CHUYÊN NGHIỆP - TRÁCH NHIỆM - NĂNG ĐỘNG - MINH BẠCH - HIỆU QUẢ !
Sức khỏe người cao tuổi 01:42 14/06/2017 (2323)

Lưu ý khi dùng thuốc bổ cho người cao tuổi

Đối với người cao tuổi, do già yếu nên lục phủ, ngũ tạng sau nhiều năm hoạt động đã suy kém, ăn uống hấp thụ kém, dẫn đến khí huyết hư suy, âm dương mất cân bằng nên thường mệt mỏi, cần được bồi bổ cả về ăn, uống và thuốc men.

 Đối với người cao tuổi, dùng Đông dược để bồi bổ là tốt, tuy nhiên để dùng thuốc cho đúng, cần xem người cao tuổi cơ địa thuộc thể loại nào: hàn, nhiệt, hay trung tính (không hàn cũng không nhiệt).

Nếu cơ địa thuộc hàn thì bài thuốc bổ phải cho những vị thuốc ôn, không cho thuốc nhiệt, nếu cho thuốc nóng quá thì cơ thể của người cao tuổi yếu, không chịu được thuốc có khi gây ra phản ứng không tốt.

Nếu cơ địa nhiệt thì phải cho thuốc lương, không cho thuốc hàn, nếu cơ thể trung bình thì cho các vị thuốc vừa ôn vừa lương, để cân bằng âm dương. Nhưng một điều tối quan trọng là phải xem người cao tuổi hư yếu ở tạng phủ nào, nếu chỉ cho một bài thuốc bổ chung chung thì không có tác dụng. Dù bài thuốc bổ thuộc loại nào thì trong bài dùng cho người cao tuổi nhất thiết phải có những vị bổ khí và bổ huyết, nếu khí huyết được tăng cường thì sức khỏe mới tốt lên được.

Dù Đông hay Tây y cũng phải qua thầy thuốc khám bệnh chẩn đoán rồi mới cho thuốc thì mới đúng bệnh. Ảnh: TM

Như vậy, người thuộc thể nhiệt thì không nên dùng các loại rượu bổ làm huyết nhiệt, gan nóng dẫn đến tăng huyết áp, gan bốc hỏa sinh chứng choáng váng đau đầu, mất ngủ. Còn người có cơ địa hàn hay thuộc loại trung bình thì dùng rượu thuốc tốt. Nhưng đã dùng rượu thuốc thì phải dùng vào bữa ăn tối mới có kết quả. Mặt khác, nếu để bồi bổ, ăn uống chưa đạt yêu cầu thì mới dùng thuốc. Trong các loại thuốc bổ Đông y thì thuốc sắc có hiệu quả nhanh và bền, không có phản ứng phụ, nhưng người thầy thuốc phải tìm ra hư ở bộ phận nào trong cơ thể của bệnh nhân để bồi bổ cho đúng thì mới đạt kết quả.

Linh chi là một loại nấm đặc biệt có tác dụng giải độc gan và thận nên người cao tuổi dùng tốt, có thể pha trà uống hằng ngày để giải độc gan, thận. Trong Đông y ít dùng linh chi để chữa bệnh. Những người nói dùng linh chi để chữa được bệnh này bệnh nọ là không đúng. Có người bảo rằng dùng linh chi để chữa ung thư là hoang đường. Có lẽ họ nhầm danh từ ung thư trong Đông y là mụn nhọt, vì mụn nhọt là do độc trong người phát ra nên dùng linh chi để giải độc trừ mụn nhọt là đúng. Còn ung thư trong Đông y gọi là “nham”. Chứng nham thì Đông y điều trị chưa có kết quả.

Trong Đông y, nhân sâm đi vào được 12 kinh lạc, do đó có tác dụng chữa bệnh ở các tạng phủ và cũng đồng thời bồi bổ khí huyết. Nhân sâm có tác dụng đại bổ nguyên khí, sinh ra tân dịch để sinh ra huyết, nên người cao tuổi dùng nhân sâm để bồi bổ sức khỏe là phù hợp. Tuy nhiên, phải biết cách dùng mới có hiệu quả.

Những người không dùng được nhân sâm

Người tăng huyết áp do khí vượng, cường độ lưu thông huyết cao nên dùng nhân sâm làm huyết áp càng cao. Người đang bị các bệnh thuộc thực chứng như cảm mạo, người đang bị cơn hen suyễn thuộc thể hen nhiệt, không được dùng nhân sâm.

Mặt khác, theo Đông y mỗi người có cấu trúc âm dương khác nhau, nên tuy là mắc cùng một loại bệnh nhưng mỗi người có triệu chứng khác nhau và mạch tượng cũng có chỗ khác nhau, nguyên nhân dẫn đến cũng khác nhau. Cũng cảm phong hàn nhưng người có tạng nhiệt bệnh sẽ nhẹ hơn là người tạng hàn... Do vậy, dù Đông y hay Tây y cũng phải qua thầy thuốc khám bệnh chẩn đoán rồi mới cho thuốc thì mới đúng bệnh. Trong Đông y có một số thầy thuốc nghe người nhà đến kể bệnh rồi cho thuốc, không thăm khám bệnh nhân cũng là một sai lầm, vì có khi bệnh một đường nhưng triệu chứng một nẻo. Đông y phải căn cứ vào mạch, lưỡi để chẩn đoán mới chính xác, còn triệu chứng chỉ để tham khảo. Vì vậy, Đông y mới có quy trình khám bệnh là “vọng, văn, vấn, thiết” rồi mới “biện chứng, lập pháp, kê đơn, bốc thuốc”. Điều trị như vậy mới có hiệu quả, nếu không thì sẽ mắc sai lầm như nghe quảng cáo rồi mua thuốc về dùng, bệnh một đường dùng thuốc một nẻo, bệnh không những không lành mà có khi phản tác dụng.

(Nguồn: suckhoedoisong.vn)


Cùng chuyên mục