CHUYÊN NGHIỆP - TRÁCH NHIỆM - NĂNG ĐỘNG - MINH BẠCH - HIỆU QUẢ !
Y tế dự phòng 22:32 24/11/2022 (997)

Hội nghị trực tuyến tăng cường công tác phòng, chống dịch và công tác tiêm chủng phòng COVID-19

Chiều ngày 23/11/2022, Bộ Y tế phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức Hội nghị trực tuyến tăng cường công tác phòng, chống dịch và công tác tiêm chủng phòng COVID-19. Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Liên Hương và Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Ngô Thị Minh đồng chủ trì hội nghị. Lãnh đạo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Tĩnh chủ trì tại điểm cầu Sở Y tế.

                                                       Lãnh đạo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Tĩnh chủ trì tại điểm cầu Sở Y tế.

Phát biểu tại hội nghị, PGS.TS.Nguyễn Thị Liên Hương, Thứ trưởng Bộ Y tế cho biết, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng, Nhà nước, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ dịch COVID-19 cơ bản vẫn được kiểm soát tốt trên cả nước; đồng thời đã triển khai nhiều biện pháp quyết liệt để kiểm soát tình hình các dịch bệnh truyền nhiễm khác.

Về số tử vong, từ đầu năm 2022 đến nay, cả nước ghi nhận 10.775 ca tử vong (chiếm 25% tổng số tử vong đợt dịch thứ 4), trong đó riêng 3 tháng đầu năm 2022 ghi nhận 10.099 ca tử vong (chiếm 93,7% tổng số tử vong trong năm) với trung bình có 112 ca tử vong hàng ngày, tuy nhiên số tử vong đã giảm mạnh từ tháng 4 đến nay, hiện chỉ còn ghi nhận rải rác 1-2 ca tử vong mỗi ngày, nhất là có tuần không ca tử vong nào.

                                           PGS.TS.Nguyễn Thị Liên Hương, Thứ trưởng Bộ Y tế phát biểu chỉ đạo hội nghị

Với bệnh sốt xuất huyết, số mắc trên cả nước tiếp tục ghi nhận ở mức cao. Khu vực miền Bắc và miền Trung có xu hướng tăng cao, đặc biệt tại Hà Nội số mắc chưa có dấu hiệu giảm và đã có các trường hợp tử vong. Dự báo trong thời gian tới nguy cơ gia tăng số mắc và tử vong nếu không triển khai quyết liệt các biện pháp phòng, chống dịch tại cộng đồng.

Với bệnh đậu mùa khỉ, thế giới ghi nhận 80.221 ca mắc tại 110 quốc gia trong đó đã có 52 ca tử vong. Việt Nam đã ghi nhận 02 trường hợp mắc bệnh Đậu mùa khỉ tại Thành phố Hồ Chí Minh, đều là các trường hợp nhập cảnh từ nước ngoài về và đã được giám sát phát hiện và quản lý kịp thời ngay khi về nước.

                                                                               Các điểm cầu tham dự hội nghị

Với bệnh Whitmore, theo báo cáo của Bệnh viện Nhi Trung ương và của hệ thống giám sát bệnh truyền nhiễm đã nghi nhận một số trường hợp mắc bệnh Whitmore (tên gọi khác là bệnh Melioidosis) do vi khuẩn Burkholderia pseudomallei gây ra. Có 2 trường hợp điều trị tại Bệnh viện Nhi Trung ương là trẻ em sinh sống tại 2 huyện của tỉnh Thanh Hóa, 01 trường hợp đã tử vong; 03 trường hợp ghi nhận tại 3 huyện của tỉnh Đắc Lắc, có 1 trường hợp là trẻ em. Đây tuy là bệnh không thường gặp, không gây thành dịch, nhưng bệnh cảnh thường tiến triển nặng, có tỷ lệ tử vong cao, nhất là ở những đối tượng có nguy cơ.

Thứ trưởng Nguyễn Thị Liên Hương cũng đề nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo tiếp tục phối hợp tăng cường triển khai tiêm vắc xin phòng COVID-19 cho trẻ em mầm non, học sinh tại các cơ sở giáo dục và các dịch bệnh khác; đề nghị các đơn vị chuyên môn báo cáo về công tác phòng, chống dịch bệnh, tiến độ tiêm chủng vắc xin, nhất là công tác phối hợp triển khai tiêm chủng vắc xin phòng COVID-19 cho trẻ em mầm non, học sinh, khó khăn, thách thức và đề xuất các giải pháp kiểm soát dịch bệnh trong thời gian tới; trên cơ sở đó đề nghị các đồng chí tập trung thảo luận, chia sẻ ý kiến góp ý để hội nghị đạt mục tiêu đề ra.

                      Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Liên Hương và Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Ngô Thị Minh chủ trì hội nghị

Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Ngô Thị Minh cho biết việc đẩy mạnh tốc độ tiêm chủng vaccine COVID-19 cho trẻ em và học sinh là giải pháp căn cơ để duy trì thành quả phòng, chống dịch. Tuy nhiên, thời gian qua dịch cơ bản được khống chế, nhiều người có tâm lý chủ quan nên trì hoãn việc tiêm chủng. Hiện một số tỉnh/thành có tình trạng tiêm vaccine mũi 2 và mũi 3 còn chậm, chưa đạt 50% đối tượng có chỉ định. Để tăng cường triển khai tiêm vaccine phòng COVID19 cho trẻ từ 5 đến dưới 18 tuổi, liên Bộ Y tế và Giáo dục đào tạo vừa ban hành kế hoạch tăng cường triển khai tiêm vaccine COVID-19 cho trẻ em mầm non, học sinh trong các cơ sở giáo dục. Kế hoạch hướng đến mục tiêu tăng tỷ lệ bao phủ vaccine COVID-19 mũi 3 cho trẻ từ 12 đến dưới 18 tuổi và mũi 2 cho trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi nhằm tăng cường hiệu quả phòng bệnh. Theo kế hoạch, hai Bộ sẽ định kỳ ít nhất một lần/tuần thông tin cập nhật về tiến độ tiêm chủng, thông tin về các tỉnh thành tiêm chậm để chỉ đạo liên ngành.

Tại hội nghị, các đại biểu cũng được nghe các đơn vị chuyên môn báo cáo về công tác phòng, chống dịch bệnh, tiến độ tiêm chủng vaccine, công tác phối hợp triển khai tiêm chủng vaccine phòng COVID-19 cho trẻ em mầm non, học sinh, khó khăn, thách thức và đề xuất các giải pháp kiểm soát dịch bệnh trong thời gian tới.

                                                TS.Angela Pratt, Trưởng Đại diện WHO tại Việt Nam cho biết phát biểu

Trưởng Đại diện WHO tại Việt Nam cho biết, WHO đánh giá thế giới vẫn đang trong giai đoạn đại dịch và cảnh báo về những biến thể mới của SARS-CoV-2 có thể làm cho dịch COVID-19 trở nên phức tạp, nguy cơ gia tăng trở lại đồng thời khuyến cáo việc duy trì các biện pháp ứng phó, nhất là tiêm chủng vắc xin. 

Trưởng đại diện WHO tại Việt Nam cam kết sẽ tiếp tục đồng hành cùng Bộ Y tế và Bộ Giáo dục và Đào tạo trong công tác phòng, chống các dịch bệnh cũng như công tác tiêm chủng tại Việt Nam.

Nhật Thắng





Cùng chuyên mục

Bình Luận Mới

 Bình luận của bạn đã được gửi thành công. Cảm ơn bạn!   Làm mới
Lỗi: Vui lòng thử lại