Từ 0 đến 3 tuổi, hệ miễn dịch của trẻ còn non yếu, dễ bị các vi khuẩn, vi trùng tấn công gây bệnh. Khoảng 70% hệ miễn dịch nằm ở đường ruột nên cách tốt nhất để tăng sức đề kháng cho trẻ là chăm sóc sức khỏe đường ruột. Dưới đây là những cách mẹ có thể áp dụng để giúp hệ vi sinh đường ruột của trẻ cân bằng, nâng cao khả năng miễn dịch, chống lại bệnh tật.
Cho trẻ da tiếp da với mẹ
Phương pháp da tiếp da (ôm trẻ sơ sinh không mặc quần áo trên ngực hoặc trên bụng trần của người mẹ ngay sau sinh) mang đến nhiều lợi ích cho sức khỏe trẻ, trong đó có tăng cường sức đề kháng. Trong quá trình da tiếp da, bé có thể tiếp xúc với những lợi khuẩn từ mẹ, từ đó giúp hệ miễn dịch hoạt động tốt hơn.
Chơi đùa ngoài trời
Bố mẹ không nên quá bao bọc trẻ, cần khuyến khích bé khám phá thế giới bên ngoài. Khi vui chơi ngoài trời, bé có thể tiếp xúc với nhiều loại vi khuẩn nhưng lại tạo điều kiện cho hệ miễn dịch được tập luyện và hoàn thiện hơn. Phụ huynh lưu ý rửa tay sạch sẽ cho con sau khi chơi, đi vệ sinh xong, trước bữa ăn.
Hệ miễn dịch khỏe mạnh hỗ trợ bé phát triển tốt hơn về thể chất, trí tuệ, ít bệnh tật. Ảnh: Shutterstock.
Cho trẻ bú sữa mẹ
Trẻ bú mẹ có sức đề kháng tốt vì trong sữa mẹ có nguồn dinh dưỡng dồi dào như protein, chất béo, carbohydrate, vitamin, khoáng chất... Sữa mẹ còn có một dưỡng chất HMO (Human Milk Oligosaccharides) hỗ trợ bảo vệ hệ miễn dịch cho trẻ.
HMO là dưỡng chất nhiều thứ 3 trong sữa mẹ, chỉ sau chất béo và carbohydrate. Đây là thức ăn nuôi dưỡng các vi khuẩn có lợi trong đường ruột, nơi chứa đến 70% hệ miễn dịch của trẻ. Ngoài vai trò chính là thức ăn cho lợi khuẩn, HMO còn đóng vai trò như mồi nhử cho các tác nhân gây bệnh bám vào, ngăn các tác nhân gây bệnh bám trực tiếp vào các thụ thể tế bào. Nhờ đó, trẻ tránh được nguy cơ nhiễm trùng, dẫn đến nhiều bệnh tật. Dưỡng chất này cũng được hấp thu vào máu nên có có thể hỗ trợ hệ miễn dịch ngoài đường ruột.
Hiểu được 3 vai trò này, các chuyên gia khuyên mẹ nỗ lực duy trì nguồn sữa mẹ trong những năm tháng đầu đời để bổ sung HMO đầy đủ cho bé. Trong trường hợp, trẻ không được bú mẹ để hấp thu dưỡng chất này, mẹ có thể chọn sản phẩm dinh dưỡng có chứa HMO.
Cho trẻ ăn nhiều rau quả, trái cây, uống sữa góp phần tăng cường sức đề kháng. Ảnh: Shutterstock.
Ăn nhiều loại trái cây, rau củ
Ngoài sữa có chứa dưỡng chất HMO, bổ sung lợi khuẩn qua thực phẩm góp phần tăng cường hệ miễn dịch, hỗ trợ quá trình tiêu hóa, phòng ngừa rối loạn tiêu hóa. Khi con bắt đầu ăn dặm, mẹ cho bé ăn nhiều trái cây, rau củ và ngũ cốc. Chuối và măng tây là rau củ tự nhiên giàu lợi khuẩn, góp phần tăng cường sức đề kháng của trẻ. Thực phẩm nhiều vitamin C như cam, quýt, sơ ri, nho, bưởi, táo tây, kiwi, chuối... có tác dụng ngăn ngừa sự xâm nhập của virus, nâng cao khả năng diệt khuẩn của các tế bào.
(Nguồn: baoquangninh.com.vn)