Đoàn giám sát của Đoàn ĐBQH tỉnh Hà Tĩnh khẳng định, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh đã có những đóng góp to lớn trong công tác phòng, chống dịch COVID-19. Đồng thời, đoàn cũng tiếp thu các kiến nghị, đề xuất của trung tâm để báo cáo với Quốc hội và gửi đến tỉnh.
Sáng nay (20/12), Đoàn giám sát của Đoàn ĐBQH tỉnh Hà Tĩnh tổ chức khảo sát, làm việc với Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh (CDC) về việc huy động, quản lý, sử dụng các nguồn lực phục vụ công tác phòng, chống dịch COVID-19 từ ngày 1/1/2020 - 31/12/2022; việc thực hiện chính sách, pháp luật về y tế cơ sở, y tế dự phòng từ ngày 1/1/2018 - 31/12/2022.
Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Trần Đình Gia, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Trần Văn Kỳ, Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Nguyễn Chí Thanh chủ trì buổi làm việc.
Chủ trì điều hành buổi giám sát.
Từ khi dịch COVID-19 xuất hiện tại Việt Nam vào đầu năm 2020 và bùng phát tại Hà Tĩnh từ năm 2021, CDC Hà Tĩnh đã điều động 100% cán bộ, viên chức, người lao động tham gia chống dịch ở tất cả các khâu. Thực hiện nghiêm túc các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn của trung ương, của tỉnh về công tác phòng, chống dịch COVID-19, công tác y tế cơ sở, y tế dự phòng.
Về kinh phí phục vụ cho phòng, chống dịch COVID-19, từ 2021 đến nay, CDC Hà Tĩnh đã được ngân sách cấp 38,292 tỷ đồng, số kinh phí đã sử dụng là 19,848 tỷ đồng; 11,996 tỷ đồng từ nguồn cấp của Ủy ban MTTQ tỉnh, đơn vị đã sử dụng 10,218 tỷ đồng.
Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Nguyễn Chí Thanh báo cáo các nội dung giám sát.
Thực hiện các văn bản hướng dẫn của Bộ Y tế, UBND tỉnh, Sở Y tế, CDC Hà Tĩnh đã tổ chức dịch vụ xét nghiệm COVID-19 theo đúng quy định. Tổng số tiền thu từ năm 2020 đến tháng 12/2022 là 47,698 tỷ đồng. Toàn bộ nguồn thu phí xét nghiệm COVID-19 được đơn vị sử dụng hoàn toàn cho công tác phòng, chống dịch COVID-19, bao gồm các nội dung như: mua vật tư, sinh phẩm xét nghiệm, chi công tác phí, phụ cấp cho cán bộ tham gia chống dịch.
Ngoài ra, trong công tác phòng, chống dịch từ 2020-2022, CDC Hà Tĩnh còn nhận được nguồn tài trợ từ các tổ chức, cá nhân gồm: tài trợ bằng tiền là 3,194 tỷ đồng, tài trợ hiện vật quy đổi tương đương tiền là 50,505 tỷ đồng. Đến nay, đơn vị đã sử dụng hết 3,035 tỷ đồng chi hỗ trợ trực tiếp cho cán bộ tham gia chống dịch và mua vật tư sinh phẩm xét nghiệm. Việc quản lý, tổ chức sử dụng vắc-xin đã được CDC Hà Tĩnh xây dựng kế hoạch và triển khai tiêm chủng theo đúng hướng dẫn của Bộ Y tế.
Nguyên Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Nguyễn Văn Sơn - thành viên đoàn: Hiện nay, đang còn một số hạn chế về quản lý, điều trị bệnh không lây nhiễm. Đề nghị CDC Hà Tĩnh cần trao đổi thêm các giải pháp nâng cao hiệu quả quản lý.
