TIÊM CHỦNG VẮC XIN COVID-19 VÌ SỨC KHỎE CỦA BẠN VÀ NHỮNG NGƯỜI THÂN YÊU. HÃY CHUNG TAY BẢO VỆ MÌNH VÀ CỘNG ĐỒNG TRƯỚC ĐẠI DỊCH COVID-19!
Đái tháo đường 15:50 14/10/2021 (4115)

Cảnh báo biến chứng bàn chân ở người bệnh đái tháo đường.

Đái tháo đường gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm cho cơ thể, trong đó có những biến chứng ở bàn chân. Đây cũng là nguyên nhân hàng đầu gây cắt cụt chi, tàn phế của bệnh nhân đái tháo đường. Tuy nhiên, vẫn còn có một số bệnh nhân do chủ quan, điều trị không đúng dẫn tới bệnh biến chứng nặng, ảnh hưởng rất lớn tới sức khỏe và chất lượng cuộc sống.

                                                        Biến chứng nhiễm trùng bàn chân của bệnh nhân N.Q.S

Bệnh nhân N. Q. S, 65 tuổi tại Khối phố 2, thị trấn Hương Khê nhập viện điều trị tại khoa Nội Tiết bệnh viện Đa khoa tỉnh trong tình trạng chân trái nhiễm trùng hoại tử các khớp ngón do biến chứng nhiễm trùng của bệnh đái tháo đường. Bác sỹ điều trị Lê Thị Hương- Khoa Nội tiết Bệnh viện Đa khoa tỉnh cho biết: biến chứng nhiễm trùng bàn chân của bệnh nhân N.Q.S khá nặng do nhiễm trùng lâu ngày, bệnh nhân lại di chuyển nhiều nên vết loét càng rộng. Hiện các khớp xương ngón chân của bệnh nhân đã có dấu hiệu hoại tử, ổ nhiễm trùng rất nhiều mủ. Bệnh nhân đang được điều trị tích cực. Các bác sỹ khoa Nội tiết và khoa Chấn thương sẽ hội chẩn và phẫu thuật làm sạch vết loét cho bệnh nhân. 

Theo bệnh nhân N.Q.S: “Tôi đã bị bệnh đai tháo đường đã hơn 20 năm. Hơn nửa tháng trước, các ngón chân trái có dấu hiệu sưng, đau. Do chủ quan nên tôi đi khám tại phòng khám tư ở địa phương. Tại đây, các bác sỹ chẩn đoán tôi bị viêm đa khớp, nên đã tiêm trực tiếp vào chỗ khớp sưng đau. Hơn 10 ngày điều trị vết sưng ngày càng loét ra, nhiễm trùng không khỏi. Tôi phải chuyển lên bệnh viện tỉnh điều trị”. 

Hiện tại, sau 4 ngày điều trị tích cực, bệnh nhân N.Q.S đã được phẫu thuật nạo, hút mủ ổ nhiễm trùng. Các bác sỹ cho biết, việc nạo vét ổ nhiễm trùng và dùng kháng sinh tích cực điều trị với mong muỗn giúp vết thương của bệnh nhân nhanh hồi phục hơn, tuy nhiên, việc bảo tồn các ngón chân cho bệnh nhân là điều rất khó.

                                          Các bác sỹ bệnh viện Đa khoa tỉnh phẫu thuật làm sạch ổ nhiễm trùng cho bệnh nhân

Theo Bác sỹ Nguyễn Thái Thọ - Trưởng khoa Nội tiết bệnh viện Đa khoa tỉnh: Hoại tử ngón chân là một trong các biến chứng bàn chân thường gặp ở bệnh nhân đái tháo đường. Nguyên nhân chủ yếu là do người bệnh không biết mình bị bệnh hoặc do chủ quan không đi kiểm tra sức khỏe định kỳ, không biết cách chăm sóc bàn chân, hoặc là tự ý đi điều trị đến khi biến chứng nặng loét bàn chân rồi mới đi khám. 

Bệnh nhân đái tháo đường khi bị tổn thương loét bàn chân có nguy cơ cắt cụt chi cao gấp 10 – 15 lần so với người không bị đái tháo đường. Để phòng tránh biến chứng do bệnh đái tháo đường, người bệnh cần phải tuân thủ phác đồ điều trị của Bác sĩ chuyên khoa để ổn định đường huyết, không tự ý bỏ trị, không tự mua thuốc lá, thuốc nam để điều trị, có chế độ dinh dưỡng phù hợp và chế độ luyện tập thể dục, thể thao hợp lý…Khi bệnh nhân phát hiện có các biến đổi bất thường ở bàn chân cần đi khám ngay, kể cả chưa tới lịch hẹn tái khám để tránh các biến chứng đáng tiếc.
 

Thu Hòa

 





Cùng chuyên mục