Thế nhưng trên thực tế nhiều bệnh nhân tăng huyết áp có dùng thuốc mà vẫn không kiểm soát được huyết áp. Vậy nguyên nhân nào dẫn tới việc thất bại trên?
Uống thuốc thất thường
“Lên thì... uống, xuống lại... thôi” là tình trạng xảy ra khá phổ biến ở người bệnh tăng huyết áp khi mà họ chưa nhận thấy được tầm quan trọng của việc uống thuốc đều đặn. Nhiều trường hợp đo thấy huyết áp tăng hoặc thấy có biểu hiện chóng mặt, nhức đầu (theo kinh nghiệm bản thân nghĩ huyết áp tăng sẽ có các biểu hiện đó)... mới lấy thuốc ra uống, còn khi đo thấy huyết áp ổn định thì lại đem cất thuốc đi không uống nữa, cho rằng huyết áp bình thường thì uống làm gì cho phí thuốc hoặc uống vào huyết áp lại tụt thì sao!... Chính vì uống thuốc thất thường như vậy nên không ít người đã phải nhập viện cấp cứu vì đột quỵ, tai biến mạch máu não, di chứng liệt nửa người... do huyết áp gây ra.
Lời khuyên: Đối với người bệnh khi được kê đơn dùng thuốc trị tăng huyết áp, cần nhớ uống thuốc đều đặn hàng ngày như cơm ăn nước uống. Không được quên uống thuốc và phải uống thuốc đúng giờ. Không được nhớ lúc nào dùng lúc ấy một cách tuỳ tiện. Bởi khi quên uống thuốc, uống thuốc thất thường sẽ làm cho huyết áp không được kiểm soát dễ gây tai biến.
Không tuân thủ liều điều trị và khoảng cách giữa các liều dùng
Trong quá trình điều trị người bệnh thường hay tự ý tăng hoặc giảm liều thuốc. Rất nhiều trường hợp thời gian đầu uống thuốc nghiêm chỉnh, tuân thủ theo chỉ định của thày thuốc nhưng rồi sau đó do nhiều nguyên nhân như cảm thấy mình khoẻ không còn triệu chứng gì, hoặc sợ tác dụng phụ của thuốc thì tự ý giảm liều. Ví dụ, bác sĩ chỉ định uống 2 viên/ ngày chia 2 lần hoặc 3 viên/ngày chia 3 lần (đối với thuốc tác dụng ngắn) hoặc 1 viên/ngày (đối với thuốc tác dụng kéo dài)... Khi thấy huyết áp ổn định, người bệnh tự giảm liều xuống còn 1 viên /ngày hoặc uống cách ngày đối với thuốc tác dụng kéo dài. Điều này hết sức nguy hiểm, vì làm cho nồng độ thuốc trong máu không đủ hoặc không có để kiểm soát huyết áp.
Tương tự như vậy, trong quá trình dùng thuốc nhưng người bệnh vẫn cảm thấy nhức đầu, khó chịu (có thể do các nguyên nhân khác mà không hẳn là do huyết áp tăng) đã tự tăng liều thuốc. Khi dùng quá liều có thể gây tụt huyết áp quá mức, thậm chí gây trụy mạch, tử vong...
Một nguyên nhân làm cho thuốc không đạt được hiệu quả, hoặc gây độc còn do người bệnh không giữ đúng khoảng cách giữa các lần dùng thuốc. Thời gian bán thải của từng thuốc quyết định đến số lần uống của thuốc đó trong ngày. Vì vậy, khoảng cách dùng thuốc trong ngày là thời gian 24 giờ chia đều cho số lần dùng thuốc. Nếu thời gian bán thải của thuốc càng ngắn thì số lần uống thuốc càng nhiều và ngược lại nếu càng dài thì số lần uống thuốc càng ít. Vì vậy, có thuốc ngày uống 2 - 3 lần hoặc hơn nhưng có thuốc chỉ cần uống ngày 1 lần. Tuân thủ khoảng cách dùng thuốc để đảm bảo hoạt chất thuốc có nồng độ ổn định ở các cơ quan, tổ chức bị bệnh ở ngưỡng có hiệu lực để trị bệnh.
Lời khuyên: Người bệnh cần tuân thủ tuyệt đối khoảng cách giữa các lần dùng thuốc. Đối với thuốc dùng 1 lần trong ngày, cần uống vào 1 giờ cố định. Đối với thuốc uống 2 lần trong ngày, cần chia đều trong 24 giờ (12 giờ uống thuốc một lần), nghĩa là nếu uống lần 1 vào 8 giờ sáng thì uống thuốc lần 2 sẽ vào 8 giờ tối... chứ không được căn cứ vào bữa ăn để uống thuốc.
Bỏ thuốc giữa chừng
Đây là một trong những tình trạng phổ biến ở người bệnh. Trong quá trình điều trị, không ít người khi thấy huyết áp khá ổn định (quan niệm huyết áp hạ rồi thì không cần dùng đến thuốc nữa), người khoẻ ra, ăn uống sinh hoạt bình thường... thì lại bỏ không uống thuốc, cho đến khi xuất hiện trở lại các triệu chứng, hoặc xảy ra tai biến nặng. Nhiều trường hợp huyết áp ổn định trong thời gian dài, thậm chí tới 2-3 năm làm cho người bệnh yên tâm không dùng thuốc nữa nhưng đột nhiên huyết áp lại tăng vọt lên đột ngột gây tai biến mạch máu não, thậm chí tử vong...
