bệnh, tôi được các bác sỹ tận tình tư vấn, hướng dẫn sử dụng loại thuốc phù hợp để thay thế do bệnh viện thiếu một số loại thuốc trong danh mục bảo hiểm y tế. Mặt khác, để mau chóng lành bệnh, bác sỹ còn tư vấn kê đơn cho tôi mua thuốc bên ngoài. Qua thông tin từ báo, đài, tôi được biết ngành Y tế gặp nhiều khó khăn nên tôi sẵn sàng chia sẻ, thông cảm và mong muốn các y, bác sỹ vững vàng vượt qua để hoàn thành tốt nhiệm vụ”.

Bác sỹ Lê Thị Thủy, Phó Giám đốc Bệnh viện Đa khoa thành phố Hà Tĩnh cho biết: “Cái khó nhất hiện nay là đối với những danh mục không gia hạn được thì bệnh viện phải tự mua sắm. Tuy nhiên có rất nhiều loại thuốc rất khó mua để đáp ứng được nhu cầu tối thiểu trong cấp cứu, điều trị cho bệnh nhân. Bên cạnh đó, hóa chất trong xét nghiệm huyết học và xét nghiệm sinh hóa đòi hỏi số lượng lớn nên bệnh viện phải tự tổ chức đấu thầu, nhưng quy trình đấu thầu phải mất ít nhất từ 4 – 6 tháng, do đó trong thời gian triển khai đấu thầu thì không có để dùng. Còn nếu mua sắm từng gói nhỏ theo hình thức khẩn cấp để đáp ứng nhu cầu điều trị thì cũng mất nhiều thời gian, công sức, quy trình làm hồ sơ, thủ tục”.

                                                           Các bệnh viện triển khai chụp CT cho bệnh nhân.

Dù gặp nhiều khó khăn vất, nhưng chất lượng điều trị phải đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của Nhân dân, Sở Y tế chỉ đạo tất cả các bệnh viện xây dựng, triển khai kế hoạch chỉ đạo tuyến, cử cán bộ chuyên môn luân phiên từ bệnh viện tuyến trên về hỗ trợ các bệnh viện tuyến dưới. Các y, bác sỹ cũng đã được tiếp thu, cập nhật nâng cao nhiều kiến thức, kỹ năng trong chẩn đoán, điều trị bệnh truyền nhiễm ở trẻ em; quy trình quản lý để nâng cao toàn diện chất lượng xét nghiệm; chẩn đoán, điều trị một số bệnh tai - mũi - họng; kỹ thuật gây mê, gây tê trong nhi khoa… từ các chuyên gia đầu ngành của các bệnh viện tuyến Trung ương.

Thạc sỹ Hoàng Quang Trung, Giám đốc Bệnh viện Đa khoa tỉnh cho biết: Hiện nay tình trạng thiếu hụt vật tư y tế, thuốc chữa bệnh, hóa chất làm ảnh hưởng lớn đối với bệnh viện, bác sỹ điều trị cũng gặp khó trong việc kê đơn thuốc. Tuy nhiên bằng sự nổ lực bệnh viện đã tìm ra các giải pháp phù hợp, đáp ứng được nhu cầu điều trị bệnh trước mắt cho nhân dân. Bệnh viện đã nhập được một số vật tư, hóa chất có trong thỏa thuận khung sau khi UBND tỉnh có giải pháp tháo gỡ trước mắt của tỉnh bằng việc đã tổ chức đấu thầu thành công 6 phần/10 phần của gói thầu 153 tỉ đồng mua sắm vật tư y tế năm 2022. Ngoài ra, lãnh đạo bệnh viện cũng nỗ lực huy động nguồn hỗ trợ từ các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh để đáp ứng nhu cầu khám, điều trị của một cơ sở có lượng bệnh nhân lớn nhất tỉnh.

            Chuyên gia Bệnh viện Đại học Y Hà Nội trực tiếp hướng dẫn cho các bác sỹ Khoa Gây mê hồi sức các kỹ thuật giảm đau.

Về phát triển kỹ thuật chuyên môn, với sự nỗ lực của các y, bác sỹ, sự hỗ trợ từ các bệnh viện tuyến trên, năm 2022, bệnh viện đã triển khai được một số kỹ thuật mới như: chụp mạch máu não bằng hệ thống chụp mạch số hóa xóa nền DSA, hóa mô miễn dịch, lọc máu hấp phụ, khám và điều trị các rối loạn nam học, phẫu thuật thẩm mỹ, nội soi tiêu hóa ở trẻ em… Duy trì, phát huy hiệu quả các kỹ thuật chuyên sâu về chấn thương, chỉnh hình, tim mạch, sản phụ khoa để giúp người dân được thụ hưởng các dịch vụ kỹ thuật cao ngay tại địa phương. Bác sỹ Hoàng Quang Trung cho biết thêm.

Bên cạnh đó, các chỉ số chăm sóc sức khỏe và chỉ số y tế đề ra được ngành triển khai, thực hiện đạt chỉ tiêu theo kế hoạch. Công tác bảo đảm an toàn thực phẩm được quan tâm triển khai, thực hiện. Công tác dân số - kế hoạch hóa gia đình đạt những kết quả tích cực. Chất lượng dân số của tỉnh được cải thiện đáng kể trên nhiều mặt; việc phát triển thể chất con người đạt về tầm vóc, thể lực và tuổi thọ tăng lên.

                             Dù khó khăn, thiếu thốn nhưng các cơ sở y tế vẫn duy trì tốt công tác khám, cấp cứu điều trị bệnh nhân

Bác sỹ Nguyễn Minh Đức, TUV, Giám đốc Sở Y tế Hà Tĩnh cho biết: Cùng với việc tập trung cho công tác phòng, chống các loại dịch bệnh, năm 2022, ngành Y tế triển khai, thực hiện tốt các giải pháp nâng cao chất lượng dịch vụ KCB tại các cơ sở y tế, đáp ứng nhu cầu chăm sóc sức khỏe của nhân dân. Các cơ sở y tế đã chủ động thực hiện linh hoạt các giải pháp phù hợp điều kiện thực tế tại đơn vị để từng bước khắc phục tình trạng thiếu hụt thuốc, hóa chất, vật tư y tế.

Bác sỹ Nguyễn Minh Đức cũng cho biết thêm: Đồng hành với các cơ sở y tế, Sở Y tế cũng đã tham mưu tỉnh các cơ chế để tháo gỡ. Theo đó, UBND tỉnh đã cho cơ chế thỏa thuận khung để tiếp tục thực hiện các hợp đồng cung ứng cũ. Đối với các gói thầu về hóa chất, vật tư không trúng lần 1 thì tham mưu phương án tổ chức đấu thầu lần 2. Còn đối với những hóa chất không nằm trong danh mục đã trúng thầu hoặc nhà thầu không cung ứng được thì cho phép các cơ sở y tế tự tổ chức đấu thầu, mua sắm theo đúng quy định.

Tin rằng, với những giải pháp linh hoạt đã được đưa ra, năm 2023, các cơ sở y tế sẽ vượt qua giai đoạn khó khăn, tiếp tục thực hiện tốt sứ mệnh chăm sóc sức khỏe cho Nhân dân.

Nhật Thắng


Cùng chuyên mục

Bình Luận Mới

 Bình luận của bạn đã được gửi thành công. Cảm ơn bạn!   Làm mới
Lỗi: Vui lòng thử lại