CHUYÊN NGHIỆP - TRÁCH NHIỆM - NĂNG ĐỘNG - MINH BẠCH - HIỆU QUẢ !
Tin trong ngành 22:27 06/06/2019 (499)

Niềm hy vọng cho những bệnh nhân bị đột quỵ do nhồi máu não

Mới đây, bệnh viện Đa khoa Kỳ Anh đã trở thành bệnh viện tuyến huyện đầu tiên của tỉnh triển khai thành công kỹ thuật tiêu sợi huyết cho bệnh nhân bị đột quỵ do nhồi máu não. Từ hiệu quả của việc triển khai kỹ thuật này tại tuyến huyện, ngành Y tế đã chỉ đạo bệnh viện Đa khoa tỉnh tiếp tục đào tạo chuyển giao kỹ thuật tiêu sợi huyết cho các bệnh viện tuyến huyện đủ điều kiện, nhằm kịp thời cấp cứu, điều trị cho bệnh nhân bị nhồi máu não trong giai đoạn “giờ vàng”, tránh di chứng và phục hồi tốt sức khỏe cho người bệnh.

Bệnh viện tuyến huyện đầu tiên triển khai thành công kỹ thuật tiêu sợi huyết 

Bệnh nhân Chú Thị Sằng 74 tuổi ở xã Kỳ Lợi, Kỳ Anh được đưa đến bệnh viện Đa khoa Kỳ Anh trong tình trạng bị hoa mắt, méo miệng, liệt nhẹ một bên cơ thể. Bệnh nhân được xác định đột quỵ do nhồi máu não. Vì được người nhà đưa đến trong giai đoạn “giờ vàng”, bệnh nhân đã được các bác sỹ chỉ định thực hiện kỹ thuật tiêu sợi huyết. Với sự giúp đỡ của các bác sỹ bệnh viện Đa khoa tỉnh, kíp bác sỹ của bệnh viện Đa khoa Kỳ Anh đã thực hiện thành công kỹ thuật này. Sau khi được dùng thuốc tiêu sợi huyết, bệnh nhân Sằng đã nhanh chóng hồi phục, không để lại di chứng. Đến nay bà đã tham gia lao động và sinh hoạt bình thường. Sau bệnh nhân Sằng đã có thêm 01 bệnh nhân khác được thực hiện kỹ thuật tiêu sợi huyết tại bệnh viện Đa khoa Kỳ Anh.

Chăm sóc bệnh nhân tại bệnh viện Đa khoa Kỳ Anh

Bs. Đặng Diên - Trưởng khoa hồi sức cấp cứu bệnh viện Đa khoa Kỳ Anh cho biết: tình trạng bệnh nhân bị đột quỵ não đến tại khoa hồi sức cấp cứu ngày một tăng nhất là vào các thời điểm mùa thu đông và đông xuân. Trước đây, đối với những bệnh nhân được nhập viện sớm trong giai đoạn “giờ vàng” là dưới 4,5h tính từ lúc khởi phát triệu chứng, bệnh viện sẽ chuyển ra bệnh viện tỉnh để thực hiện kỹ thuật tiêu sợi huyết. Còn nếu qua giờ vàng thì sẽ ở lại điều trị nội khoa. Đối với những bệnh nhân không được điều trị tiêu sợi huyết, mặc dù được cứu sống nhưng thường để lại di chứng nặng nề là liệt nửa người, ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe và cuộc sống của người bệnh. Việc triển khai kỹ thuật tiêu sợi huyết này tại bệnh viện Đa khoa Kỳ Anh là vô cùng cần thiết, cấp bách đối với bệnh nhân bị đột quỵ do nhồi máu não,giúp cấp cứu kịp thời và hạn chế thấp nhất những di chứng do đột quỵ.

