Bệnh võng mạc do đái tháo đường (ĐTĐ) gây ra nếu không phát hiện sớm và điều trị kịp thời sẽ gây mù lòa. Thực tế, ở Hà Tĩnh ngày càng có nhiều người bị bệnh này do chủ quan, chưa có chế độ ăn uống, sinh hoạt hợp lý.
Bệnh ĐTĐ thường gây ra nhiều biến chứng ở người bệnh, trong đó có biến chứng về mắt như: đục thủy tinh thể, bệnh Glôcôm và nguy hiểm nhất là bệnh võng mạc do ĐTĐ. Đây là nguyên nhân hàng đầu gây mù lòa ở những người trong độ tuổi lao động ở các nước phát triển. Bệnh lý này cũng đang trở nên phổ biến ở người trưởng thành tại Việt Nam.
Bác sỹ Bệnh viện Mắt Hà Tĩnh kiểm tra mắt cho bệnh nhân bị bệnh ĐTĐ.
Bệnh võng mạc do ĐTĐ không có triệu chứng rõ ràng, cộng với sự chủ quan của người bệnh nên trong nhiều trường hợp, bệnh chỉ được phát hiện khi thị giác đã bị tổn thương. Theo thống kê của Bệnh viện Mắt Hà Tĩnh, có khoảng 15% người mắc bệnh võng mạc do ĐTĐ trong tổng số bệnh nhân ĐTĐ đến khám mắt tại bệnh viện, trong đó có những người ở giai đoạn biến chứng nặng nề. Đây là nguyên nhân chính gây mù hiện nay. Nếu phát hiện sớm có thể điều trị khỏi hoàn toàn.
Theo các bác sĩ chuyên khoa mắt, bệnh võng mạc do ĐTĐ là tình trạng rối loạn các mạch máu ở võng mạc gây ra bởi bệnh ĐTĐ. Bệnh võng mạc do ĐTĐ là bệnh lý nguy hiểm, và đang có xu hướng ngày càng gia tăng, tùy vào mức độ biến chứng khác nhau, các bác sĩ sẽ có biện pháp theo dõi, quản lý và điều trị phù hợp để đảm bảo thị lực cho người bệnh.
Bác sĩ Lê Duy Tuấn Anh - Khoa điều trị, Bệnh viện Mắt Hà Tĩnh khám và tư vấn cho ông Trương Văn Bản về việc điều trị võng mạc do ĐTĐ cũng như chế độ ăn uống, sinh hoạt hằng ngày.
Ông Trương Văn Bản (76 tuổi, ở phường Nam Hà, thành phố Hà Tĩnh) đang điều trị biến chứng võng mạc do ĐTĐ tại Bệnh viện Mắt Hà Tĩnh, cho biết: “Tôi bị ĐTĐ hơn 20 năm nay và đang được theo dõi, quản lý, điều trị bệnh ĐTĐ tại Bệnh viện Đa khoa thành phố Hà Tĩnh. Cách đây 2 năm, tôi thấy mắt bên phải mờ hơn mắt bên trái và cứ nghĩ là do tuổi già nên không đi khám. Tuy nhiên, gần đây, 2 mắt mờ hẳn nên tôi mới đi khám tại Bệnh viện Mắt Hà Tĩnh. Kết quả tôi bị võng mạc do ĐTĐ. Hiện nay, tôi đang được các bác sỹ theo dõi, điều trị và hướng dẫn về chế độ ăn, chế độ sinh hoạt hằng ngày để tạo hiệu quả điều trị”.
Bệnh võng mạc do ĐTĐ có rất nhiều nguyên nhân và người có thời gian bị ĐTĐ càng lâu năm thì tỷ lệ mắc càng cao (người mắc bệnh ĐTĐ từ 5 - 10 năm thì tỷ lệ mắc bệnh võng mạc do ĐTĐ là 50 - 60%; từ 10 - 15 năm thì tỷ lệ mắc là 80 - 90%). Hơn nữa, nếu trong thời gian dài mắc ĐTĐ, nếu bệnh nhân không kiểm soát tốt đường huyết thì dễ dẫn đến mắc bệnh võng mạc do ĐTĐ sớm hơn và có diễn biến nặng nhanh hơn. Đặc biệt, nguy cơ này còn cao hơn nữa nếu người bệnh ĐTĐ không kiểm soát tốt đường huyết, tăng huyết áp, rối loạn mỡ máu...
Sử dụng máy chụp cắt lớp quang học OCT tại Bệnh viện Mắt Hà Tĩnh nhằm đánh giá rõ được các tổn thương ở vùng hoàng điểm, vùng gai thị của mắt.
Bệnh võng mạc do ĐTĐ có rất ít triệu chứng, nhất là giai đoạn đầu bệnh nhân không có bất cứ triệu chứng gì. Hầu hết các bệnh nhân khi phát hiện bệnh thì đã ở giai đoạn muộn, nhìn mờ, hình ảnh méo mó hoặc mất hình ảnh… Khi võng mạc đã bị tổn thương thì rất khó điều trị, ảnh hưởng rất nhiều đến sức khỏe, chất lượng cuộc sống của người bệnh.
Bác sĩ Lê Duy Tuấn Anh - Khoa điều trị, Bệnh viện Mắt Hà Tĩnh khuyến cáo, để dự phòng các tổn thương mắt do ĐTĐ gây nên, người bệnh cần tuân thủ tốt việc điều trị, chế độ dùng thuốc, ăn uống và luyện tập. Cần phát hiện và điều trị tốt các bệnh lý kèm theo như tăng huyết áp, rối loạn mỡ máu; có chế độ sinh hoạt hợp lý, hạn chế sử dụng chất kích thích, thuốc lá, rượu, bia…
Sử dụng máy chụp đáy mắt không huỳnh quang tại BV Mắt Hà Tĩnh để ghi lại hình ảnh võng mạc của bệnh nhân từ đó có thể quan sát rõ các tổn thương ở mắt giúp các bác sỹ đưa ra phác đồ điều trị phù hợp hơn
Điều quan trọng nhất là phải khám mắt định kỳ để kịp thời điều trị các biến chứng mắt do ĐTĐ, nhất là biến chứng võng mạc. Đối với bệnh nhân ĐTĐ type 1 thì nên khám muộn nhất lần đầu tiên là sau 3 năm được chẩn đoán bệnh ĐTĐ và định kỳ khám ít nhất 1 năm 1 lần; đối với bệnh nhân ĐTĐ type 2 thì nên đi khám lần đầu tiên ngay khi chẩn đoán bệnh ĐTĐ và định kỳ ít nhất 1 năm 1 lần.
Tuấn Dũng