Cán bộ y tế tiến hành giám sát mật độ muỗi và lăng quăng tại xã Thạch Trung (TP Hà Tĩnh).
Tháng 7/2022, Hà Tĩnh phát hiện ổ dịch sốt xuất huyết (SXH) đầu tiên tại xã Hộ Độ (huyện Lộc Hà). Ngay khi phát hiện các ca bệnh, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Tĩnh (CDC) đã có mặt kịp thời, phối hợp cùng lực lượng y tế cơ sở xác minh, giám sát ca bệnh, điều tra dịch tễ, tìm hiểu nguồn lây bệnh, tổ chức lấy mẫu xét nghiệm, khử khuẩn toàn bộ khu vực có nguy cơ, triển khai những biện pháp hữu hiệu nhất nhằm khống chế dịch bệnh kịp thời, không để lây lan ra cộng đồng.
Mặc dù triển khai kịp thời các giải pháp phòng, chống dịch song do tình hình dịch SXH trên địa bàn cả nước diễn biến rất phức tạp, số ca bệnh tử vong tăng cao, một bộ phận người dân còn chủ quan, lơ là nên số ca mắc SXH trên địa bàn tỉnh vẫn gia tăng nhanh.
Đến nay, toàn tỉnh đã ghi nhận 991 ca (trong đó, 223 ca vãng lai, 768 ca mắc tại chỗ) với tổng số 23 ổ dịch tại 7 huyện, thị xã. Theo đánh giá của ngành y tế, dịch đến sớm hơn so với cùng kỳ năm 2021.
Bác sỹ Võ Văn Phong - Giám đốc Trung tâm Y tế thị xã Kỳ Anh cho biết: “Trong năm vừa qua, tình hình dịch SXH trên địa bàn diễn biến phức tạp hơn so với những năm trước khi xuất hiện các ổ dịch tại xã Kỳ Lợi, phường Kỳ Phương với hàng trăm ca mắc. Ngoài các yếu tố khách quan thì nguyên nhân vẫn là do ý thức chủ quan của người dân trong công tác phòng, chống dịch. Tuy vậy, nhờ sự chỉ đạo, hỗ trợ thường xuyên, quyết liệt của CDC Hà Tĩnh, sự vào cuộc kịp thời của hệ thống y tế cơ sở và các đoàn thể chính trị tại các địa phương nên các ổ dịch được sớm dập tắt, không để xảy ra các trường hợp biến chứng nặng, lây lan rộng”.
Năng lực xét nghiệm của CDC Hà Tĩnh ngày càng được nâng cao.
Để chủ động phòng, chống dịch SXH, ngay từ đầu mùa dịch, CDC Hà Tĩnh đã đẩy mạnh truyền thông phòng, chống dịch bệnh và công tác giám sát dịch, định kỳ giám sát véc-tơ tại thôn, xã trọng điểm. Đặc biệt, công tác đào tạo, tập huấn cho đội ngũ cán bộ làm công tác phòng, chống dịch từ tỉnh đến cơ sở được triển khai sớm.
Cùng với SXH, năm 2022, Hà Tĩnh còn xuất hiện nhiều bệnh truyền nhiễm khác như: tay chân miệng, quai bị, thủy đậu, lỵ trực trùng, tiêu chảy, cúm mùa... Tuy nhiên, nhờ hệ thống y tế dự phòng từ tỉnh đến cơ sở chủ động vào cuộc từ ngay khi xuất hiện các ca bệnh nên không hình thành các ổ dịch lớn và không để lây lan rộng trong cộng đồng.
CDC Hà Tĩnh thăm hỏi, tặng quà cho một bệnh nhân mắc bệnh phong tại huyện Lộc Hà.
Song song với các giải pháp phòng, chống dịch, hệ thống y tế dự phòng đã tập trung cao cho việc triển khai chương trình tiêm chủng. Đây được coi là giải pháp căn cơ, bền vững trong phòng, chống với các loại dịch bệnh.
Thực tiễn cho thấy, đến nay, Hà Tĩnh kiểm soát hiệu quả dịch bệnh COVID-19 chính là nhờ triển khai hiệu quả việc tiêm chủng vắc-xin phòng bệnh cho người dân. Đến nay, toàn tỉnh có 100% người từ 18 tuổi trở lên đã hoàn thành tiêm các mũi 1, mũi 2 và 91,78% tiêm mũi 3; 100% người từ 12 đến dưới 18 tuổi đã hoàn thành tiêm mũi 1, mũi 2 và 80,14% đã tiêm mũi 3; 100% trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi hoàn thành tiêm mũi 1 và 78,04% đã tiêm 2 mũi.
Lãnh đạo CDC Hà Tĩnh kiểm tra công tác bảo quản vắc-xin trước khi tiêm phòng cho người dân.
Cùng đó, chương trình tiêm chủng mở rộng được triển khai tại 100% xã, phường, thị trấn đảm bảo an toàn, không có tai biến nào xảy ra. Đến nay, Hà Tĩnh đã tiêm chủng đầy đủ cho trẻ dưới 1 tuổi, đạt tỷ lệ trên 90%; tiêm viêm gan B sơ sinh trước 24 giờ đạt trên 80%, tiêm viêm não Nhật Bản M3 cho trẻ đạt trên 90%...
Tiếp tục phát huy những kết quả đạt được, thời gian tới, để thực hiện tốt công tác y tế dự phòng, ứng phó với mô hình bệnh tật thay đổi, gánh nặng của bệnh tật kép của bệnh lây nhiễm và bệnh không lây nhiễm, hệ thống y tế dự phòng Hà Tĩnh cần có những đáp ứng, thay đổi phù hợp. Từ đó, góp phần nâng cao sức khỏe cho Nhân dân trong tình hình mới.
Nhiệm vụ quan trọng nhất hiện nay là tăng cường công tác truyền thông, vận động và nâng cao nhận thức cho người dân về các dịch bệnh. Đồng thời, xây dựng và tạo thói quen cho hệ thống y tế cơ sở, cấp ủy, chính quyền các cấp chủ động các biện pháp ứng phó, phòng, chống dịch kịp thời và có kế hoạch cho các tình huống dịch bệnh cụ thể.
Ngoài ra, trước yêu cầu ngày càng cao trong công tác chăm sóc sức khỏe thì vấn đề cấp bách là việc đầu tư nguồn lực để tăng cường cơ sở vật chất, hạ tầng; hiện đại hóa các trang thiết bị; bảo đảm nguồn kinh phí, nhân lực cho hệ thống y tế dự phòng từ tỉnh đến cơ sở thực hiện nhiệm vụ.
Thạc sỹ Nguyễn Chí Thanh - Giám đốc CDC Hà Tĩnh
Nhật Thắng