Ít nhất 40.000 người chết mỗi năm do sử dụng thuốc lá
Bà Nguyễn Thị Thu Hương – Quỹ Phòng chống tác hại thuốc lá, Bộ Y tế cho biết, sử dụng thuốc lá gây 8 triệu ca tử vong mỗi năm trên thế giới (trong đó có khoảng 1 triệu ca tử vong do hút thuốc thụ động).
Tại Việt Nam, với những nỗ lực của Bộ Y tế và các Bộ, ngành, các tỉnh, thành phố, công tác phòng chống tác hại thuốc lá đã đạt được nhiều kết quả tích cực. Tuy nhiên, Việt Nam vẫn là một trong 15 nước có số nam giới trưởng thành hút thuốc lá nhiều nhất trên thế giới.
Ngoài gánh nặng về kinh tế xã hội, hút thuốc lá còn là nguyên nhân gây ra hàng loạt bệnh tật nguy hiểm khác. Tổ chức Y tế thế giới (WHO) ước tính, Việt Nam có ít nhất 40.000 người chết mỗi năm do sử dụng thuốc lá.
Theo PGS.TS. Vũ Văn Giáp - Phó Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai, Phó Giám đốc Trung tâm Hô hấp của bệnh viện, qua thực tế lâm sàng các bác sĩ đã chứng kiến rất nhiều ca bệnh nặng, nguy kịch do tác hại của khói thuốc. PGS. Giáp dẫn chứng, một bệnh nhân bị bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính (COPD) phải đặt nội khí quản, phải thở máy tốn rất nhiều tiền. Sau thời gian nằm viện, bệnh nhân lại tiếp tục hút thuốc lá và bị đợt cấp phải nhập viện điều trị. Có nhiều bệnh nhân khác bị ung thư phổi, đột quỵ não, nhồi máu cơ tim cũng do tác hại của khói thuốc.
Rất nhiều ca bệnh thương tâm do thuốc lá điện tử cũng đã được báo cáo như trường hợp sau hút gây cháy nổ vỡ cả hàm, có trường hợp tổn thương phổi cấp chỉ sau vài hơi thuốc, có trường hợp hút xong thì liệt tứ chi và sống cuộc đời phụ thuộc hoàn toàn vào máy thở…
Ngày Thế giới không thuốc lá 31/5 năm nay với chủ đề “Chúng ta cần thực phẩm, không cần thuốc lá” nhằm kêu gọi các quốc gia thúc đẩy các hoạt động nâng cao nhận thức của cộng đồng về tác hại của thuốc lá tới sức khỏe, kinh tế, môi trường.
PGS.TS. Phan Thu Phương - Giám đốc Trung tâm Hô hấp, Bệnh viện Bạch Mai cảnh báo những nguy hại của thuốc lá đối với sức khỏe và đời sống con người và nhấn mạnh: "Thuốc lá nguy hiểm chết người dưới mọi hình thức và vỏ bọc. 90% trường hợp được chẩn đoán K phổi hàng năm trên thế giới là người hút thuốc lá; 75% các ca bệnh phổi tác nghẽn mạn tính có nguyên nhân từ khói thuốc; người hút thuốc lá có tỷ lệ ung thư miệng cao gấp 27 lần và ung thư thanh quản cao gấp 12 lần người không hút thuốc...".
PGS. Phương cũng chỉ rõ, COPD là bệnh lý tiến triển chậm với các triệu chứng: mệt mỏi, khó thở, ho mạn tính ở người hút thuốc, khạc đờm, khò khè… nhưng nhiều bệnh nhân không đến thăm khám vì những triệu chứng hô hấp này. Do vậy, cần tăng cường nhận thức của mọi người về COPD; xây dựng quy trình phát hiện sớm COPD tại tuyến y tế cơ sở, góp phần làm giảm nguy cơ đợt cấp COPD…
Lợi ích của việc bỏ thuốc lá đến gần như ngay lập tức
Cho rằng hút thuốc lá là bệnh lý chứ không phải chỉ là thói quen, TS.BS Phạm Thị Lệ Quyên - Trung tâm Hô hấp, Bệnh viện Bạch Mai lưu ý, hút thuốc lá rất dễ nghiện, nhanh nghiện và khi đã nghiện thì rất khó cai. Để giúp cai thuốc lá thành công, người hút cần phải: Quyết tâm - Hiểu biết - Hỗ trợ. Tư vấn ngắn và tư vấn sâu, kết hợp với sử dụng thuốc cai thuốc lá sẽ giúp người nghiện cai thuốc thành công.
Theo các chuyên gia, lợi ích của việc bỏ hút thuốc lá là rất lớn. WHO nêu rõ, chỉ sau 20 phút, bạn đã có thể cảm thấy những thay đổi tích cực đầu tiên. Khi bạn ngừng hút thuốc, cơ thể sẽ có cơ hội tự phục hồi ở mức đáng kể. Cụ thể:
Để giảm số người chết vì thuốc lá và đạt được mục tiêu của Việt Nam là giảm 30% tỷ lệ hút thuốc vào năm 2030, WHO khuyến nghị có thể triển khai những biện pháp như:
- Tăng thuế và giá thuốc lá – vì giá bán ở Việt Nam thuộc hàng rẻ nhất thế giới. Việc thuốc lá quá rẻ như vậy khiến việc những người trẻ bắt đầu tập hút thuốc hay là cho người hút thuốc tiếp tục là rất dễ dàng.
- Ngăn chặn – hoặc ít nhất là hạn chế – việc sử dụng các sản phẩm thuốc lá mới mà được quảng cáo trên thị trường theo những phương thức lừa dối, nhắm đến những người trẻ dễ bị tổn thương.
- Cảnh báo mọi người ở mọi lứa tuổi về tác hại mà việc sử dụng thuốc lá có thể gây ra cho cá nhân và sự nguy hại mà nó có thể gây ra cho các gia đình.
Theo Báo SK&ĐS