Chị Thanh Dung (Q12) đang chờ tới lượt khám cho con tại khoa Khám bệnh, Bệnh viện Nhi đồng 2 (TP.HCM) lo lắng kể lại, bé nhà chị năm nay 3 tuổi, sáng ngày hôm qua bé bắt đầu xuất hiện triệu chứng sốt nhưng chị vẫn cho trẻ đến trường bình thường. Tới giờ trưa giáo viên thông báo con sốt cao, mệt mỏi, li bì, má đỏ....nên gia đình đã đưa bé về và cho bé thăm khám tại một phòng khám tư gần nhà, bé được chẩn đoán bị sốt siêu vi.
Dù chị Dung đã cho bé uống thuốc theo toa bác sĩ kê nhưng cứ mỗi 4 tiếng thì bé lại sốt trở lại. Vậy nên sáng hôm nay chị đã đưa bé tới bệnh viện từ rất sớm.
Những ngày gần đây con trai của chị Ngọc Ngân (7 tuổi, ngụ tại Cần Giuộc) xuất hiện triệu chứng nóng lạnh thất thường, kèm theo đó là nôn ói. Được biết, xung quanh bé cũng có 6 -7 bạn có triệu chứng sốt nhưng không đi kèm nôn ói như con chị. Quá lo lắng nên chị đã nghỉ làm và đưa bé lên TP.HCM khám.
BS.CK2 Nguyễn Thanh Hải, Trưởng khoa Khám bệnh, Bệnh viện Nhi đồng 2 (TP.HCM) cho biết, khoảng 3 tuần gần đây số bệnh nhi tới thăm khám do mắc các bệnh về viêm đường hô hấp tăng so với trước đây. Trung bình mỗi ngày khoa Khám bệnh tiếp nhận khoảng 100 -150 trường hợp được chẩn đoán là viêm hô hấp trên. Số lượng bệnh nhân điều trị nội trú cũng tăng so với thời gian trước.
Còn tại Bệnh viện Nhi đồng 1 (TP.HCM), trẻ phải nhập viện do mắc các bệnh lý về đường hô hấp cũng tăng lên 20% so với thời gian trước đây. Đa phần bệnh nhi bị viêm phổi, viêm tiểu phế quản do nhiễm siêu vi.
Theo Trưởng khoa Khám bệnh, Bệnh viện Nhi đồng 2 (TP.HCM), bệnh viêm hô hấp trên đa số là do siêu vi trùng gây ra, trong đó, Adeno virus chiếm trên 50%. Sở dĩ thời gian gần đây nhiều trẻ bị mắc bệnh về đường hô hấp là do TP.HCM đang ở trong giai đoạn giao mùa, mức nhiệt chênh lệch giữa sáng và trưa cao hơn trong khi đó nhóm siêu vi này phát triển tốt trên nền nhiệt độ khoảng 30 độ C.
Sốt siêu vi là một nhóm bệnh lý ít có biến chứng nặng, trong đó Adeno virus chiếm tỷ lệ lớn, đa số các bệnh nhân mắc phải nhóm siêu vi này không cần phải nhập viện và tỷ lệ biến chứng cũng không cao. Tuy nhiên, phụ huynh tuyệt đối không được chủ quan vì các bệnh cũng có thể trở nặng và gặp các biến chứng nguy hiểm nếu trẻ có bệnh nền như suy thận, bệnh lý về máu, ung thư, suy dinh dưỡng...
BS.CK2 Nguyễn Thanh Hải khuyên rằng, để phòng tránh bệnh hô hấp do lây nhiễm siêu vi, phụ huynh nên cho con uống đủ nước, ăn đầy đủ dinh dưỡng, nhiều rau xanh và trái cây. Đặc biệt, cần tiêm chủng đẩy đủ cho bé để nâng cao sức đề kháng cho trẻ.
Bên cạnh đó, cần tạo cho trẻ có không gian sống, học tập sạch sẽ, thông thoáng. Phụ huynh và giáo viên nên thường xuyên cọ rửa, sát khuẩn đồ chơi, bề mặt mà trẻ hay tiếp xúc. Nếu phát hiện trẻ có các dấu hiệu bất thường như sốt, ho, sổ mũi thì cần đưa bé đi khám bác sĩ chuyên khoa để được thăm khám và điều trị kịp thời.
Vừa qua, Trung tâm Y tế quận Bình Thạnh đã ghi nhận hiện tượng một số học sinh trường THCS Lê Văn Tám và trường THCS Lam Sơn nghỉ học do bệnh cũng như số học sinh xuống phòng y tế của 2 trường này để khám do có triệu chứng sốt, mệt tăng nhanh đột biến trong các ngày 22, 23 và 24/2. Trong đó, số học sinh có triệu chứng bệnh trong 3 ngày tại Trường Trung học Cơ sở Lê Văn Tám lần lượt là 14, 193 và 23 học sinh; tại Trường Trung học Cơ sở Lam Sơn lần lượt là 5, 84 và 17 học sinh. Tổng số trẻ mắc bệnh trong giai đoạn này chiếm 11% tổng số học sinh cả 2 trường.
Triệu chứng chính của các học sinh chủ yếu là đau họng, sốt, mệt mỏi, đau đầu, chóng mặt. Ngoài ra, còn ghi nhận khoảng 10-15% trường hợp có tiêu chảy, buồn nôn, nôn. Sau khi thăm khám các bác sĩ nhận định nguyên nhân gây bệnh ở nhóm học sinh của cả 2 trường là nhiễm siêu vi hô hấp.
Theo Báo SK & ĐS