CHUYÊN NGHIỆP - TRÁCH NHIỆM - NĂNG ĐỘNG - MINH BẠCH - HIỆU QUẢ !
Sức khỏe trẻ em 18:22 26/04/2019 (1331)

Những tai nạn thường gặp ở trẻ dịp hè

Mùa hè là mùa học sinh nghỉ học, được tự do vui chơi, nhưng kéo theo đó là tình trạng gia tăng tai nạn thương tích.

Trên thực tế, hè nào bệnh viện cũng phải tiếp nhận những ca cấp cứu do: bỏng, tai nạn điện giật, tai nạn giao thông, leo trèo ngã gãy tay chân… Vì vậy, việc phòng tránh và xử trí đúng tai nạn thường gặp là vô cùng quan trọng.

Cần quan tâm và giám sát chặt chẽ trẻ để tránh tai nạn.

Tai nạn bỏng

Nguyên nhân bỏng rất đa dạng nhưng phần lớn là do bỏng với nước sôi, lửa bếp, bỏng do bàn là ủi, do điện giật hay thò tay vào ổ cắm điện…Khi bé bị bỏng, các bước cơ bản xử trí ở nhà nên được tiến hành để tránh làm nặng thêm vết thương.

Trước hết, người nhà cần bình tĩnh, không la hét làm bé hoảng sợ mà cần phải rửa hoặc ngâm vết bỏng của bé vào nước mát (16 - 20 độ C) hoặc dội nước hay hứng vùng bị bỏng dưới vòi nước mát, sạch càng sớm càng tốt trong khoảng thời gian 20 phút. Nếu bỏng do hóa chất thì rửa dưới vòi nước sạch chảy nhẹ để làm trôi bớt và làm loãng lượng hóa chất trên da, sau đó đưa đi khám tại các cơ sở y tế.Tuyệt đối không thoa kem đánh răng, nước mắm, rượu trắng hay các loại thuốc thảo dược không rõ nguồn gốc vào vết bỏng vì sẽ gây kích ứng vùng da đang bị tổn thương và làm nặng hơn.

Chấn thương đầu

Thường gặp nhất là té ngã ở giường, võng, ngã xe đạp, tai nạn giao thông, vật nặng va đập trúng đầu… Nếu nhẹ có thể bị tụ máu dưới da đầu, thường gọi là u đầu hay sưng da đầu. Nặng hơn là các tổn thương ở xương sọ như nứt xương, lõm sọ hay vết thương sọ não.

Sau khi ngã, ở đầu bé có thể nổi lên u sưng rất to, hãy tiến hành chườm lạnh (lấy khăn bọc đá hoặc nhúng nước mát) vào chỗ sưng đau khoảng 15-20 phút. Nếu cần, sau khi nghỉ 5 phút có thể chườm thêm 20 phút nữa. Khối u sẽ tự tan sau vài ngày đến vài tuần. Nếu bé tỉnh táo, đi lại, nói năng, chơi đùa bình thường như trước khi bị ngã thì chỉ cần chườm lạnh và theo dõi. Giữ bé thức trong vòng ít nhất là 1 giờ đầu. Cần đưa bé đi khám bác sĩ nếu thấy xuất hiện các biểu hiện nghi ngờ chấn thương sọ não sau đây: bé ngủ nhiều, rối loạn trí giác, nôn, quấy khóc nhiều bất thường, không thể dỗ, chảy máu cam, máu mũi, sưng lớn trên vùng đầu…

Té ngã gãy xương

Khác với người lớn, xương ở trẻ em mềm, dễ gãy. Trẻ thường hiếu động nên dễ té ngã do đùa giỡn, leo trèo hoặc bất cẩn khi đi đứng, khi đã bị chấn thương vẫn không kêu đau và điều đó khiến cho cha mẹ không quá bận tâm, chỉ xoa bóp dầu hay đưa trẻ đến thầy lang để xoa nắn bó bột… có thể dẫn đến tai biến.

Các dấu hiệu gợi ý gãy xương: Đau vùng chỗ gãy rất nhiều, thâm tím, sưng nề chỗ gãy, mất cử động bình thường vùng xương bị gãy. Do đó, khi có các dấu hiệu trên, người nhà nên tiến hành sơ cứu ngay vùng chấn thương cho trẻ bằng các bất động với nẹp hoặc bất cứ vật gì dài, phẳng có thể nâng đỡ vùng xương bị gãy (cành cây, giấy cứng của thùng các-tông...). Nguyên tắc chung khi đặt nẹp bất động:Thông thường, có thể dùng các miếng gỗ, cành cây dài thẳng bọc vải; sau đó đặt dọc theo chiều dài của chi bị gãy, cuốn băng lại bên ngoài trước khi đưa lên cáng vận chuyển nạn nhân; lưu ý dùng 3 nẹp đặt quanh trục xương và dài hơn các khớp phía trên và phía dưới xương bị gãy, sau đó đưa trẻ đến cơ sở y tế để được kiểm tra và điều trị đúng.

