Đắk Lắk ghi nhận trẻ 2 tuổi mắc viêm não Nhật Bản
Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) tỉnh Đắk Lắk thông tin, trên địa bàn vừa ghi nhận trường hợp thứ 3 mắc viêm não Nhật Bản tại huyện M'Đrắk.
Bệnh nhi tên là H.H.K (nữ, 2 tuổi, trú tại Buôn Năng, xã Cư Prao, huyện M'Đrắk, tỉnh Đắk Lắk). Theo người nhà bệnh nhi, ngày 12/07, bé xuất hiện triệu chứng sốt cao kèm đau đầu, mệt mỏi.
Ngày 13/07, người nhà đưa bé đi khám tại phòng khám tư nhân uống thuốc nhưng không đỡ sốt. Ngày 14/07, bé lại được đưa tới BVĐK khu vực 333 huyện Ea Kar khám.
Tại đây bệnh nhi sốt cao kèm co giật, toàn thân tri giác xấu dần được chẩn đoán viêm màng não. Cùng ngày bệnh nhi được chuyển lên BVĐK vùng Tây Nguyên. Bệnh nhi được điều trị tại đây từ ngày 14/7 đến ngày 19/7 với chẩn đoán viêm màng não kém đáp ứng điều trị, dị ứng Vancomycin.
Ngày 19/07, bệnh nhi được chuyển đến BV Chợ Rẫy điều trị đến ngày 26/7 với chẩn đoán viêm não Nhật Bản. Sau đó, bệnh nhi được chuyển về BVĐK vùng Tây Nguyên tiếp tục điều trị.
Ngay sau khi ghi nhận trường hợp bệnh nhi mắc viêm não Nhật Bản, Trung trâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Đắk Lắk đã nhanh chóng phối hợp với Trung tâm Y tế huyện M'Đrắk và Trạm Y tế xã Cư Prao triển khai điều tra, giám sát và thực hiện các biện pháp xử lý môi trường phòng bệnh tại nơi bệnh nhi sinh sống.
BS Trần Kim Long – Phụ trách Khoa Phòng chống bệnh Truyền Nhiễm, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Đắk Lắk cho biết: Tại khu vực bệnh nhi sinh sống vệ sinh môi trường chưa đảm bảo. Người dân còn nuôi bò, heo ngay trong khu vực nhà ở.
Điều tra vec tơ gây bệnh ghi nhận có muỗi, lăng quăng, bọ gậy. Hiện lực lượng chức năng đã tiến hành phun hóa chất xử lý và vệ sinh môi trường cho hơn 40 hộ gia đình xung quanh khu vực gia đình bệnh nhi.
Về tỷ lệ tiêm chủng vaccine phòng bệnh viêm não Nhật Bản, tại xã Cư Prao có 424 trẻ dưới 5 tuổi, hầu hết các trẻ đã được tiêm mũi 1, mũi 2 và mũi 3 vaccine phòng bệnh. Riêng tại buôn Năng, có 80 trẻ dưới 5 tuổi và đều đã được tiêm vaccine phòng bệnh viêm não Nhật Bản.
BS Trần Kim Long – Phụ trách Khoa Phòng chống bệnh Truyền Nhiễm Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Đắk Lắk:
Để phòng bệnh viêm não Nhật Bản, nhất là tại thời điểm hiện nay khi thời tiết đang vào mùa mưa, thuận lợi cho muỗi gây bệnh phát triển, bên cạnh việc tiêm vaccine đúng lịch cho trẻ, người dân cần nghiêm túc thực hiện các biện pháp phòng bệnh.
Sáng 1/8, CDC cùng cán bộ y tế sẽ tiếp tục tiến hành phun hóa chất diệt muỗi tại địa phương để phòng bệnh (Theo Báo suckhoedoisong.vn).
Bộ Y tế đã tìm được nguồn cung thuốc điều trị bệnh tay chân miệng
Ngày 31-7, Cục Quản lý dược (Bộ Y tế) cho biết sẽ có thêm 3.000 chai dịch truyền Globulin miễn dịch, 21.000 ống thuốc điều trị bệnh tay chân miệng về Việt Nam trong thời gian tới.
Cục Quản lý dược cho hay hiện nay thuốc điều trị bệnh tay chân miệng đã xác định được nguồn cung ứng, đảm bảo nhu cầu điều trị bệnh đang có diễn biến theo chiều hướng gia tăng trong thời gian gần đây.