Lời khuyên: Tăng huyết áp là bệnh mạn tính, không thể chữa khỏi. Dùng thuốc giữ huyết áp để kiểm soát huyết áp ở mức ổn định.Vì vậy, nguyên tắc quan trọng nhất trong điều trị tăng huyết áp là điều trị lâu dài, suốt đời.Muốn phòng ngừa lâu dài, người bệnh không được tự ý bỏ thuốc.Ngay cả khi huyết áp đã hạ xuống mức bình thường, người bệnh vẫn phải tuân thủ nguyên tắc điều trị liên tục. Chỉ có tuân thủ chế độ điều trị thích hợp mới giảm được các tai biến do tăng huyết áp gây ra. Khi đã đạt được huyết áp mục tiêu, cần tiếp tục duy trì phác đồ điều trị kèm theo việc theo dõi chặt chẽ, định kỳ của thày thuốc chuyên khoa để có sự điều chỉnh thuốc hoặc liều kịp thời khi cần thiết.
Tự ý dùng thêm các thuốc điều trị khác gây tương tác bất lợi
Rất nhiều bệnh nhân tăng huyết áp bị mắc đồng thời nhiều bệnh khác như: Bệnh về khớp, hen, đái tháo đường và các bệnh cấp tính thông thường khác... Vì thế khi đang dùng thuốc điều trị tăng huyết áp đồng thời phải dùng thêm các thuốc khác để điều trị. Nguy hiểm nhất là người bệnh tăng huyết áp lại tự ý mua thuốc trị các bệnh thông thường, cấp tính, không có đơn của bác sĩ, gây tương tác bất lợi giữa các thuốc dùng cùng hoặc tương tác bất lợi với chính tình trạng tăng huyết áp của người bệnh. Ví dụ: Các thuốc chữa cảm cúm thường có chứa chất co mạch, sẽ gây tăng huyết áp. Các thuốc chống viêm không steroid (thường dùng giảm đau, kháng viêm điều trị các bệnh về xương khớp và điều trị đau thông thường) làm giảm sức nạp của thận trong khi thuốc chữa tăng huyết áp lại làm tăng độ nạp của thận. Nhóm corticoid (cũng là thuốc trị bệnh về xương khớp, hen...) nhưng lại có tác dụng phụ là giữ muối và nước, gây tăng huyết áp. Các thuốc đông y có cam thảo làm tăng huyết áp rất mạnh...
Nên uống thuốc huyết áp vào một giờ nhất định để tránh bị quên.
Lời khuyên: Khi đi khám bệnh dù là mạn tính hay cấp tính, người bệnh cần nói rõ tình trạng đang dùng thuốc trị huyết áp của mình để bác sĩ cân nhắc kê đơn tránh hoặc hạn chế tối đa sự tương tác bất lợi này. Khi mua các thuốc trị bệnh thông thường không có đơn của bác sĩ, người bệnh cần đọc kỹ hưỡng dẫn sử dụng thuốc xem có cảnh báo gì liên quan tới tình trạng tăng huyết áp và việc dùng thuốc trị huyết áp của mình không. Nếu có cần thận trọng khi dùng hoặc hỏi ý kiến của bác sĩ.
Không tái khám thường xuyên
Việc tái khám thường xuyên có ý nghĩa rất quan trọng đối với người bệnh mạn tính nói chung và tăng huyết áp nói riêng, cho biết rằng tình trạng bệnh có thuyên giảm hay không (bác sĩ sẽ có hướng điều trị thích hợp hơn) hay thuốc và liều thuốc đang dùng có còn phù hợp với bệnh tình nữa không (bác sĩ sẽ tăng, giảm liều thuốc hoặc thay thuốc khác). Vì trên thực tế, nhiều trường hợp bệnh nặng lên trong khi vẫn tuân thủ dùng thuốc và liều dùng theo chỉ định của bác sĩ. Điều này do một thời gian dùng, thuốc bị “nhờn” hoặc dùng thuốc chưa thích hợp.
Lời khuyên: Người bệnh cần thông báo cho bác sĩ biết về những triệu chứng nặng lên (thậm chí là thuyên giảm) của bệnh và tái khám thường xuyên để được điều chỉnh phương pháp điều trị và thuốc thích hợp.
Không kết hợp với luyện tập và ăn uống khi dùng thuốc
Ngoài việc dùng thuốc, chế độ ăn uống, luyện tập thích hợp sẽ hỗ trợ rất nhiều trong việc điều trị bệnh. Nhiều người tăng huyết áp vẫn tập quá sức như chạy cường độ cao... rất dễ gây tai biến, đột quỵ hay ăn mặn (gây tăng huyết áp), dậy quá sớm (nhất là vào mùa đông) sẽ gây co mạch đột ngột do lạnh cũng rất dễ gây tai biến...
Lời khuyên: Với bệnh tăng huyết áp, trước hết cần điều chỉnh lối sống cho thích hợp, sinh hoạt và luyện tập thể lực phù hợp, nên thể dục bằng cách đi bộ nhẹ nhàng, vừa sức là tốt nhất. Trong cuộc sống hàng ngày cần tránh những nguy cơ gây tăng huyết áp như căng thẳng thần kinh, stress, ăn mặn, hút thuốc lá, uống rượu...; nên ăn nhiều chất xơ và đặc biệt luôn giữ cho cuộc sống tinh thần thoải mái...
(Nguồn: suckhoedoisong.vn