CHUYÊN NGHIỆP - TRÁCH NHIỆM - NĂNG ĐỘNG - MINH BẠCH - HIỆU QUẢ !
Đái tháo đường 21:19 22/11/2019 (4525)

Điều trị tăng huyết áp, đái tháo đường ở Trạm y tế - mô hình cần nhân rộng

Tăng huyết áp và đái tháo đường (THA&ĐTĐ) là 2 căn bệnh không lây nhiễm thường gặp và phải điều trị thường xuyên, suốt đời. Ước tính 60% người bệnh ĐTĐ và 50% người bệnh THA không biết mình mắc bệnh. Nhằm phát hiện sớm, giảm biến chứng và tử vong ở hai căn bệnh này, ngành Y tế Hà Tĩnh xây dựng mô hình điểm dự phòng, chẩn đoán, điều trị và quản lý bệnh không lây nhiễm theo nguyên lý y học gia đình (NLYHGĐ) ở 110/262 trạm y tế xã, phường, thị trấn.
Thuận tiện cho người dân
  Bà Hồ Thị Sinh (sinh năm 1950), thôn 3, xã Hương Thọ, huyện Vũ Quang cho biết: "Trước đây, tôi đi khám, nhận thuốc ở bệnh viện phải đi từ sáng sớm mà mãi tới tận trưa mới xong, hơn nữa lúc nào đi khám cũng phải có người nhà đi cùng để chở lên Bệnh viện huyện vì cách nhà gần 10km. Từ đầu năm 2019 lại nay hàng tháng tôi chỉ việc đến trạm kiểm tra huyết áp sau đó các bác sỹ kê đơn cấp thuốc cho tôi dùng trong vòng 1 tháng. Việc khám, lấy thuốc tại Trạm y tế đã không làm mất thời gian chờ đợi, đi lại. Tôi cảm thấy rất hài lòng".

Bà Hồ Thị Sinh đến kiểm tra huyết áp tại Trạm Y tế xã Hương Thọ huyện Vũ Quang

Trạm Y tế xã Hương Thọ, huyện Vũ Quang triển khai mô hình quản lý bệnh không lây nhiễm từ tháng 1 năm nay. Đây cũng là một trong số 110 trạm y tế trên địa bàn tỉnh được Sở Y tế chọn làm điểm triển khai mô hình này. Trước khi triển khai, cán bộ, nhân viên trạm y tế được Sở Y tế, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tập huấn, cấp máy đo và kim que thử đường huyết mao mạch, máy đo huyết áp, hồ sơ bệnh án, hỗ trợ cộng tác viên điều tra ở cộng đồng. Trạm cùng cộng tác viên y tế thôn lập danh sách người dân từ 40 tuổi trở lên trên địa bàn, phỏng vấn đối tượng về các yếu tố nguy cơ, đồng thời mời các đối tượng về trạm y tế để khám tầm soát. Những trường hợp huyết áp độ 1, độ 2 không có biến chứng thì được tư vấn điều trị và cấp phát thuốc tại Trạm. Đối với những trường hợp bệnh nhân bị THA độ 2 có biến chứng, độ 3 và độ 4 thì cán bộ trạm y tế sẽ tư vấn lên tuyến trên để điều trị đến khi ổn định thì sẽ được chuyển về nhận thuốc hàng tháng tại Trạm Y tế. Chỉ tính riêng trong đợt khám, tầm soát vừa qua, trạm y tế đã tầm soát THA cho 944 người dân trên 40 tuổi, qua đó phát hiện 290 trường hợp bị THA để lập hồ sơ bệnh án điều trị. Với bệnh ĐTĐ, đã phát hiện 34 trường hợp nghi ngờ ĐTĐ và được cán bộ Trạm Y tế tư vấn, hướng dẫn bệnh nhân lên Bệnh viện Đa khoa Vũ Quang để chẩn đoán xác định.
Bác sỹ Trần Viết Dũng, Trưởng Trạm Y tế xã Hương Thọ cho biết: "Việc triển khai điều trị bệnh không lây nhiễm ở trạm y tế theo NLYHGĐ rất thuận tiện cho trạm y tế. Người dân được tầm soát, phát hiện sớm bệnh, được điều trị và theo dõi trong suốt quá trình điều trị, tránh tình trạng bệnh mà không biết, điều trị không thường xuyên, liên tục". 
Bác sĩ Nguyễn Chí Thanh, Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Tĩnh (CDC), cho biết: Chương trình quốc gia phòng, chống bệnh THA&ĐTĐ ở 110 trạm y tế được triển khai từ đầu năm 2019 do Tập đoàn Vingroup hỗ trợ thực hiện. Đến nay đã có 326.668 người trên 40 tuổi tại 200 xã, phường, thị trấn được khám tầm soát bệnh THA&ĐTĐ. Qua khám, tầm soát đã phát hiện mới 7.061 người dân bị đái tháo đường và 22.319 người bị THA. Các trạm y tế cũng được trang bị máy đo huyết áp, máy đo đường huyết mao mạch, các tài liệu truyền thông...