Khảo sát việc triển khai kỹ thuật tiêu sợi huyết tại Bệnh viện Hương Sơn

Để triển khai kỹ thuật này, trước đó bệnh viện đa khoa Kỳ Anh đã cử 2 kíp, gồm 4 người (2 bác sỹ, 2 điều dưỡng) đi học tại bệnh viện Đa khoa tỉnh. Sau 2 tháng học lý thuyết tại bệnh viện tỉnh, các bác sỹ bệnh viện Đa khoa tỉnh đã về bệnh viện Kỳ Anh chuyển giao trực tiếp kỹ thuật này theo hình thức “cầm tay chỉ việc”. Đến nay, bệnh viện Đa khoa Kỳ Anh đã thực hiện thường quy kỹ thuật này tại bệnh viện, đem lại rất nhiệu lợi ích cho người bệnh.

Nhân rộng kỹ thuật tại các bệnh viện tuyến huyện

Ths. Hoàng Quang Trung – PGĐ Bệnh viện Đa khoa tỉnh cho biết: Đột quỵ não đang dần trở thành một bệnh của thời đại, là bệnh đứng thứ 3 thế giới về tỉ lệ tử vong, là nguyên nhân chính gây tàn phế, di chứng nặng nề, trong đó, nhồi máu não chiếm hơn 80% tổng số các bệnh nhân đột quỵ não. Điều trị bằng thuốc tiêu sợi huyết là biện pháp được khuyến cáo hàng đầu cho bệnh nhân nhồi máu não trong giai đoạn cấp, giúp giảm thiểu tỉ lệ tử vong cũng như di chứng. Tuy nhiên vấn đề quan trọng nhất là bệnh nhân phải nhập viện trong giai đoạn "vàng", tức là dưới 4,5h tính từ lúc khởi phát triệu chứng đầu tiên. Đây là chìa khóa quyết định thành công cho cuộc điều trị, bởi thuốc tiêu sợi huyết khối đường tĩnh mạch có tác dụng tối ưu với bệnh nhân nhồi máu cấp tính trước 3 giờ, thậm chí là 4,5 giờ với một vài trường hợp tính từ lúc khởi phát triệu chứng.

Khảo sát trang thiết bị tai bệnh viện Hương Khê

Việc triển khai kỹ thuật này tại tuyến huyện là vô cùng cần thiết, bởi khi bị nhồi máu não cứ một phút trôi qua sẽ có gần 2 triệu tế bào não bị chết đi. Chính vì vậy, “thời gian chính là Não”. Người bệnh cần được điều trị càng sớm càng tốt và biện pháp điều trị hiệu quả nhất đó chính là “Tái tưới máu cho não” càng nhanh càng tốt bằng phương pháp tiêu sợi huyết.

Tại bệnh viện tuyến huyện, điều kiện cần thiết để triển khai kỹ thuật này ngoài đội ngũ bác sỹ có kinh nghiệm, bệnh viện phải có máy chụp City để xác định bệnh nhân bị đột quỵ do nhồi máu não hay bị xuất huyết não. Bởi tiêu sợi huyết chỉ được dùng cho bệnh nhân đột quỵ do nhồi máu não. Hiện nay, ngoài bệnh viện đa khoa Kỳ Anh đã triển khai thường quy kỹ thuật này, có 3 bệnh viện là Thành phố Hà Tĩnh, bệnh viện Hương Sơn và bệnh viện Hương Khê sẽ được bệnh viện Đa khoa tỉnh chuyển giao kỹ thuật này.

ThS. Hoàng Quang Trung cho biết thêm: bệnh viện tỉnh sẽ đào tạo chuyển giao kỹ thuật cho các bệnh viện theo hình thức, pha 1 sẽ đào tạo lý thuyết tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh trong thời gian 02 tháng. Pha 2 sẽ cử cán bộ của bệnh viện tỉnh về bệnh viện huyện trực tiếp cầm tay chỉ việc giúp bệnh viện huyện triển khai kỹ thuật. Sau thời gian này, bệnh viện tỉnh vẫn sẽ tiếp tục, hỗ trợ, giúp đỡ các bệnh viện trong quá trình thực hiện kỹ thuật nhằm đạt được kết quả tốt nhất.

