CHUYÊN NGHIỆP - TRÁCH NHIỆM - NĂNG ĐỘNG - MINH BẠCH - HIỆU QUẢ !
Khám chữa bệnh 22:10 17/02/2023 (347)

Phát triển y tế cơ sở vì lợi ích của người dân Hà Tĩnh

Y tế cơ sở được xem là nền tảng, là “người gác cổng” trong công tác chăm sóc, bảo vệ sức khỏe Nhân dân. Thời gian qua, Hà Tĩnh đã chú trọng phát triển hệ thống y tế cơ sở, đáp ứng sự hài lòng, tin cậy của người dân.

                                              Nâng tầm chất lượng khám chữa bệnh

                                                                     Trung tâm Y tế Hương Sơn đầu tư hệ thống chụp CT.

Để nâng tầm vị thế, đáp ứng sự hài lòng của người bệnh, ngành Y tế Hà Tĩnh đã tập trung triển khai nhiều giải pháp nâng cao chất lượng khám chữa bệnh (KCB) tại tuyến y tế cơ sở, thu hút bệnh nhân đến KCB, giảm quá tải cho bệnh viện tuyến trên.

Hệ thống KCB tuyến huyện ở Hà Tĩnh gồm 6 bệnh viện đa khoa, 7 trung tâm y tế đa chức năng và Bệnh viện Đa khoa khu vực Cửa khẩu quốc tế Cầu Treo với tổng hơn 2.300 cán bộ, trong đó có 592 bác sĩ; số giường bệnh kế hoạch là 3.934.

Tất cả các đơn vị KCB tuyến huyện đã được đầu tư khá đồng bộ thiết bị phục vụ chẩn đoán, điều trị như: máy siêu âm 4D, 5D, X-quang kỹ thuật số, thiết bị phẫu thuật phaco, máy nội soi ngược dòng tán sỏi thận bằng laser; hệ thống phẫu thuật nội soi tiêu hóa; máy nội soi tai mũi họng; máy xét nghiệm, huyết học tự động, hệ thống máy tiệt khuẩn...

100% đơn vị KCB tuyến huyện đã triển khai thường quy phẫu thuật nội soi tiêu hóa, phẫu thuật phaco. Nhiều bệnh viện đã triển khai thành công các kỹ thuật tuyến trên như chụp CT-Scaner, nội soi, tán sỏi ngoài cơ thể, phẫu thuật kết hợp xương, tán sỏi niệu quản ngược dòng bằng laser; kỹ thuật tiêu sợi huyết, phẫu thuật kết hợp xương, phục hồi chức năng, xử lí một số bệnh lý cấp cứu tim mạch…

 Các chuyên gia Bệnh viện Nhi Trung ương trực tiếp chuyển giao, hướng dẫn các kỹ thuật cho các bác sỹ, kỹ thuật viên,                                         điều dưỡng Khoa Gây mê hồi sức Bệnh viện Đa khoa TP Hà Tĩnh vào 12/2022.

Bác sỹ Trần Nguyên Phú - Giám đốc Bệnh viện Đa khoa TP Hà Tĩnh chia sẻ: “Nhờ thực hiện tốt các chế độ, chính sách, ưu đãi cho công tác chăm sóc và bảo vệ sức khỏe Nhân dân tại tuyến y tế cơ sở nên công tác đào tạo, thu hút nhân tài và triển khai các dịch vụ kỹ thuật chuyên sâu tại đơn vị ngày càng phát triển. Riêng năm 2022, bệnh viện đã cử 6 bác sĩ đào tạo CKI, tuyển dụng thêm 15 bác sĩ, nâng tổng số bác sĩ lên 102 người (trong đó có 34 bác sĩ CKI); 2 bác sĩ CKII và 2 thạc sỹ. Bệnh viện hiện cũng đã thực hiện thành công nhiều kỹ thuật ngang tầm tuyến trên như: thay khớp háng ngoại khoa; tiêu sợi huyết; chụp cộng hưởng từ MRI. Chúng tôi cũng cấp cứu thành công nhiều ca bệnh nặng, đáp ứng sự hài lòng của Nhân dân”.

Lĩnh vực y học cổ truyền, phục hồi chức năng cũng được đầu tư nhiều thiết bị hiện đại đáp ứng yêu cầu phát triển chuyên môn kỹ thuật, góp phần nâng cao hiệu quả khám, chẩn đoán và điều trị.

Chất lượng cung cấp dịch vụ y tế công ngày càng được nâng cao đã giúp người dân tiếp cận với các dịch vụ y tế có chất lượng ngay tại tuyến huyện, giảm chi phí, giảm tải cho tuyến trên; trung bình công suất sử dụng giường bệnh của các bệnh viện tuyến huyện tăng từ 95% năm 2017 lên trên 120% năm 2022; ngày điều trị trung bình từ 9,63 ngày ở năm 2017 giảm xuống còn 6,4 ngày vào năm 2022. Chỉ số hài lòng người dân về cung cấp dịch vụ y tế đạt trên 95%; chỉ số PAPI của ngành Y tế Hà Tĩnh từ năm 2017 đến nay luôn được xếp vào nhóm 10 tỉnh/thành dẫn đầu của toàn quốc.

