CHUYÊN NGHIỆP - TRÁCH NHIỆM - NĂNG ĐỘNG - MINH BẠCH - HIỆU QUẢ !
Y tế dự phòng 15:00 20/08/2024 (243)

CDC Hà Tĩnh: Điều trị PrEP giúp phòng ngừa lây nhiễm HIV trên 90%

Để nâng cao hiệu quả việc phòng, chống HIV/AIDS, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Hà Tĩnh đã thành lập Phòng khám Điều trị dự phòng trước phơi nhiễm HIV (PrEP).

PrEP là thuốc được chỉ định dùng để ngăn ngừa sự phát triển của virus HIV. Đối tượng sử dụng thuốc là những người chưa nhiễm HIV (HIV âm tính) và thuộc nhóm có nguy cơ lây nhiễm cao. Để nâng cao hiệu quả việc phòng, chống HIV/AIDS, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh đã thành lập Phòng khám Điều trị dự phòng trước phơi nhiễm HIV (PrEP).


Sau khi nắm bắt được thông tin Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Tĩnh triển khai điều trị bằng PrEP, chị N.T.H (SN 1982, trú tại huyện Hương Sơn) đã đến đăng ký khám và điều trị phơi nhiễm HIV. Sau khi làm xét nghiệm test nhanh và làm xét nghiệm khẳng định HIV đã cho kết quả chị H. dương tính với HIV.

Chị H. cho biết: “Trước đó mình cũng đã làm xét nghiệm một số lần nhưng chưa bị lây nhiễm. Tuy nhiên, gần đây, trong một lần quan hệ không an toàn nên mình đã đến phòng khám để được tư vấn và làm xét nghiệm. Cuối cùng điều mình lo lắng đã xảy ra”.

Được biết, tuy mới đi vào hoạt động chưa đầy 3 tuần nhưng phòng khám đã tiếp nhận 27 khách hàng đủ tiêu chuẩn được điều trị bằng PrEP. Trong quá trình thăm khám, tư vấn và làm các xét nghiệm cần thiết, các bác sỹ đã phát hiện có trường hợp dương tính với HIV. Điều này là rất kịp thời nhằm phát hiện và điều trị dự phòng sớm, qua đó giúp giảm thiểu lây nhiễm HIV trong cộng đồng.

Bác sỹ Đặng Thị Mai Thúy - Phó Trưởng khoa Phòng chống HIV/AIDS, phụ trách Phòng khám PrEP cho biết, trong quá trình dùng PrEP, khách hàng buộc phải uống hằng ngày, mỗi ngày 1 viên, có thể uống trước hoặc sau khi ăn, nhưng phải uống vào một thời điểm nhất định để tạo thói quen uống thuốc đều đặn. Tuy nhiên, người dùng không được uống quá 2 liều trong 1 ngày. Đối với những nhóm đối tượng như: nam có quan hệ tình dục đồng giới, người chuyển giới nữ, người bán dâm, người tiêm chích ma tuý, người có quan hệ tình dục khác giới có nguy cơ cao không sử dụng các biện pháp phòng tránh an toàn, người đã điều trị dự phòng sau phơi nhiễm với HIV nhưng vẫn tiếp tục có hành vi nguy cơ cao nhiễm HIV... thì nên dùng thuốc PrEP. Với trường hợp đã nhiễm HIV, chúng tôi sẽ cho chuyển sang điều trị ARV.

"Với việc điều trị ARV sớm, bệnh nhân sẽ giảm nguy cơ mắc các bệnh nhiễm trùng cơ hội, giảm nguy cơ chuyển sang giai đoạn AIDS và giảm lây truyền HIV sang người khác", Bác sỹ Đặng Thị Mai Thúy nhấn mạnh.

Lấy máu xét nghiệm HIV cho khách hàng để xác định điều trị dự phòng trước phơi nhiễm hay điều trị bằng ARV khi đã phơi nhiễm HIV.


Bác sỹ Đặng Thị Mai Thúy cũng khuyến cáo: “Việc điều trị PrEP chỉ giúp phòng lây nhiễm HIV, không phòng được các bệnh lây truyền qua đường tình dục khác, không có tác dụng tránh thai, do đó, an toàn nhất là nên dùng PrEP và sử dụng bao cao su để phòng lây nhiễm HIV và các bệnh lây truyền qua đường tình dục (lậu, giang mai, viêm gan B, C...) và giúp phòng tránh mang thai ngoài ý muốn”.

Theo các chuyên gia y tế, việc điều trị PrEP sẽ an toàn với mọi người, kể cả phụ nữ mang thai và cho con bú. Hầu hết người dùng PrEP không gặp tác dụng phụ nào nghiêm trọng. Tuy nhiên, một số ít người có thể có thể gặp một số tác dụng phụ như: buồn nôn, tiêu chảy, đau bụng, chóng mặt, đau đầu, chán ăn… Thông thường các phản ứng phụ này sẽ chấm dứt sau 1 đến 2 tuần. Khi xuất hiện những biểu hiện kéo dài và ảnh hưởng đến sinh hoạt thì cần thông báo ngay với bác sỹ để được tư vấn, hướng dẫn kịp thời.


Với mục tiêu điều trị dự phòng trước phơi nhiễm HIV cho khách hàng có hành vi nguy cơ cao, hướng tới mở rộng khách hàng sử dụng dịch vụ, thời gian tới, chúng tôi tiếp tục đẩy mạnh và đa dạng hóa hình thức tuyên truyền nâng cao hiểu biết của người dân, nhất là nhóm đối tượng có nguy cơ cao nhiễm HIV về điều trị dự phòng trước phơi nhiễm với HIV. Điều này sẽ góp phần giảm thiểu lây nhiễm HIV trong cộng đồng, hướng tới mục tiêu chấm dứt đại dịch AIDS vào trước năm 2030.

Thạc sỹ Nguyễn Chí Thanh

Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Tĩnh

Tuấn Dũng

Cùng chuyên mục

Bình Luận Mới

 Bình luận của bạn đã được gửi thành công. Cảm ơn bạn!   Làm mới
Lỗi: Vui lòng thử lại