TIÊM CHỦNG VẮC XIN COVID-19 VÌ SỨC KHỎE CỦA BẠN VÀ NHỮNG NGƯỜI THÂN YÊU. HÃY CHUNG TAY BẢO VỆ MÌNH VÀ CỘNG ĐỒNG TRƯỚC ĐẠI DỊCH COVID-19!
Huyết Áp 15:59 17/05/2022 (2965)

Ngày thế giới phòng chống tăng huyết áp 17/5: Thay đổi lối sống để phòng bệnh tăng huyết áp

Tăng huyết áp (THA) là một vấn đề thường gặp và chủ yếu ở người cao tuổi. Đây là căn bệnh giết người thầm lặng, vì có rất nhiều nguy cơ gây biến chứng nghiêm trọng cho người bệnh. Vì vậy, việc phát hiện và phòng bệnh rất quan trọng, nhằm giúp người bệnh kiểm soát tốt huyết áp, tránh để lại những biến chứng nặng nề.

Yếu tố nguy cơ và triệu chứng THA

Thừa cân béo phì: người thừa cân BMI≥23, nam vòng bụng ≥90cm, nữ vòng bụng ≥80cm. Sử dụng nhiều rượu bia, hút thuốc lá, thói quen ít vận động, căng thẳng. Mắc các bệnh mạn tính như bệnh thận, đái tháo đường, rối loạn lipid máu, tuổi tác người cao tuổi có nguy cơ bị THA cao hơn và nam giới bị nhiều hơn nữ… Tiền sử bệnh trong gia đình: nguy cơ THA gia tăng nếu trong gia đình đã có người bị THA.


Bác sĩ khám và tư vấn cho người bệnh tăng huyết áp.


Đa số người mắc bệnh THA không có triệu chứng gì, phát hiện tình cờ hoặc khi xảy ra các biến chứng nặng. Một số triệu chứng của THA không đặc trưng và nặng nhẹ khác nhau tùy theo thể trạng từng người như: Đau đầu vùng chẩm, chóng mặt, hồi hộp, đỏ mặt, buồn nôn…

Biến chứng THA

Có rất nhiều trường hợp bị THA nhưng không biết, vì không có biểu hiện nào khác thường. Tuy bệnh THA diễn biến âm thầm nhưng gây ra nhiều biến chứng nghiêm trọng cho bệnh nhân và để lại hậu quả nặng nề. Biến chứng của THA gây tai biến mạch máu não, nhồi máu cơ tim, suy tim, bệnh lý võng mạc gây mù mắt, suy thận, hẹp các mạch máu ngoại biên, phình bóc tách động mạch chủ ngực, bụng… 

Tuân thủ trong quá trình điều trị

Việc điều trị và kiểm soát huyết áp là vô cùng quan trọng. Đối với bệnh nhân THA, nếu không điều trị đúng và thay đổi lối sống sẽ rất nguy hiểm, nguy cơ biến chứng nặng tăng lên rất nhiều. Chính vì vậy, mục tiêu khi điều trị THA cho bệnh nhân là loại bỏ yếu tố nguy cơ, kiểm soát mức huyết áp đề phòng biến chứng. Điều trị tăng huyết áp gồm điều trị không dùng thuốc và điều trị dùng thuốc. Người bệnh cần sự tuân thủ điều trị lâu dài. Thông qua việc theo dõi huyết áp thường xuyên tại nhà và ở cơ sở y tế, chỉnh liều thuốc hạ áp một cách thích hợp, để đạt mục tiêu huyết áp chấp nhận được. 

Chế độ ăn hợp lý: Giảm ăn mặn (dưới 5g muối/ngày); tăng cường ăn rau xanh, hoa quả tươi; hạn chế thức ăn có nhiều cholesterol và axít béo no, đảm bảo đủ kali và các yếu tố vi lượng. Duy trì cân nặng lý tưởng với chỉ số khối cơ thể (BMI) từ 18,5 đến 22,9; cố gắng duy trì vòng bụng dưới 90cm ở nam và dưới 80cm ở nữ, tích cực giảm cân (nếu thừa cân). Hạn chế uống rượu, bia; ngừng hoàn toàn việc hút thuốc lá hoặc thuốc lào. 

Tăng cường hoạt động thể lực ở mức thích hợp: tập thể dục, đi bộ, đi xe đạp hoặc vận động ở mức độ vừa phải, đều đặn khoảng 30-60 phút mỗi ngày ít nhất 5 ngày trong tuần. Tránh lo âu, căng thẳng thần kinh; cần chú ý đến việc thư giãn, nghỉ ngơi hợp lý. Kiểm soát các yếu tố nguy cơ tim mạch.

Phòng bệnh THA 

Người bệnh cần thay đổi lối sống, trong đó cần chú ý đến kiểm soát cân nặng, giảm cân nếu béo phì, giảm ăn muối và chất béo bão hòa, giảm lượng calo trong chế độ ăn, tập thể dục đều đặn và bổ sung calci, kali, uống rượu vừa phải… Đây là điều cực kỳ quan trọng và là yếu tố kết hợp dùng thuốc.

Bên cạnh đó, người THA nên rèn luyện thể lực thường xuyên, không hút thuốc lá, thuốc lào để bảo vệ tim mạch. Trong quá trình điều trị cần tuân thủ chỉ định của bác sĩ, không tự ý dừng thuốc ngay cả khi huyết áp được kiểm soát. Bên cạnh đó người bệnh cần khám kiểm tra sức khỏe định kỳ để kịp thời phát hiện sớm và điều trị sớm để tránh các biến cố không cần thiết.

SK&ĐS





Cùng chuyên mục