CHUYÊN NGHIỆP - TRÁCH NHIỆM - NĂNG ĐỘNG - MINH BẠCH - HIỆU QUẢ !
Tim mạch 22:51 16/10/2017 (968)

Bạn có thể bị cơn đau tim nhưng không biết

Trong một cơn đau tim không phải lúc nào cũng có cơn đau thắt ngực xảy ra.

Những người bị cơn đau tim im lặng thường có ít triệu chứng nên khó nhận biết và dễ bị bỏ qua

Người càng lớn tuổi, tần suất có một số cơn đau tim im lặng càng lớn.

Thông thường khi bạn bị đau tim sẽ gặp phải các triệu chứng rầm rộ và mang tính cấp cứu. Trong các triệu chứng đó thì cơn đau thắt ngực hay gặp nhất, có diễn biến nghiêm trọng và thường rất rõ ràng. Hầu hết mọi người đều biết đau thắt ngực bên trái có liên quan với cơn đau tim hay còn gọi là nhồi máu cơ tim, nhưng ngược lại ít người biết rằng trong một cơn nhồi máu cơ tim không phải lúc nào cũng có cơn đau thắt ngực xảy ra.

có thể bị cơn đau tim nhưng không biếtCấp cứu cho bệnh nhân tim mạch. Ảnh: TM

“Cơn đau tim im lặng”

Không phải ai cũng có biểu hiện ôm chặt lấy ngực và ngã xuống sàn nhà như bạn đã từng thấy trên truyền hình, đó là triệu chứng điển hình của một cơn đau tim hay còn gọi là nhồi máu cơ tim. Đôi khi các triệu chứng gặp phải là hoàn toàn không liên quan đến ngực, vì vậy có thể bỏ sót và mất cảnh giác sự xuất hiện của một cơn đau tim. Đặc biệt, hiện tượng vừa nêu hay gặp ở bệnh nhân đái tháo đường, với khởi phát cơn đau tim có ít triệu chứng hoặc không có triệu chứng nào cả.

Nghiên cứu cho thấy khoảng 20-60% của tất cả các cơn đau tim xảy ra ở những người trên 45 tuổi là hoàn toàn không được công nhận và được coi là “cơn đau tim im lặng”. Người càng lớn tuổi, tần suất có một số cơn đau tim im lặng càng lớn.

Triệu chứng gì xảy ra trong một cơn đau tim im lặng?

Những người bị cơn đau tim im lặng thường có các triệu chứng ít đặc hiệu hoặc triệu chứng không điển hình nên khó nhận biết. Bệnh nhân có thể cảm thấy đang phải chịu đựng do căng cơ ngực, căng cơ vùng lưng, như bị cảm cúm hoặc khó tiêu. Cơn đau do thương tổn tim có thể không định vị ở trong ngực, nhưng thay vào đó bệnh nhân có thể cảm nhận đau ở phần trên lưng, cánh tay hoặc vùng hàm mặt. Những người khác sẽ đơn giản chỉ cảm thấy một sự mệt mỏi kéo dài không thể giải thích và đôi khi đó là triệu chứng duy nhất của một cơn đau tim. Những triệu chứng ít điển hình này có thể hoàn toàn bị bỏ qua bởi bệnh nhân và đôi khi cả ở cơ sở khám chữa bệnh.

Dấu hiệu điển hình của cơn đau tim

Đau thắt ngực: Cơn đau thường xuất hiện ở gần phần trung tâm của ngực và kéo dài hơn một vài phút. Một số người cảm thấy chỉ là một sự khó chịu, trong khi những người khác sẽ cảm thấy một cảm giác bó chặt, đau thắt trong ngực, hoặc một cảm giác đè ép trong ngực. Đau có thể lan ra các khu vực khác như phía sau ngực, một hoặc cả hai cánh tay, vùng thượng vị hoặc vùng cổ và hàm.

Khó thở: Đôi khi đây có thể là triệu chứng duy nhất mà bạn gặp khi bị một cơn đau tim.

Các triệu chứng khác: Một số người sẽ toát mồ hôi lạnh hoặc sẽ có cảm giác buồn nôn và nôn, và có thể đây là triệu chứng duy nhất. Phụ nữ khác với nam giới, thường có các triệu chứng khác ngoài đau ngực, đặc biệt là các triệu chứng đau lưng, buồn nôn và nôn, thở dốc hoặc đau ở hàm.

Các yếu tố nguy cơ của một cơn đau tim im lặng

Bạn được coi là có nguy cơ cao bị đau tim nếu bạn có ít nhất hai trong số các yếu tố nguy cơ của bệnh tim. Một số yếu tố nguy cơ chính của bệnh tim, bao gồm: tăng huyết áp, tiền sử gia đình bị bệnh tim, béo phì, ít hoạt động, tiền sử hút thuốc, tăng mức cholesterol LDL, mức cholesterol HDL thấp, bệnh đái tháo đường týp 2 hay tăng triglyceride máu. Những người có nguy cơ cao nhất bị cơn đau tim im lặng bao gồm phụ nữ và những người trên 65 tuổi.


Nếu nghi ngờ có cơn đau tim im lặng, cần sớm tới bác sĩ tim mạch để khám và được điều trị theo cách tương tự của một cơn đau tim điển hình.

Xử lý cơn đau tim

Khi phát hiện có cơn đau tim im lặng thì việc điều trị tương tự như cơn đau tim thực thụ?

Can thiệp mạch vành nếu tắc: Nếu bạn nghi có cơn đau tim im lặng, bạn cần gặp sớm bác sĩ tim mạch. Để chẩn đoán xác định bác sĩ sẽ chỉ định làm nghiệm pháp gắng sức: bạn được đề nghị chạy trên máy thảm lăn hoặc đạp xe gắng sức tại chỗ, đồng thời đo điện tâm đồ để theo dõi và khảo sát bệnh lý mạch vành của tim. Nếu thấy có ghi nhận bất thường trên test gắng sức tim, bạn có thể được đề nghị chụp mạch vành để phát hiện cụ thể nơi tắc nghẽn của mạch vành. Trường hợp tắc mạch vành sẽ tiến hành phẫu thuật nong mạch vành hoặc đặt stent mạch vành để giúp tái lưu thông máu cung cấp cho cơ tim hoạt động trở lại bình thường.

Dùng thuốc: Có thể sử dụng liều 81mg aspirin mỗi ngày. Aspirin hoạt động như một thuốc chống huyết khối để giúp bạn khỏi bị một cơn đau tim khác. Thuốc chẹn beta có thể được chỉ định để làm giảm nhịp tim, giúp tim làm việc không quá sức và huyết áp giảm xuống. Thuốc ức chế men chuyển ACE có tác dụng giãn mạch máu làm huyết áp giảm xuống và tim sẽ không phải làm việc quá sức. Thuốc hạ cholesterol máu, nhất là thuốc statin thường được sử dụng, để làm giảm mức cholesterol toàn phần và LDL.

Thay đổi lối sống: Tập thể dục thường xuyên và giảm cân nếu thừa cân. Kiểm soát huyết áp và đường huyết theo chỉ định của bác sĩ. Những người bị đái tháo đường nên có mức HbA1C dưới 6,5%.

Lời khuyên của thầy thuốc

Mỗi năm nên kiểm tra định kỳ điện tâm đồ 1 lần. Nếu điện tâm đồ cho thấy có bằng chứng bất thường của sóng Q, có thể bạn đã bị một số tổn thương cơ tim trước đó và có thể bạn đã có một cơn đau tim im lặng mà không được phát hiện.

(Nguồn: suckhoedoisong.vn)

Cùng chuyên mục