CHUYÊN NGHIỆP - TRÁCH NHIỆM - NĂNG ĐỘNG - MINH BẠCH - HIỆU QUẢ !
Huyết Áp 17:33 07/10/2019 (2579)

Cảnh giác với biến chứng của tăng huyết áp

Tăng huyết áp (THA) là bệnh lý mạn tính, có thể gây ra những biến chứng tim mạch nghiêm trọng, để lại di chứng nặng nề như liệt nửa người, hôn mê, thậm chí tử vong.

Do đó, bệnh tăng huyết áp cần được phát hiện sớm để được điều trị, kiểm soát huyết áp ổn định và phòng ngừa biến chứng. 

Khi nào được gọi là tăng huyết áp?

Đo huyết áp dựa vào hai trị số: Huyết áp tối đa hay còn gọi là tâm thu, huyết áp tối thiểu hay còn gọi là tâm trương. Căn cứ vào hai trị số này để chẩn đoán huyết áp. Huyết áp bình thường đối với người lớn là khi đo huyết áp tâm thu dưới 120mmHg và huyết áp tâm trương dưới 80mmHg. THA là khi huyết áp tâm thu từ 140mmHg trở lên hoặc huyết áp tâm trương từ 90mmHg trở lên.

Khi đo thấy hai chỉ số này nằm giữa huyết áp bình thường và tăng huyết áp (huyết áp tâm thu từ 120-139mmHg hoặc huyết áp tâm trương từ 80-89mmHg) thì được gọi là tiền THA.

Lưu ý: Nếu chỉ đo một lần thấy giá trị huyết áp cao, cũng chưa kết luận bị mắc bệnh THA. Để đo được con số huyết áp chính xác và đưa đến kết luận bị THA, cần tuân thủ một số điểm như sau: Ngồi nghỉ trước khi đo ít nhất 5-10 phút, trong phòng yên tĩnh; không dùng chất kích thích (cà phê, hút thuốc) trước khi đo 2 giờ.

Tư thế đo: Ngồi tựa vào lưng ghế, cánh tay duỗi thẳng trên bàn, nếp khuỷu ngang mức với tim. Có thể đo thêm ở tư thế nằm. Đối với người cao tuổi hoặc có bệnh đái tháo đường, nên đo thêm tư thế đứng nhằm xác định có “hạ huyết áp tư thế” hay không.


Tăng huyết áp là khi huyết áp từ 140/90 mmHg trở lên.

Sử dụng huyết áp kế với bao hơi có bề dài bằng 80%; bề rộng bằng 40% chu vi cánh tay. Quấn băng đủ chặt, bờ dưới của bao đo ở trên nếp lằn khuỷu 2cm. Đặt máy ở vị trí thích hợp sao cho máy hoặc mốc 0 của thang đo ngang mức với tim.

Nên đo huyết áp ít nhất hai lần, mỗi lần cách nhau 1-2 phút. Nếu số đo huyết áp giữa hai lần đo chênh nhau trên 10mmHg, cần đo lại lần ba sau khi đã nghỉ trên 5 phút. Lần đo huyết áp đầu tiên, nên đo huyết áp ở cả hai tay.

Một số trường hợp cần tới các phòng khám chuyên khoa để được theo dõi huyết áp liên tục bằng máy đo tự động trong 24 giờ (Holter huyết áp).

Nguyên nhân và các yếu tố nguy cơ

THA nguyên phát hay còn gọi là THA vô căn, là loại THA phổ biến nhất, chiếm 90-95% số trường hợp và biến chứng dần theo thời gian. Gọi là THA vô căn vì bác sĩ không thể xác định nguyên nhân trực tiếp gây THA. Thay vào đó, nghiên cứu chỉ cho thấy sợi dây liên kết giữa THA nguyên phát với một số yếu tố nguy cơ như sau:

Tuổi già: Khi cơ thể chúng ta già đi theo thời gian, mạch máu cũng sẽ mất dần độ đàn hồi và đưa đến nguy cơ THA. Phụ nữ từ 60 tuổi trở lên có nguy cơ bị THA cao hơn so với nam giới cùng tuổi.

Di truyền: Nhiều người cho rằng THA chỉ xuất hiện ở người trưởng thành nhưng trên thực tế, số lượng trẻ em mắc căn bệnh này đang ngày một gia tăng. Sở dĩ có hiện tượng như vậy là do hai yếu tố tiền sử gia đình và tác động di truyền.

Đái tháo đường và béo phì: Lối sống hiện đại với chế độ dinh dưỡng mất cân đối và thói quen ít vận động thể lực đang gia tăng số lượng người mắc bệnh đái tháo đường và béo phì. Hai căn bệnh này là nhân tố quan trọng làm tăng tỷ lệ bị THA.

Chế độ ăn nhiều muối: Gần 1/3 số trường hợp bị THA nguyên phát có liên hệ đến tình trạng hấp thụ quá nhiều muối. Muối làm tăng giữ nước dẫn đến THA.

THA thứ phát chiếm 5 - 10% số trường hợp được chẩn đoán. Khác với THA nguyên phát, bác sĩ luôn xác định được nguyên nhân gây ra THA thứ phát. Có nhiều căn bệnh khác nhau có thể dẫn đến THA thứ phát, trong đó phải kể đến: Các rối loạn hormon ở tuyến thượng thận (hội chứng Cushing); các bệnh lý về thận như suy thận, u thận hay tắc mạch máu vùng thận; một số tác dụng phụ khi sử dụng thuốc giảm đau, thuốc giảm cân hoặc liệu pháp thảo dược; chứng rối loạn hô hấp trong lúc ngủ; thai sản và những biến chứng như bệnh tiền sản giật…

Điều trị dứt điểm các nguyên nhân thứ phát có thể giải quyết được bệnh. Đối với THA gây ra do tác dụng không mong muốn của thuốc, sau khi ngừng thuốc một vài tuần thì huyết áp sẽ ổn định lại về mức bình thường.