Người dân đến lấy thuốc điều trị huyết áp hàng tháng tại các trạm y tế xã

Sẽ triển khai mô hình ra các Trạm Y tế có bác sỹ công tác
Thực hiện Quyết định 2559/QĐ-BYT, ngày 20 tháng 4 năm 2018 của Bộ Y tế về việc ban hành kế hoạch tăng cường thực hiện điều trị, quản lý THA&ĐTĐ theo NLYHGĐ tại các Trạm y tế xã, phường, thị trấn giai đoạn 2019 - 2020 Sở Y tế Hà Tĩnh đã có văn bản số 03/SYT-NVY, ngày 02/01/2019 về việc thực hiện điều trị, quản lý THA&ĐTĐ theo NLYHGĐ tại các Trạm y tế. Theo đó, Trung tâm Y tế/ Y tế dự phòng các huyện, thành phố, thị xã chỉ đạo các Trạm y tế thực hiện điều trị, quản lý THA&ĐTĐ theo NLYHGĐ tại 110 Trạm y tế điểm. Phân công cán bộ theo dõi, giám sát và hỗ trợ các Trạm y tế thực hiện quản lý, điều trị THA&ĐTĐ tại Trạm y tế; Các bệnh viện đa khoa huyện, thành phố, thị xã thực hiện khám sàng lọc, chẩn đoán, điều trị THA&ĐTĐ do các Trạm y tế giới thiệu, chuyển bệnh nhân lên. Làm các kỹ thuật cận lâm sàng; Đưa ra phác đồ điều trị, chỉ định thuốc điều trị. Làm hồ sơ quản lý và điều trị ngoại trú; hẹn tái khám, cấp thuốc và hướng dẫn dùng thuốc hàng tháng. Chuyển bệnh nhân và toàn bộ hồ sơ bệnh án về Trạm Y tế khi bệnh đã ổn định. Bệnh nhân nặng hoặc điều trị không có kết quả thì chuyển tuyến trên. Cung cấp đầy đủ các loại thuốc điều trị THA&ĐTĐ về Trạm y tế để phát thuốc hàng tháng cho những bệnh nhân được chuyển về trạm điều trị.  
Theo bác sĩ Nguyễn Đình Dũng - Phó trưởng Phòng Nghiệp vụ Y - Sở Y tế Hà Tĩnh: để đạt được mục tiêu mà Bộ Y tế đưa ra là 100% trạm y tế được đào tạo về dự phòng, phát hiện sớm, chẩn đoán, điều trị THA và ĐTĐ theo NLYHGĐ, trong năm 2019 và trong năm 2020, ít nhất 70% trạm y tế thực hiện dự phòng, phát hiện sớm, chẩn đoán, điều trị, quản lý THA theo NLYHGĐ; ít nhất 40% trạm y tế thực hiện dự phòng, phát hiện sớm, điều trị và quản lý ĐTĐ theo NLYHGĐ và ít nhất 40% người trưởng thành từ 40 tuổi trở lên đánh giá nguy cơ THA&ĐTĐ, ngành Y tế Hà Tĩnh đã và đang tích cực triển khai các biện pháp, giải pháp đồng bộ như thành lập các đoàn đến hướng dẫn, tháo gỡ những khó khăn vướng mắc mà các trạm gặp phải trong quá trình triển khai thực hiện. Trong thời gian tới, sẽ mở rộng triển khai hoạt động quản lý bệnh không lây nhiễm tại tất cả các trạm có bác sỹ công tác theo NLYHGĐ. 
Đức Mạnh


Cùng chuyên mục