Chỉ 1 giờ ngồi ôm máy điện thoại hay máy tính bảng cũng đủ làm trẻ mắc chứng lo âu hay trầm cảm. Những thiết bị điện tử này sẽ khiến trẻ ít tò mò, ít khả năng hoàn thành nhiệm vụ và làm giảm khả năng tự kiểm soát bản thân.
Mặc dù tuổi thiếu niên gặp nhiều nguy cơ nhất từ điện thoại thông minh, máy tính bảng nhưng trẻ dưới 10 tuổi và trẻ tuổi tập đi đang trong giai đoạn não bộ phát triển cũng bị ảnh hưởng.
Một nghiên cứu về trẻ em “zombie” ở Anh cho thấy chúng dành tới hơn 5 tiếng mỗi ngày cho các thiết bị điện tử.
Các nhà nghiên cứu đã phân tích dữ liệu của hơn 40.000 trẻ em Mỹ trong độ tuổi 2-17 tuổi trong cuộc khảo sát diễn ra năm 2016 với các câu hỏi về chăm sóc y tế, cảm xúc, hành vi và số lượng giờ nhìn vào màn hình.
Kết quả cho thấy những đứa trẻ tuổi vị thành niên dành hơn 7 tiếng mỗi ngày dán mắt vào màn hình bị lo âu hay trầm cảm cao gấp đôi so với trẻ chỉ dành 1 tiếng cho các thiết bị này.
Nghiên cứu cũng chỉ ra mối liên hệ giữa màn hình và cảm giác hạnh phúc đặc biệt rõ rệt ở tuổi dậy thì.
GS Twenge cho biết: “Lúc đầu tôi rất ngạc nhiên về sự liên quan này. Tuy nhiên, tuổi teen dành càng nhiều thời gian cho điện thoại, mạng xã hội thì cảm giác hạnh phúc, bình an càng giảm so với trẻ nhỏ”.
Ngay cả khi thời gian sử dụng các thiết bị này là 4 tiếng, cảm giác an vui cũng ít hơn so với chỉ dành 1 tiếng cho các thiết bị này.
Trẻ dưới 5 tuổi dùng thiết bị điện tử nhiều cũng tăng gấp đôi nguy cơ mất bình tĩnh – với 46% không thể bình tĩnh khi bị kích động.
Ở nhóm trẻ 14-17 tuổi, 4/10 (42,2%) trẻ tham gia nghiên cứu dành hơn 7 tiếng mỗi ngày trước màn hình đã không thể hoàn thành các nhiệm vụ được giao.
Khoảng 1/7 (9%) trẻ trong độ tuổi 11-13 dành 1 tiếng trước màn hình mỗi ngày không tò mò hay hứng thú học những điều mới.
Các chuyên gia cảnh báo những trẻ nghiện thiết bị công nghệ sẽ ít ngủ, béo phì và dễ trở thành nạn nhân của các đe dọa trực tuyến, trong khi trẻ lại bị mất đi các kỹ năng xã hội như giao tiếp trực tiếp.
Chỉ 1-2 tiếng tiếp xúc với thiết bị điện tử
Các nhà nghiên cứu của ĐH Bang San Diego và ĐH Georgia (Mỹ) cho biết thời gian dành cho điện thoại thông minh là rất đáng báo động bởi nó gây ra các vấn đề tâm thần.
“Khoảng một nửa các vấn đề tâm thần là ở tuổi vị thành niên. Điều đặt ra là làm thế nào để trẻ em và trẻ vị thành niên thay đổi hành vi sử dụng thời gian giải trí vào những việc khác hữu ích hơn một cách dễ dàng hơn”, GS Jean Twenge và Keith Campbell cho biết.
Các cha mẹ và giáo viên phải giảm được số lượng giờ trẻ online hay xem tivi trong khi đang học, giao tiếp, ăn uống hay thậm chí là đang chơi thể thao.
Trong nghiên cứu lớn nhất về tác động của các thiết bị điện tử của mình, GS Twenge cho biết bà ủng hộ khuyến nghị thời gian ngồi trước màn hình của Viện Nhi khoa Hoa Kỳ là chỉ được 1 tiếng/ngày đối với trẻ 2-5 tuổi.
Theo đó, giới hạn thời gian đối với trẻ đang trong độ tuổi đi học và dậy thì là tối đa 2 tiếng mỗi ngày.
Đăng tải trên tờ Preventative Medicine Reports, các chuyên gia cho biết họ đặc biệt quan tâm đến mối liên quan giữa thời gian nhìn màn hình với các chẩn đoán lo âu và trầm cảm ở người trẻ, vấn đề chưa được nghiên cứu cụ thể.
“Nghiên cứu trước đó về mối liên quan giữa thời gian ngồi trước màn hình với vấn đề tâm lý ở trẻ nhỏ và trẻ vị thành niên đang khá mâu thuẫn, dẫn đến một số nhà nghiên cứu đã đặt ra câu hỏi về sự hạn chế thời gian khi ngồi trước màn hình khi chúng rảnh rỗi”.
Viện Sức khỏe Mỹ ước tính trung bình trẻ em và trẻ vị thành niên dành 5 tiếng cho các thiết bị công nghệ trong thời gian rảnh rỗi. Và ngày càng có nhiều bằng chứng cho thấy các thiết bị này gây hại cho sức khỏe con người.
Năm nay, tổ chức Y tế thế giới đã đưa rối loạn chơi game vào Phân loại quốc tế về bệnh tật sửa đổi lần thứ 11.
Trước đó, vào tháng 12/2017, một nhóm nghiên cứu của ĐH Oxford đã phát hiện thời gian trung bình ngồi trước màn hình của các trẻ 'zombie' đã tăng vọt từ 3 tiếng lên 4 tiếng 45 phút.
(Nguồn: dantri.com.vn)