Ký kết phối hợp giữa Bệnh viện Đa khoa tỉnh và bệnh viện Đa khoa thị xã Kỳ Anh

Hiện tại lãnh đạo ngành, lãnh đạo bệnh viện tỉnh đã đi khảo sát cơ sở vật chất, hiện trạng tại 03 bệnh viện này để gấp rút triển khai các hoạt động đào tạo chuyển giao kỹ thuật. Tiến tới sau khi các bệnh viện có đủ điều kiện sẽ nhân rộng kỹ thuật này ra 100% bệnh viện tuyến huyện nhằm đảm bảo cho người bệnh được kịp thời cấp cứu, điều trị, tránh di chứng cho người bệnh.

Ths. Lê Ngọc Châu – TUV, Giám đốc Sở Y tế cho biết: Thực hiện Đề án 1816, ngành đã giao cho các bệnh viện tuyến tỉnh thực hiện việc đào tạo, chuyển giao các kỹ thuật mới cho các bệnh viện tuyến huyện. Hằng năm, căn cứ nhu cầu phát triển kỹ thuật, nguồn nhân lực và cơ sở vật chất của các đơn vị để xây dựng kế hoạch đào tạo. Việc triển khai cũng có nhiều đổi mới so với chủ trương của Đề án 1816, đó là thay vì các bác sỹ tuyến trên về tuyến dưới giảng dạy và chuyển giao kỹ thuật thì tại Hà Tĩnh các bác sỹ tuyến dưới sẽ lên tuyến trên học tập. Việc này sẽ tận dụng được tối đa máy móc, trang thiết bị, nhân lực của bệnh viện tuyến trên. Và đặc biệt là có bệnh nhân để các bác sỹ được triển khai kỹ thuật. Sau học tập, các bác sỹ tuyến trên sẽ về tuyến huyện để triển khai chuyển giao trực tiếp theo hướng “cầm tay chỉ việc” đồng thời sẽ thực hiện giám sát, hỗ trợ tuyến dưới trong suốt quá trình triển khai kỹ thuật giống như “bảo hành” các kỹ thuật mình đã triển khai.
Ths. Nguyễn Xuân Thái – phó Trưởng khoa Cấp cứu chống độc bệnh viện Đa khoa tỉnh: Cứ 6 người trong chúng ta sẽ có 1 người đột quỵ trong tương lai, cứ 6 giây trôi qua trên thế giới có 1 người chết vì đột quỵ não. Ở khoa chúng tôi mỗi năm tiếp nhận cấp cứu khá nhiều bệnh nhân đột quỵ do nhồi máu não. Tuy nhiên số lượng bệnh nhân đến trong thời điểm “giờ vàng” vẫn còn rất ít (dưới 5%). Vì vậy nhiều người mặc dù được cấp cứu kịp thời nhưng để lại di chứng rất nặng nề. Điều trị tiêu sợi huyết cho bệnh nhân đột quỵ nhồi máu não cấp được xem là quy chuẩn trên toàn thế giới. Theo Bác sỹ Thái: khi đột ngột có những dấu hiệu như: méo miệng, liệt mặt, tê bì, yếu nửa người, nói khó hoặc không nói được, mắt nhìn mờ, đau đầu… gia đình phải đưa ngay bệnh nhân đến cơ sở y tế có khả năng chẩn đoán và điều trị trong thời gian ngắn nhất (dưới 4,5 tiếng) để có thể sử dụng phương pháp tiêu sợi huyết. Đối với những trường hợp này, thời gian là tính mạng, bệnh nhân được phát hiện và điều trị càng sớm thì khả năng phục hồi hoàn toàn, không để lại di chứng càng cao. Gia đình tuyệt đối không nên mất thời gian chờ người bệnh tự phục hồi hay sử dụng các phương pháp dân gian truyền miệng để điều trị tại nhà bởi điều đó đã vô tình kéo dài thời gian và đánh mất cơ hội sống của chính người bệnh.

Thu Hòa

Cùng chuyên mục

Bình Luận Mới

 Bình luận của bạn đã được gửi thành công. Cảm ơn bạn!   Làm mới
Lỗi: Vui lòng thử lại