Cục Quản lý dược cho biết dự kiến trong tuần này, Công ty cổ phần Dược phẩm Trung ương CPC1 sẽ nhập khẩu thêm 3.000 chai dịch truyền Globulin miễn dịch trên tổng số 15.000 chai đã được cấp phép nhập khẩu. Hiện việc nhập khẩu đã sẵn sàng, chỉ phụ thuộc vào việc sắp xếp chuyến bay trong thời gian sớm nhất có thể.
Đối với thuốc tiêm chứa hoạt chất Phenobarbital, Cục Quản lý dược đã cấp giấy phép nhập khẩu cho Công ty cổ phần Dược phẩm Trung ương CPC1 và hiện công ty đã nhập khẩu thuốc về Việt Nam với số lượng 21.000 ống.
Trước đó, vào tháng 6, Công ty TNHH thương mại dược phẩm Duy Anh nhập khẩu 6.000 chai dịch truyền Globulin miễn dịch.
Cục Quản lý dược yêu cầu các cơ sở khám chữa bệnh khẩn trương liên hệ với các doanh nghiệp kinh doanh dược để kịp thời cung ứng thuốc trên cho nhu cầu điều trị.
Cục Quản lý dược cũng cho hay việc xây dựng kế hoạch, dự trù và đặt hàng của các cơ sở khám chữa bệnh là yếu tố quan trọng nhất trong việc đảm bảo nguồn cung về thuốc, do đó các cơ sở khám chữa bệnh cần tăng cường trách nhiệm trong việc đảm bảo cung ứng thuốc, xây dựng nhu cầu thuốc trong thời gian tới.
Đặc biệt đối với các thuốc hiếm, không sẵn có, cung cấp thông tin để các doanh nghiệp kinh doanh dược chủ động trong việc tìm kiếm nguồn cung, xây dựng kế hoạch cung ứng thuốc. (Theo báo tuoitre.vn).
Phẫu thuật lấy toàn bộ khối u sọ hầu hiếm gặp cho người bệnh
Khối u sọ hầu chèn ép dây thần kinh thị giác hiếm gặp ở bệnh nhân 50 tuổi được ê-kíp bác sĩ phẫu thuật lấy trọn vẹn dưới sự hỗ trợ của kính vi phẫu giúp phóng đại vị trí khối u lên 25 lần.
Ngày 31/7, ThS.BS.CKII. Đỗ Anh Vũ, khoa Ngoại thần kinh - Cột sống, Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Nam Sài Gòn (TPHCM), cho biết, vừa qua, các bác sĩ của khoa đã phẫu thuật thành công lấy toàn bộ khối u sọ hầu hiếm gặp cho bệnh nhân T.K.T. (50 tuổi).
Theo đó, vào 15 ngày trước, anh T. đến khám bệnh trong tình trạng đau đầu, 2 mắt mờ dần. Nghi ngờ dây thần kinh thị giác bị tổn thương, người bệnh đã được chỉ định chụp cộng hưởng từ (MRI) não - mạch máu não. Kết quả chẩn đoán u sọ hầu chèn ép dây thần kinh thị giác.
Đánh giá diễn biến bệnh khiến bệnh nhân có khả năng mất dần thị giác dẫn đến mù lòa, các bác sĩ đã quyết định phẫu thuật lấy khối u cho người bệnh. Sau ca phẫu thuật kéo dài 5 tiếng, dưới sự hỗ trợ của kính vi phẫu giúp phóng đại vị trí khối u lên 25 lần, ê-kíp phẫu thuật đã lấy trọn vẹn khối u sọ hầu gồm phần đặc và phần nang cho người bệnh.
7 ngày sau phẫu thuật, người bệnh được xuất viện trong tình trạng sức khỏe ổn định, đã hết đau đầu, thị giác được cải thiện. Người bệnh quay trở lại tái khám 1 tuần sau khi xuất viện với sức khỏe hồi phục hoàn toàn.
ThS.BS.CKII. Đỗ Anh Vũ cho hay, u sọ hầu là một loại u khá hiếm gặp ở não với tỷ lệ 5% - 10% u não ở trẻ em và 1% - 4% u não ở người lớn; thường gặp nhất ở những người từ 50 đến 70 tuổi. Khối u sọ hầu nằm ở vị trí có nhiều cấu trúc quan trọng của não nên có thể gây ra các triệu chứng, di chứng nặng nề cho người bệnh nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời.
