Sốt xuất huyết là một bệnh cấp tính, ảnh hưởng nghiêm trọng tới sức khỏe của người bệnh. Khi không được điều trị kịp thời, đúng cách có thể dẫn đến các biến chứng như sốc, suy hô hấp, rối loạn đông máu, tổn thương gan, rối loạn tri giác, có thể gây tử vong...
Tuy nhiên, không phải trường hợp nào cũng cần phải nằm điều trị tại bệnh viện. Với những trường hợp nhẹ và vừa, bác sĩ sẽ cho thuốc điều trị tại nhà và hàng ngày vào viện làm xét nghiệm tiểu cầu theo dõi tình trạng bệnh. Ở nhà, người bệnh sẽ được nghỉ ngơi, tránh nguy cơ lây chéo bệnh… Việc uống oresol bù dịch (nước và điện giải) thay cho việc truyền dịch.
Khi điều trị bệnh tại nhà, bạn cần lưu ý: Phải tuân thủ theo đúng chỉ định của bác sĩ, không được nghe theo kinh nghiệm mách bảo để chữa mẹo hoặc dùng thêm các loại thuốc khác. Chỉ được dùng paracetamol để hạ sốt. Không dùng sang thuốc khác như aspirin, ibuprofen để hạ sốt vì sẽ làm cho tình trạng xuất huyết trầm trọng hơn, nguy hiểm đến tính mạng. Hai là cho dù có sốt cao liên tục thì bạn tuyệt đối không được dùng thuốc hạ sốt quá liều và quá dày. Cách 4-6 giờ mới được dùng lại thuốc hạ sốt 1 lần (khi cần thiết).
Ngoài dùng thuốc hạ sốt, bạn nên mặc đồ mỏng, nằm nơi thoáng mát, chườm khăn có thấm nước (nước bình thường, không dùng nước đá sẽ gây co mạch) vào trán, nách, bẹn...
Tuyệt đối không nên thực hiện việc truyền dịch tại nhà khi bị sốt xuất huyết vì có thể dẫn đến phù nề, suy hô hấp và nguy hiểm đến tính mạng. Khi cần bổ sung điện giải qua dịch truyền, bác sĩ sẽ yêu cầu bạn nằm lại bệnh viện để thực hiện. Đó chính là lý do mà bác sĩ yêu cầu bạn hằng ngày phải vào bệnh viện để làm các xét nghiệm, nhằm kịp thời nắm bắt tình trạng bệnh của bạn và có phương pháp điều trị kịp thời. Cuối cùng là bạn tuyệt đối không được tự ý dùng kháng sinh vì sốt xuất huyết là sốt do virut nên kháng sinh không có tác dụng. Chỉ được dùng kháng sinh khi có bội nhiễm và do bác sĩ chẩn đoán và chỉ định dùng thuốc.
Ngoài ra, bạn nên ăn thức ăn lỏng, dễ tiêu, uống nhiều nước ép trái cây…
Theo: Báo SKĐS