Các yếu tố làm tăng nguy cơ mắc THA, bao gồm: Thừa cân béo phì; lối sống tĩnh tại, lười vận động; ăn uống không lành mạnh; ăn quá nhiều muối; lạm dụng rượu, bia; thuốc lá; căng thẳng thường xuyên; rối loạn chuyển hóa lipid, mắc bệnh đái tháo đường, người cao tuổi trên 60 tuổi dễ bị THA, nam giới hoặc nữ giới đã mãn kinh, nghiện rượu bia, ít vận động; gia đình có người thân (cha/mẹ) mắc THA…


Các tổn thương do tăng huyết áp gây ra. 

Triệu chứng của bệnh

Trên thực tế, hầu hết các bệnh nhân THA đều không nhận thấy bất kỳ một dấu hiệu hoặc triệu chứng rõ ràng nào, mặc dù bệnh đã tiến triển khá nghiêm trọng. Nhiều trường hợp phát hiện ra bệnh khi đi khám định kỳ hoặc khám một bệnh khác. Một số ít bệnh nhân bị THA có biểu hiện một số triệu chứng thoáng qua như đau đầu, khó thở, chóng mặt, ù tai, hoa mắt, đau tức ngực, hồi hộp, đỏ mặt, buồn nôn… Các triệu chứng này cũng dễ bị nhầm lẫn với triệu chứng của các bệnh khác.

Có thể phòng ngừa bệnh THA bằng can thiệp một số yếu tố nguy cơ như giữ tinh thần và tâm trạng thoải mái, tăng cường chất xơ trong bữa ăn, hoạt động thể lực hợp lý; không hút thuốc lá chủ động và thụ động.

Vì thế, khi xuất hiện triệu chứng THA, người bệnh cần sớm đến bệnh viện để được bác sĩ chuyên khoa khám và tư vấn điều trị càng sớm càng tốt. Tránh để bệnh lâu kéo dài gây nên những biến chứng nguy hiểm thậm chí gây cơn đột quỵ, đe dọa tính mạng người bệnh.

Điều trị bệnh để ngăn ngừa biến chứng

Trong điều trị THA, biện pháp không dùng thuốc được đưa lên hàng đầu. Trong một số trường hợp, có thể kiểm soát huyết áp bằng cách: Điều chỉnh chế độ ăn uống (lành mạnh hơn và dùng ít muối, dưới 65g/ngày); tập thể dục đều đặn, vừa sức; cố gắng duy trì cân nặng lý tưởng, giảm cân theo hướng dẫn; ngừng hoặc hạn chế tối đa uống rượu, bỏ hút thuốc; tránh nhiễm lạnh đột ngột; kiểm soát tốt các bệnh gây ra THA, thường xuyên theo dõi sự thay đổi của huyết áp tại nhà.

Còn với trường hợp cần phải dùng thuốc, thì do THA là bệnh mạn tính, không điều trị được khỏi hoàn toàn. Mục tiêu dùng thuốc điều trị THA là để giữ cho huyết áp của bệnh nhân ổn định ở mức cho phép, thường là dưới 140/90mmHg. Đối với bệnh nhân THA kèm theo các bệnh liên quan như đái tháo đường hoặc bệnh thận mạn tính, bác sĩ sẽ có một liệu trình điều trị nghiêm ngặt hơn để giữ cho huyết áp ổn định ở mức dưới 130/80 mmHg. Các mức huyết áp mục tiêu có thể khác nhau theo từng đối tượng bệnh nhân cụ thể.

Mặc dù các phác đồ điều trị THA đã được đưa ra và thử nghiệm rất nhiều lần, tuy nhiên, trong suốt quá trình diễn tiến của bệnh, bác sĩ sẽ theo dõi và có thể thay đổi, tăng giảm liều, phối hợp thêm thuốc hoặc bỏ bớt thuốc cho đến khi xác định được phác đồ điều trị phù hợp nhất đối với bệnh nhân. Bệnh nhân cần lưu ý về tình hình sức khỏe trước và sau khi dùng thuốc để thông báo cho bác sĩ về các tác dụng không mong muốn trong khi dùng thuốc theo phác đồ đã được kê; tuân thủ nghiêm ngặt việc uống thuốc suốt đời, không được tự ý bỏ thuốc hoặc tư ý thay đổi thuốc. Việc điều trị THA rất quan trọng trong việc làm giảm nguy cơ bị đột quỵ, đau thắt ngực, suy tim…

Có thể phòng ngừa bệnh THA được bằng can thiệp một số yếu tố nguy cơ như: Người bệnh cần giữ tinh thần và tâm trạng thoải mái, vì đây là yếu tố quan trọng ảnh hưởng đến mức độ huyết áp; tăng cường chất xơ trong bữa ăn, thay thế mỡ động vật bằng dầu thực vật, không hút thuốc lá, hạn chế sử dụng các chất kích thích như bia, rượu, thuốc lá...; chế độ ăn giảm muối; hoạt động thể lực hợp lý; không hút thuốc lá chủ động và thụ động. Đối với các yếu tố nguy cơ không can thiệp được như tuổi tác, gia đình, giới tính, mắc bệnh mạn tính… thì người bệnh cần chú ý điều trị bệnh mạn tính và đi khám sức khỏe định kỳ để phát hiện và kiểm soát huyết áp tốt.

(Nguồn: suckhoedoisong.vn)

Cùng chuyên mục