Thông tin từ Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Hà Tĩnh, năm 2021, Hà Tĩnh có 14% trẻ suy dinh dưỡng thấp còi, 8,1% suy dinh dưỡng nhẹ cân, 5,3% suy dinh dưỡng gầy còm. Đến nay, Hà Tĩnh đã đạt được những thành tựu đáng kể về cải thiện tình trạng dinh dưỡng cho trẻ em, tỷ lệ suy dinh dưỡng trẻ em ngày càng giảm; chúng ta đã thanh toán được tình trạng mù lòa do thiếu Vitamin A; tình trạng thiếu Vitamin A huyết thanh, thiếu máu do thiếu sắt và thiếu các vi chất dinh dưỡng khác ngày càng được cải thiện; kiến thức và thực hành dinh dưỡng đúng của người dân ngày càng được nâng cao.
Đạt được kết quả đó, là do tỷ lệ bao phủ viên nang Vitamin A một năm 2 lần cho trẻ em trong độ tuổi được uống là 98,8%. Tỷ lệ bà mẹ sau khi sinh con trong vòng 1 tháng được uống Vitamin A là trên 90%. Việc bổ sung Vitamin A cho trẻ em và bà mẹ sau sinh đã trở thành hoạt động thường niên của các xã, phường, thị trấn trên toàn tỉnh.
Theo Viện dinh dưỡng (Bộ Y tế), phòng chống thiếu vi chất dinh dưỡng là một cuộc chiến bền bỉ để nâng cao năng lực lao động, phát triển trí tuệ, tầm vóc, sức khỏe và chất lượng cuộc sống.
Để phòng chống thiếu vi chất dinh dưỡng cần ăn đa dạng, phối hợp nhiều loại thực phẩm, lựa chọn các thực phẩm giàu vi chất dinh dưỡng cho bữa ăn hàng ngày; cho trẻ bú sớm, nuôi trẻ hoàn toàn bằng sữa mẹ trong 6 tháng đầu, tiếp tục cho trẻ bú sữa mẹ đến 24 tháng tuổi hoặc lâu hơn cùng với ăn bổ sung hợp lý; bữa ăn bổ sung của trẻ cần có các thực phẩm giàu vi chất dinh dưỡng, thêm mỡ hoặc dầu để tăng cường hấp thu vitamin A, vitamin D; cho trẻ trong độ tuổi uống vitamin A liều cao 2 lần/ năm, bà mẹ sau sinh trong vòng một tháng uống một liều vitamin A; trẻ từ 24 đến 60 tháng tuổi uống thuốc tẩy giun 2 lần/ năm. Thực hiện vệ sinh ăn uống, vệ sinh cá nhân, vệ sinh môi trường phòng chống nhiễm giun; phụ nữ tuổi sinh đẻ, phụ nữ có thai cần uống viên sắt và axit folic hoặc viên đa vi chất theo hướng dẫn.
Để phòng thiếu vi chất dinh dưỡng cho trẻ, ngày 1-2 tháng 6, các gia đình hãy cho trẻ trong độ tuổi đi uống vitamin A theo hướng dẫn của trạm y tế xã/phường.