Phẫu thuật u sọ hầu là loại phẫu thuật rất khó, hiện nay tại Việt Nam các ca phẫu thuật lấy khối u sọ hầu thường được thực hiện qua đường mở nắp sọ ở các bệnh viện tuyến đầu và một số ít các bệnh viện khác. Để có thể phẫu thuật, yêu cầu phải có đầy đủ trang thiết bị hỗ trợ và được thực hiện bởi các bác sĩ Ngoại thần kinh dày dặn kinh nghiệm.
Theo bác sĩ, đau đầu, mất ngủ, rối loạn thăng bằng, mờ mắt, sụp mi… là những dấu hiệu cho thấy những bất thường ở thần kinh - sọ não, đôi khi bệnh diễn tiến rất nhanh gây nên những biến chứng nguy hiểm cho người bệnh. Do đó, người bệnh cần đến các cơ sở y tế thăm khám ngay khi xuất hiện những dấu hiệu bất thường về sức khỏe. (Theo báo phunuvietnnam.vn).
Nhiều người mắc viêm gan B chưa được phát hiện
Việt Nam hiện có khoảng 10 triệu người nhiễm virus viêm gan B và gần 1 triệu người nhiễm virus viêm gan C. Tuy nhiên, tỉ lệ người bệnh được phát hiện và quản lí còn rất hạn chế.
PGS.TS Đỗ Duy Cường, Giám đốc Trung tâm Bệnh nhiệt đới (Bệnh viện Bạch Mai) nhận định, nếu không được kiểm soát tốt, nhiều người trong số đó sẽ tiến triển thành xơ gan hoặc ung thư gan.
Hằng ngày, Trung tâm Bệnh nhiệt đới ghi nhận nhiều bệnh nhân đến khám và nhập viện nhưng không biết mình bị nhiễm virus viêm gan B, C vì đa số có triệu chứng âm thầm, kín đáo. Nhiều trường hợp đến bệnh viện đã có biến chứng xơ gan thậm chí ung thư gan. Có một thực tế, nhiều bệnh nhân viêm gan hiện nay đều được phát hiện, quản lí và theo dõi định kì tại phòng khám chuyên khoa hoặc được uống thuốc theo chương trình bảo hiểm y tế nhưng một số bệnh nhân sau một thời gian uống thuốc thấy đỡ đã tự ý bỏ thuốc dẫn đến những biến chứng nguy hiểm như suy gan cấp, xơ gan mất bù, ung thư gan,...
Điển hình là bệnh nhân Nguyễn Văn K. (64 tuổi, Hà Nam) vào viện ngày 21/7 với triệu chứng chán ăn, mệt mỏi, vàng da. Bệnh nhân phát hiện xơ gan - viêm gan mạn cách đây 1 năm, điều trị thuốc kháng virus tại tuyến tỉnh thấy có đỡ, tuy nhiên sau đó bệnh nhân bỏ thuốc 6 tháng nay. Theo lời kể của người nhà, 1 tuần nay bệnh nhân mệt mỏi, ăn ngủ kém, đầy bụng. Bệnh nhân đang điều trị tiểu đường nên vào Bệnh viện Nội tiết khám, xét nghiệm thấy men gan tăng cao nên được chuyển đến Trung tâm Bệnh nhiệt đới (Bệnh viện Bạch Mai). Bệnh nhân được chẩn đoán viêm gan mạn, biến chứng xơ gan, suy gan, tiên lượng bệnh rất khó khăn.
Trường hợp thứ 2 là bệnh nhân Nguyễn Phương N. (47 tuổi, Yên Bái) phát hiện viêm gan B từ 4 năm trước, điều trị thuốc kháng virus nhưng đã tự ý bỏ thuốc 2 tháng nay. Trước khi nhập viện 1 tháng, bệnh nhân xuất hiện mệt mỏi, chán ăn, cảm giác đầy bụng, vàng da vàng mắt. Tại Trung tâm Bệnh nhiệt đới, bệnh nhân được chẩn đoán xơ gan, men gan cao, suy gan và có chỉ định lọc máu.
PGS.TS Đỗ Duy Cường cho biết: “Điều trị viêm gan B là điều trị suốt đời nên bệnh nhân cần được theo dõi, quản lí chặt chẽ bởi bác sĩ chuyên khoa. Nếu ngừng thuốc, bỏ thuốc thì virus sẽ bùng lên dẫn tới suy gan cấp. Rất nhiều bệnh nhân đến Trung tâm do bỏ thuốc, không tuân thủ điều trị với các triệu chứng vàng da, vàng mắt, biểu hiện xơ gan, men gan cao và suy gan”.