Nuốt phải dị vật

Nuốt dị vật thường gặp với trẻ em. Các vật dễ nuốt như đồng xu, đồ chơi nhỏ, bút chì, bút và ngòi bút, pin, kim băng, kẹp tóc và kim khâu. Nếu cha mẹ thấy con mình nuốt phải dị vật, cần bình tĩnh, tuyệt đối không dùng tay móc họng trẻ vì hành động này sẽ khiến dị vật đi sâu hơn vào đường thở.

Đối với dị vật không phải chất lỏng, tùy theo độ tuổi của bệnh nhân mà tiến hành làm nghiệm pháp Hemlich ở các tư thế khác nhau.

Với trẻ dưới 1 tuổi, cấp cứu đầu tiên khi bị ngạt là nên thổi ngược lại vì nếu làm nghiệm pháp Hemlich có thể gây ra chấn thương bụng. Với trẻ lớn hơn 1 tuổi, thực hiện nghiệm pháp Hemlich ở tư thế nằm như sau: đặt bệnh nhân nằm ngửa, đầu thấp, nghiêng sang 1 bên, 2 bàn tay người cứu nạn chồng lên nhau, đè ngay vùng thượng vị rồi ấn mạnh theo hướng đầu bệnh nhân, làm nhịp nhàng (ấn 4-5 cái 1 lần) để ép phổi với hy vọng không khí trong phổi được tống ra đồng thời đẩy cả dị vật ra ngoài thanh môn.

Với trẻ lớn hoặc người lớn thực hiện nghiệm pháp Hemlich ở 3 tư thế đứng, ngồi hoặc nằm như sau: Hemlich tư thế nằm: đặt bệnh nhân nằm ngửa, đầu thấp, nghiêng sang 1 bên, 2 bàn tay người cứu nạn chồng lên nhau đè ngay vùng thượng vị, rồi ấn mạnh theo hướng đầu bệnh nhân, làm nhịp nhàng (ấn 4-5 cái 1 lần) để ép phổi với hy vọng không khí trong phổi được tống ra, đồng thời đẩy cả dị vật ra ngoài thanh môn.

Hemlich ngồi hoặc đứng: Người cứu nạn đứng sau lưng nạn nhân, đưa tay ra trước qua hông đặt trước vùng thượng vị, 2 tay chồng lên nhau, cho lưng nạn nhân dựa vào ngực người cứu nạn, sau đó ép mạnh vùng thượng vị nạn nhân từng đợt (ép 4-5 cái 1 lần).

Nếu nghiệm pháp Hemlich 3 lần không thành công, lập tức hô hấp nhân tạo ngay với hy vọng đẩy dị vật xuống để đường thở phần nào được lưu thông. Đồng thời ngay lúc đó cần gọi khẩn cấp hỗ trợ y tế để đưa trẻ tới cơ sở y tế gần nhất.

Phải luôn để mắt đến trẻ

Để tránh những tai nạn thương tâm xảy ra cho trẻ, nhất là trẻ mới tập bò, tập đi, người lớn cần quan tâm chăm sóc và giám sát chặt chẽ trẻ.

Tạo nơi vui chơi an toàn cho trẻ bằng cách: thường xuyên kiểm soát trẻ khi trẻ đứng gần ao, hồ, sông, suối; không để trẻ mới tập đi tự leo cầu thang, leo cửa sổ, đứng trên ghế…; không cho trẻ chơi gần những nơi nguy hiểm như: bếp than, bếp gas, bếp điện; các vật dụng dễ gây nguy hiểm cho trẻ như dao, kéo, thớt cần treo trên cao, tránh tầm tay trẻ; để những vật dụng gây bỏng như nước sôi, phích nước, bao diêm bật lửa… gọn gàng ở trên cao, xa tầm với của trẻ. Khi đun nấu, cần để các cán xoong chảo quay vào trong, tránh việc vô tình không để ý trẻ va phải gây bỏng; nấu ăn xong, những món sôi nóng cần để xa và cao, tránh tầm tay của trẻ. Khi cho trẻ chơi những đồ chơi bằng nhựa, cần chú ý đồ chơi vỡ, tạo những góc cạnh nhọn sắc gây đứt tay hay chọc vào mắt gây chấn thương. Những đồ chơi có pin tiểu nhỏ cần chú ý vì trẻ có thể lấy pin nuốt hay nhét vào lỗ mũi.

(Nguồn: suckhoedoisong.vn)

Cùng chuyên mục