Việc thực hiện chính sách, pháp luật về y tế cơ sở, y tế dự phòng được quan tâm. Sau khi sáp nhập 6 đơn vị nhỏ để thành lập CDC Hà Tĩnh, đã tạo nhiều thuận lợi trong quản lý tập trung cũng như thực hiện chủ trương tinh giản biên chế của Nhà nước. Việc sáp nhập cũng hiệu quả do giảm được các đầu mối quản lý tại tỉnh, khắc phục vấn đề chồng chéo của mô hình cũ. Cơ chế tài chính cho hoạt động của y tế dự phòng được đảm bảo từ ngân sách cấp, nguồn thu dịch vụ khám chữa bệnh, dịch vụ y tế dự phòng và các nguồn thu hợp pháp khác.
Tại buổi làm việc, CDC Hà Tĩnh cũng kiến nghị một số nội dung như: quan tâm các cơ chế chính sách về việc phân bổ nguồn lực, ưu tiên đầu tư ngân sách địa phương cho hệ thống y tế dự phòng để thực hiện có hiệu quả hoạt động phòng, chống dịch bệnh, phòng chống bệnh không lây nhiễm và các hoạt động y tế - dân số.
Trưởng ban VH-XH (HĐND tỉnh) Đào Anh Nga bày tỏ băn khoăn, liệu sau sáp nhập bộ máy, trung tâm có vướng mắc, bất cập gì trong hoạt động hay không.
Tiếp tục quan tâm chế độ chính sách phụ cấp cho cán bộ y tế công tác lĩnh vực y tế dự phòng, tăng cường giám sát thực hiện các nghị quyết đã ban hành của HĐND trên lĩnh vực y tế, thu hút tuyển dụng nguồn nhân lực chất lượng cao. Nghiên cứu ban hành một số cơ chế chính sách phù hợp để thực hiện xã hội hóa một số hoạt động thuộc lĩnh vực y tế dự phòng. Quan tâm việc sắp xếp quản lý, chuyển các cơ sở Methadone tại địa bàn các huyện về trung tâm y tế huyện quản lý, vận hành để phù hợp với công tác tổ chức, quản lý nhân lực trên địa bàn…
Các đại biểu tham dự buổi giám sát.
Về phía đoàn giám sát, các thành viên cũng đã đề nghị CDC Hà Tĩnh làm rõ thêm một số nội dung về việc vay mượn vật tư y tế; lộ trình, giải pháp xây dựng trung tâm đạt chuẩn quốc gia; việc chi trả từ nguồn thu dịch vụ xét nghiệm COVID-19; kết quả khắc phục sau kết luận thanh tra; hướng xử lý các sinh phẩm đang tồn đọng; giải pháp nâng cao hiệu quả quản lý một số bệnh không lây nhiễm; vai trò trong công tác tham mưu quản lý tiêm chủng tư nhân; vai trò của trung tâm trong công tác chỉ đạo đối với hệ thống y tế dự phòng cơ sở; những bất cập, vướng mắc sau sáp nhập, sắp xếp bộ máy...
Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Trần Đình Gia phát biểu kết luận.
Kết luận buổi làm việc, Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Trần Đình Gia khẳng định, cùng với hệ thống chính trị tỉnh nhà, CDC Hà Tĩnh đã có những đóng góp rất to lớn trong công tác phòng, chống dịch COVID-19. Việc huy động, quản lý, sử dụng các nguồn lực phục vụ công tác phòng, chống dịch COVID-19 về cơ bản là không có những sai phạm nghiêm trọng.
Về hệ thống y tế dự phòng và y tế cơ sở, thực tiễn hiện nay đang còn nhiều vướng mắc cần được tháo gỡ như: công tác khám, chữa bệnh, giá dịch vụ... Đơn vị phải tiếp tục có sự tham mưu cho ngành và tỉnh để nâng cao hiệu quả công tác chăm sóc, bảo vệ sức khỏe cho Nhân dân.
Thay mặt đoàn giám sát, Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Trần Đình Gia cũng tiếp thu các kiến nghị của trung tâm liên quan đến cơ chế, chính sách để tổng hợp, báo cáo với Quốc hội và gửi đến HĐND, UBND tỉnh.
Nhật Thắng