Bác sĩ Cường khuyến cáo: “Phụ nữ trước khi kết hôn hoặc khi có thai nên được sàng lọc xem có bị nhiễm virus viêm gan B hay không để theo dõi, quản lí và điều trị dự phòng lây truyền mẹ sang con. Hiện nay tỉ lệ lây nhiễm viêm gan B từ mẹ sang con vẫn rất lớn, đa số là do phụ nữ có thai không được sàng lọc viêm gan B và khi trẻ sinh ra không được tiêm kháng huyết thanh và vắc xin viêm gan B. Hậu quả là trẻ sẽ bị nhiễm virus từ lúc còn nhỏ để lại gánh nặng bệnh tật rất lớn sau này”.
Theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới và Bộ Y tế, tiêm vắc xin phòng viêm gan B là biện pháp phòng bệnh hiệu quả và nên tiêm càng sớm càng tốt. Cần tiêm cho tất cả trẻ em trong vòng 24h sau sinh và các mũi tiếp theo lúc 2, 3 và 4 tháng tuổi theo chương trình tiêm chủng mở rộng. Nếu nồng độ kháng thể trong máu thấp, nhỏ hơn 10 đơn vị quốc tế/ml) cần tiêm đủ 3 mũi, trong 3 tháng, sau đó nhắc lại. (Theo báo tienphong.vn).
Đồng Nai: Một người đàn ông tử vong sau 4 tháng bị chó dại cắn
Chiều 31/7, theo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Đồng Nai, trên địa bàn vừa ghi nhận thêm 1 trường hợp tử vong do bệnh dại.
Đó là anh H.Q.P (34 tuổi, ngụ ở thị trấn Dầu Giây, huyện Thống Nhất). Đây là ca tử vong thứ 2 do bệnh dại từ đầu năm đến nay trên địa bàn tỉnh Đồng Nai.
Khoảng 4 tháng trước, anh P bị một con chó không biết của nhà ai xông ra cắn vào cổ tay phải, vết thương nông, chảy máu ít. Mẹ anh P. khuyên anh đi tiêm ngừa nhưng anh này không đi vì lý do không có tiền và đang thất nghiệp.
Chiều ngày 27/7, sau khi đi làm về thì vợ anh P. phát hiện anh này có biểu hiện sợ nước, sợ gió... nên đưa đi cấp cứu tại Bệnh viện Đa khoa khu vực Long Khánh và được chẩn đoán mắc bệnh dại. Bệnh nhân được chuyển lên Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai rồi chuyển đến Bệnh viện Chợ Rẫy. Đến khuya ngày 29/7, bệnh nhân tử vong và được người thân đưa về nhà.
Lực lượng chức năng sau đó đã tiến hành điều tra dịch tễ quanh khu vực anh P. sinh sống, nhận định các hộ gia đình trong vùng nuôi khá nhiều chó và chưa được kiểm soát (thả rông, không rọ mõm). Riêng vợ, con anh P. đã được vận động đi tiêm vắc-xin phòng dại.
Trước đó, ngày 14/7, T.V.P (35 tuổi, ngụ tại xã Sông Trầu, huyện Trảng Bom) bị chó dại cắn và 6 tháng sau có các biểu hiện bệnh dại như chán ăn, nôn ói, đau cơ, sợ nước, sợ gió, sợ ánh sáng, tức ngực khó thở và đã tử vong.
Đến ngày 25/7, tại ấp Bàu Bông (xã Phước An, huyện Nhơn Trạch) cũng xảy ra vụ việc một chó hoang cắn 5 người dân. Lực lượng thú y đã tiến hành lấy mẫu gửi Trung tâm chẩn đoán, xét nghiệm động vật để tiến hành xét nghiệm kết quả xác định có virus dại.
Trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh dại, Sở Y tế tỉnh Đồng Nai vừa có công văn khẩn đề nghị lãnh đạo các đơn vị có liên quan tăng cường giám sát chặt chẽ các trường hợp bị chó, mèo nghi dại cắn. Đẩy mạnh tuyên truyền và vận động người dân đến các cơ sở y tế để được khám, tư vấn, tiêm vaccine phòng dại kháng dại kịp thời. (Theo báo phapluat.vn)./.
Nhật Thắng tổng hợp