“Người gác cổng” chăm lo sức khỏe cho Nhân dân

Mạng lưới y tế xã, phường, thị trấn (gọi chung là y tế xã) là tuyến y tế cơ sở trực tiếp, gần dân nhất, vì thế được xem là “người gác cổng”, đảm bảo công tác chăm sóc và bảo vệ sức khỏe Nhân dân.

                                       Cán bộ trạm y tế Sơn Kim 1 (Hương Sơn) chăm sóc sức khỏe cho bệnh nhân.

Toàn tỉnh hiện có 216 trạm y tế xã, với trên 1.400 cán bộ, trong đó có 183 bác sĩ. Đội ngũ nhân viên y tế thôn, xóm 1.937 người. Đến nay, 100% trạm y tế xã được cài đặt và sử dụng phần mềm Hồ sơ sức khỏe điện tử, phần mềm quản lý KCB BHYT (tỷ lệ khám, tạo lập hồ sơ sức khỏe điện tử đạt 95%); 100% trạm y tế xã thực hiện hiệu quả mô hình quản lý, điều trị bệnh không lây nhiễm (đang quản lý, điều trị cho gần 27.000 bệnh nhân tăng huyết áp và gần 3.500 bệnh nhân đái tháo đường). Đến nay, toàn tỉnh có 215/216 (99,5%) trạm y tế đạt tiêu chí quốc gia về y tế xã.

Bác sĩ Hoàng Ái Quốc - Trưởng trạm y tế xã Sơn Kim I (Hương Sơn) chia sẻ: “Chất lượng KCB ngày càng được nâng lên, đáp ứng sự hài lòng của người dân; mỗi ngày trạm đón tiếp từ 20 đến 30 bệnh nhân đến KCB. Đơn vị cũng đang thực hiện tốt việc quản lý, điều trị cho 1.007 bệnh nhân bị bệnh không lây nhiễm; trong đó có 616 bệnh nhân tăng huyết áp, 164 bệnh nhân đái tháo đường”.


 Tích hợp thẻ BHYT cho bệnh nhân trên hệ thống phần mềm hồ sơ sức khoẻ điện tử tại Trạm y tế Cẩm Minh (Cẩm                                                                                       Xuyên).

Tuy vậy, y tế cơ sở vẫn còn một số khó khăn trong quá trình thực hiện nhiệm vụ chuyên môn. Theo đó, tại một số đơn vị tuyến huyện như: Vũ Quang, Hương Khê, Can Lộc… tỷ lệ thực hiện danh mục kỹ thuật theo phân tuyến còn thấp (dưới 70%); thiếu đội ngũ bác sĩ có chất lượng cao, chuyên môn sâu; cơ sở vật chất, hạ tầng chật chội, xuống cấp, trang thiết bị y tế phục vụ chẩn đoán, điều trị chưa đầy đủ, thường hư hỏng, quy trình sửa chữa chậm. Tuyến xã thực hiện danh mục kỹ thuật theo phân tuyến còn thấp (trung bình 50%); thuốc BHYT chưa đủ và chưa đa dạng; một số trạm y tế chưa có bác sĩ, cơ sở vật chất xuống cấp.

Bác sỹ Nguyễn Minh Đức - Giám đốc Sở Y tế Hà Tĩnh cho biết: “Để phát triển đồng bộ và đổi mới hệ thống y tế cơ sở, ngành Y tế sẽ tiếp tục chú trọng đào tạo, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ tuyến cơ sở, đặc biệt xây dựng và triển khai các đề án để nâng cao trình độ chuyên môn, phát triển các dịch vụ, kỹ thuật y tế. Mở rộng và triển khai có hiệu quả Đề án bệnh viện vệ tinh.

Thực hiện gắn kết chặt chẽ hoạt động của các trung tâm y tế huyện và các trạm y tế xã, đẩy mạnh hoạt động chỉ đạo tuyến nhằm phát triển chuyên môn kỹ thuật tại tuyến xã. Đổi mới nâng cao năng lực hoạt động của trạm y tế, đưa nguyên lý y học gia đình vào hoạt động tại trạm. Nâng cao hiệu quả hoạt động của mạng lưới y tế thôn, cộng tác viên dân số nhằm triển khai tốt các hoạt động về truyền thông giáo dục sức khỏe, an toàn thực phẩm, vệ sinh môi trường”.

Thanh Loan




Cùng chuyên mục

Bình Luận Mới

 Bình luận của bạn đã được gửi thành công. Cảm ơn bạn!   Làm mới
Lỗi: Vui lòng thử lại